Đây là lần đầu tiên, Ngày thơ Hà Nội được tổ chức. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản dự.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái khẳng định, Ngày thơ Hà Nội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị vĩnh cửu của thơ ca trong lịch sử dựng nước và giữ nước, những đóng góp to lớn của thơ ca trong kiến hưng văn hóa dân tộc, trong bồi đắp tâm hồn, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Việc tổ chức Ngày thơ Hà Nội nhằm động viên các văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong thời kỳ mới; đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, với việc Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vừa được ban hành, qua Ngày thơ Hà Nội, các nhà thơ và văn nghệ sĩ Thủ đô càng thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình trong sáng tác nhằm đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất, quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, Ngày thơ Hà Nội diễn ra ấn tượng với các màn múa trống, múa rồng do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn; các tiết mục ca trù, đọc thơ, ngâm những bài thơ nổi tiếng của thi sĩ nhiều thế hệ. Có thể kể đến tác phẩm “Nguyên Tiêu” (Hồ Chí Minh), “Tây hồ hoài cổ” (Nguyễn Công Trứ), “Mưa xuân” (Nguyễn Bính), “Tiễn xuân” (Hữu Thỉnh), “Hoa phượng” (Bằng Việt), “Với thơ” (Vũ Quần Phương), “Đầu xuân uống trà cùng bạn” (Trần Đăng Khoa), “Lam xanh” (Trần Gia Thái)… được thể hiện bởi Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, ca nương Nguyễn Thúy Hòa…
Ngoài ra còn có phần trình diễn sáng tác của các nhà thơ Hà Nội và trình diễn các ca khúc về mùa xuân, đất nước và Thăng Long – Hà Nội, được phổ từ những bài thơ in đậm trong lòng công chúng Thủ đô và cả nước.
Sau phần khai mạc, Ngày thơ Hà Nội sôi động với các cuộc thi trình diễn thơ của hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, thi trưng bày quán thơ của các câu lạc bộ thơ Hà Nội và các đơn vị báo chí trực thuộc Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.
Hưởng ứng Ngày thơ Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật Hà Nội cũng trưng bày các tác phẩm xuất sắc về Hà Nội, mùa xuân và quê hương, đất nước tại không gian di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trong ngày 23-2, các nhà thơ và người yêu thơ cùng tham gia nhiều hoạt động giao lưu, ngâm thơ và trò chuyện về thơ ca tại các quán thơ.