Phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Ngọc Anh để hiểu thêm về truyền thống gia đình và những tâm tư, nguyện vọng của một nghệ sĩ luôn đau đáu với âm nhạc dân tộc.
– Được biết gia đình anh có truyền thống hoạt động nghệ thuật, bố anh là NSƯT Ngọc Khánh. Vậy có phải từ nhỏ anh đã được định hướng theo con đường nghệ thuật?
– Đúng là như thế. Gia đình tôi đến nay đã ba đời hoạt động nghệ thuật. Ông nội tôi là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Bình, tuy không hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp nhưng ông có thể sử dụng thành thạo tới 6 nhạc cụ. Các chú tôi cũng là thành viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Người có nhiều ảnh hưởng đến tôi nhất là bố tôi, NSƯT Ngọc Khánh. Ông từng công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, với ngón kèn sona độc đáo. Chính vì thế mà bố tôi đã tập tành cho tôi học nhạc, với mong muốn tôi tiếp nối truyền thống gia đình.
– Tuy được định hướng như vậy, nhưng anh đã từng chuyển hướng sang học xiếc từ năm 1993 – 1996. Vậy từ khi nào anh “nối lại tình xưa” với sáo trúc?
– Bố tôi tập tành tỉ mỉ cho tôi từng ngón sáo. Nhưng về sau, thấy sức khỏe của tôi kém quá nên ông ngưng không cho tôi theo đuổi sáo trúc nữa. Vì sáo trúc cần một làn hơi tốt kết hợp với kỹ thuật của các ngón tay để tạo nên tiếng sáo bay bổng, du dương. Nhưng rồi 4 năm đằng đẵng học xiếc, tôi vẫn cảm thấy đam mê sáo trúc gọi mãi trong lòng mình. Vì vậy mà kết thúc chương trình tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc, tôi lại quay trở về học sáo trúc vào năm 1997. Khi đó, tôi thi vào Nhạc viện Hà Nội và học hệ Trung cấp chuyên ngành Sáo trúc tại khoa Âm nhạc truyền thống.
– Ngoài sáo trúc, anh còn có thể sử dụng thông thạo nhiều loại nhạc cụ khác. Trong khi mọi người đều cho rằng, thông thạo một loại nhạc cụ cũng đã là rất khó!
– Năm 1997, khi vào Nhạc viện tôi được học song song 2 chuyên ngành là sáo trúc và đàn tam thập lục. Đến năm 2001, tôi được học thêm đàn nguyệt. Đó là cơ hội để tôi được thể nghiệm với nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Với quá trình học tập của mình, tôi cho rằng ý kiến của mọi người là chuẩn xác. Vì âm nhạc, ngoài sự đam mê, còn đòi hỏi năng khiếu, sự tập luyện nghiêm túc. Ngoài việc học trên lớp còn phải nghe thêm nhiều để ngấm chất liệu. Khó khăn nhất ở những năm đó là nhà tôi chỉ có cái đài cassette nên chỉ khi ở trường về tôi mới có thời gian nghe, cứ tua đi tua lại để nghe cho thuộc. Chính vì thế mà khi dạy sinh viên, tôi luôn nói với các em rằng, ngoài việc được tôi dạy trên lớp, các em phải chịu khó nghe thật nhiều thể loại âm nhạc để mở rộng thêm kiến thức, cũng như hiểu thêm về các màu sắc của âm nhạc thế giới, sau đó áp dụng vào âm nhạc truyền thống (nếu phù hợp). Như vậy sẽ hiệu quả hơn là học thụ động. Ngoài ra, còn cần học hỏi thêm bạn bè, dù khác nhau về chuyên ngành nhưng sẽ rất bổ ích. Bản thân tôi từ lúc đi học đến giờ vẫn thường làm như vậy, và tôi thấy hiệu quả.
– Được biết, anh cũng thường xuyên luyện tập cho con trai bộ môn sáo trúc. Có phải anh mong muốn các con sẽ tiếp tục phát huy truyền thống gia đình?
– Thật sự là như thế. Tôi luôn mong mỏi các con sẽ kế nghiệp để truyền thống của gia đình mình được tiếp nối. Tôi đang định hướng cho cháu Khánh Nguyên (12 tuổi) theo học sáo trúc. Hiện nay, cháu đang học sáo trúc với NSƯT Hoàng Anh (Trưởng bộ môn Sáo trúc – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Tôi đặt nhiều kỳ vọng cho con trai đầu của mình, hy vọng cháu sẽ thi đỗ trong năm tới. Nếu Khánh Nguyên thi đạt và tiếp tục hoạt động âm nhạc truyền thống, thì gia đình tôi đã có đến 4 đời theo đuổi âm nhạc dân tộc. Tôi thấy rất vui khi con trai xem sáo trúc như người bạn, từng ngày nâng niu và tấu lên những âm điệu quê mình.
– Nhiều nghệ sĩ chia sẻ họ không muốn con mình theo nghiệp vì vất vả và nhất là nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc truyền thống thường… nghèo. Tại sao anh lại có ý định cho con theo đuổi bộ môn sáo trúc?
– Tôi luôn tự hào về truyền thống của gia đình mình nên tôi quyết định cho cháu theo đuổi bộ môn này. Cái tiếng 4 đời hoạt động sáo trúc đúng là rất tự hào, nhưng không phải là tất cả. Điều cốt yếu nhất là khi con tôi hoạt động âm nhạc truyền thống, là Khánh Nguyên đã cùng với tôi và tất cả những người nghệ sĩ, nghệ nhân gìn giữ cũng như phát huy bản sắc dân tộc. Sáo trúc cũng là một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, là tâm hồn người Việt, nếu chúng ta không bảo tồn và phát triển thì dần nó sẽ như khúc gỗ mục, rồi nát. Mà văn hóa mai một là mất hết. Với cá nhân tôi, hoạt động nghệ thuật là phải hướng đến cộng đồng, dân tộc, hướng đến cái đẹp, sau đó mới suy tính cho bản thân. Đó là điều mà tôi trân quý đối với người nghệ sĩ trong dàn nhạc dân tộc. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ cho con học thêm âm nhạc phương Tây, để bắt kịp với xu thế và để cuộc sống của con trở nên dễ dàng hơn.
– Trân trọng cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Anh: Tôi muốn nối dài truyền thống gia đình (hanoimoi.vn)