Nghệ thuật biểu diễn có thể là “át chủ bài”?

Trong ngành nghệ thuật biểu diễn, sân khấu chiếm giữ một vị trí quan trọng. Thế nên, khi bước vào công nghiệp văn hóa, sân khấu cả nước nói riêng và sân khấu Hà Nội nói chung không thể đứng ngoài cuộc.

Nói về sự thành của nghệ thuật biểu diễn Thủ đô không thể không nhắc đến Nhà hát Múa rối Thăng Long. Sau hai năm đầy khó khăn vì đại dịch Covid-19, những ngày tháng mong đợi đã đến, lịch biểu diễn kín tuần để đáp ứng sự yêu mến của khán giả trong và ngoài nước là những tín hiệu vui, mang đến niềm hy vọng cho sự bứt phá của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô…

Tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, trong khung cảnh đầy huyền ảo của Thuỷ đình, chú Tễu với thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh xuất hiện mở màn đầy tinh nghịch làm nhiệm vụ dẫn dắt câu chuyện, thu hút sự chăm chú của du khách. Phía sau tấm màn tre mỏng, nghệ sĩ ưu tú Trần Quốc Quý đang điều khiển những con rối thông qua hệ thống sào, dây… Không gian nghệ thuật được phụ trợ bởi tiếng trống và tiếng sáo vừa giục giã và da diết.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Quốc Quý tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 1999 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành rối của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. “Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự điều khiển, dẫn dắt hay kiểm soát nhịp độ của những nghệ nhân múa rối. Ở Nhà hát Múa rối Thăng Long, chúng tôi hiện đang biểu diễn các vở rối nước như: Bật cờ, Chú Tễu, Múa rồng, Em bé chăn trâu, Cày cấy, Cậu ếch, Bắt vịt, Đánh cá, Vinh quy bái tổ, Múa sư tử, Múa phượng, Lê Lợi trả gươm, Nhi đồng vui chơi, Đua thuyền, Múa lân, Múa tiên, Tứ linh…” – nghệ sĩ ưu tú Trần Quốc Quý cho hay.

Các buổi biểu diễn tại nhà hát Thăng Long Hà Nội đã trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hà Nội. Từ khi được mở cửa trở lại, nơi đây là nhà hát đầu tiên đều đặn đón khách vào tối thứ Bảy hàng tuần. Anh Yusuke Sato, du khách người Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi đã chờ đợi việc mở cửa sân khấu cả một năm nay rồi, vì vậy chúng tôi rất háo hức khi được xem múa rối. Khán giả ngồi cách xa nhau nên tôi nghĩ mọi người cảm thấy thoải mái, an toàn”. Bạn Nguyễn Thanh Bình, sinh viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Xem múa rối nước em cảm thấy rất ấn tượng và thú vị. Có rất nhiều khoảnh khắc vui nhộn trong chương trình truyền thống này và đây cũng là một cách tuyệt vời để tìm hiểu thêm về văn hóa và lịch sử Việt Nam”.

Buổi biểu diễn rất nhộn nhịp với lời ca, tiếng trống, mõ, tù và, chen tiếng pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ từ dưới nước lên, trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo. Sân khấu sáng đèn, nhìn những con rối biểu diễn dưới nước cùng những tràng vỗ tay hưởng ứng của du khách đã mang đến niềm vui, sự hy vọng cho những người làm nghệ thuật Thủ đô.

Hơn 20 năm xây và phát triển, năm 2013, Nhà hát này vinh dự mang về cho đất nước kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Các vở diễn của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long đã đến với khán giả hơn 40 quốc gia, để lại dấu ấn trong lòng khán giả thế giới, từ Á đến Âu, Mỹ, Úc… Đây cũng là “địa chỉ đỏ” khi rất thành công trong việc thu hút khách du lịch, là một trong những nhà hát đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia nhất khi đến Việt Nam.

Tuy đã có chỗ đứng nhưng nếu xét về lượng khách và doanh thu, Nhà hát vẫn cần sự thay đổi mình để xây dựng thương hiệu ở tầm quốc tế, làm sao để khi nghĩ đến Việt Nam, khi đến Hà Nội điều ngay lập tức xuất hiện trong đầu những du khách nước ngoài là xem múa rối nước và nhất định phải tìm đến Nhà hát Múa rối Thăng Long, một Nhà hát truyền thống lâu đời bên Hồ Gươm cổ kính. Đó mới là thành công bởi múa rối có thể được xem trên các sân khấu trên khắp thế giới, nhưng múa rối nước duy nhất chỉ có ở Việt Nam.

Nhìn sang nước bạn Thái Lan, văn hoá du lịch từ lâu đã trở thành ngành công nghiệp phát triển và được tổ chức bài bản. Không như Việt Nam, trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm. Vì vậy, lấy ví dụ nhỏ từ Nhà hát Múa rối Thăng Long, để thành công rất cần sự “bắt tay” chặt chẽ với các công ty lữ hành cũng như nỗ lực tự thân từ Nhà hát để làm phong phú, sinh động các chương trình nhằm thu hút khách du lịch hơn.

Một tiết mục rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long

Hiện Nhà hát cũng có mối quan hệ với các công ty lữ hành. Tuy nhiên, việc kinh doanh nghệ thuật cũng cần dựa trên thị hiếu, nhu cầu của du khách. Theo Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, thông thường khách du lịch họ có xu hướng thích combo vừa được tham quan, vừa có chỗ ăn uống, mua sắm và xem biểu diễn nghệ thuật ở một địa điểm chứ không phải ăn một nơi, xem một nơi, riêng gửi xe, đi lại đã mất rất nhiều thời gian. Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho rằng, Hà Nội nên làm một trung tâm văn hoá nghệ thuật lớn, ví như tầng 1 có thể xem múa rối nước, tầng 2 xem chèo, tầng 3 xem kịch rồi xung quanh đó có thể mua sắm, ăn uống.

“Thực tế, các nhà hát ở Thành phố như Chèo, Cải lương, Xiếc, Ca múa nhạc Thăng Long, chưa một Nhà hát nào đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để làm một chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Chúng tôi rất muốn làm những chương trình nghệ thuật lớn nhưng thiếu rất nhiều yếu tố, như cơ sở vật chất cũng như kinh phí thực hiện. Nếu muốn mời ngôi sao, nhà sáng tác, nhà biên đạo nổi tiếng dàn dựng cho một chương trình lớn rất khó vì kinh phí hạn hẹp. Ngoài ra, cần phải có âm thanh, ánh sáng, màn hình led, sân khấu hoành tráng”, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long băn khoăn.

Trước những khó khăn, thách thức, tin vui cho toàn ngành Văn hoá Thủ đô khi Thành ủy Hà Nội Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là bước đi khởi đầu để thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Đây là một niềm vui khi Thành phố quan tâm, nhìn nhận đúng vai trò của văn hoá đối với phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Nhà hát Múa rối Thăng Long chúng tôi chắc chắn sẽ chung tay cùng Thành phố để Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hoá thành công. Hy vọng rằng, thời gian tới Nhà hát múa rối nước Thăng Long sẽ được đầu tư đúng mực, đồng bộ, hoàn thiện cơ sở vật chất, có trung tâm văn hoá trọng điểm cho Thành phố… để lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung và ngành công nghiệp văn hoá nói riêng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của Thủ đô và đất nước”, nghệ sĩ ưu tú Thanh Hiền – Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long kỳ vọng.

 

Cũng nằm bên Hồ Gươm cổ kính, nhà hát Kịch Hà Nội thành lập từ 1959 đến nay đã 60 năm tuổi với hơn 200 tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao và rất nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng khắp cả nước. Nhiều tác phẩm sân khấu kịch nói đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực trên mặt trận văn hóa như các vở “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Đêm tháng 7”, “Bức tranh mùa gặt”, “Tôi và chúng ta”, “Lũy hoa”, “Thầy Khóa làng tôi”, “Cát bụi”, “Hà My của tôi”, “Điện thoại di động”, “Tình sử ngàn năm”, “Những mặt người thấp thoáng”, “Bỉ Vỏ”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Vùng lạnh”, “Đôi mắt”… Qua đó, đã tạo nên một “thương hiệu”, một truyền thống của Nhà hát- đơn vị biểu diễn nghệ thuật kịch nói chính luận xuất sắc.

Để thực hiện công nghiệp văn hoá, sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung cần một sự chuyển mình mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hành động. Bởi ai cũng biết sân khấu đã qua thời hoàng kim, nhiều loại hình giải trí lên ngôi khiến sân khấu rơi vào khủng hoảng. Đứng trước những thử thách trên, Nhà hát Kịch Hà Nội đã nắm bắt được tình hình và có những đổi mới để khắc phục thực trạng.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết: “Định hướng của Nhà hát trong hiện tại và tương lai là trở thành một nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm. Không chỉ kiên định với sở trường là các tác phẩm chính kịch, Nhà hát còn mở rộng và phát triển những chủ đề mới, thể loại mới để tiếp cận khán giả nhanh hơn, phù hợp hơn”.

Ngoài việc làm mới mình, không ngừng học hỏi sáng tạo, Ban lãnh đạo Nhà hát rất tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ (nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn cũng như các cán bộ nhân viên) cơ hội thể hiện năng lực bản thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để các nghệ sĩ trẻ, nhân tố trẻ được học tập, thực hành và trưởng thành trong quá trình lao động nghệ thuật và làm việc.

Không chỉ mạnh dạn trong công tác nhân sự, Nhà hát Kịch Hà Nội đã phát triển thêm một lĩnh vực khá mới mẻ với các nghệ sĩ, đó là lĩnh vực giáo dục, với mong muốn định hướng, đào tạo và tạo nguồn khán giả. “Việc sân khấu thiếu vắng khán giả, tôi nghĩ đó là sự thiếu hụt từ “gốc”; từ “gốc” của nguồn “cung”, từ “gốc của nguồn “cầu”, NSND Trung Hiếu trăn trở.

Trên thực tế, hai nguồn “cung” và “cầu” này lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi nguồn “cầu” là đối tượng khán giả trẻ quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu truyền thống, đó là do họ thiếu sự tìm hiểu, hứng thú. Và căn nguyên của sự thiếu hiểu biết, kém hứng thú đó một phần lớn xuất phát từ sự giáo dục. Những giá trị nghệ thuật truyền thống cần được đưa vào giảng dạy trên trường lớp, ngay từ khi còn nhỏ. Vậy mới có cách nói, có khái niệm “con nhà nòi”. Bởi khi được tiếp xúc, định hướng và đào tạo từ nhỏ, được sống và học tập trong môi trường có tính nghệ thuật, năng khiếu nghệ thuật và khả năng, trình độ cảm thụ nghệ thuật của thế hệ khán giả tương lai sẽ được định hướng và nâng cao theo thời gian. Nguồn “cầu” này sẽ là lượng khán giả tiềm năng chính trong hiện tại và tương lai của chính các nhà hát.

Tuy vậy, NSND Trung Hiếu cũng nhìn nhận một thực tế đó là nguồn “cung” vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ sức mạnh để kéo khán giả đến với sân khấu. Sự thiếu hụt nhân sự từ khâu kịch bản, âm nhạc, đạo diễn… đều là vấn đề bức thiết hiện nay. Bên cạnh đó, những vở diễn cần bám sát với đời sống, phản ánh chân thực những vấn đề nóng hổi đương thời. Đồng thời, cần chú trọng hơn những nội dung về lịch sử, văn học và văn hoá của đất nước ta, dân tộc ta. Bởi đó chính là điểm đặc trưng, nét khác biệt tạo nên sức hấp dẫn và sức hút trong văn hoá và nghệ thuật của mỗi quốc gia.

Để hiện thực hóa việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực sân khấu cần có sự vào cuộc, đồng tâm hiệp lực của các cấp, ngành. Theo NSND Trung Hiếu, đầu tiên là sự hỗ trợ và kết hợp đồng bộ từ ngành du lịch. Các nhà hát, các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu là một trong những điểm đến, những mong muốn được tìm hiểu của đông đảo khách du lịch khi đến Thủ đô Hà Nội hay bất cứ một thành phố nào trên lãnh thổ Việt Nam. Sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu kịch nói nói riêng với lĩnh vực du lịch là đường hướng phát triển hợp lý và cùng có lợi cho cả hai bên.

Sự kết hợp giữa nghệ thuật với lĩnh vực du lịch là đường hướng phát triển hợp lý và cùng có lợi cho cả hai bên.

“Việc kết hợp này cần có một kế hoạch chi tiết, lâu dài và bài bản để tạo dựng một kênh du lịch – văn hoá – nghệ thuật chính thống không chỉ của một thành phố mà còn là của một đất nước. Việc xây dựng kênh thông tin, nhân sự thực hiện, ước tính và đánh giá hiệu suất hiệu quả cần có một lộ trình dài hơi mà bộ, ban, ngành của nghệ thuật sân khấu và du lịch đều cần phải ngồi lại và thống nhất”, NSND Trung Hiếu cho hay.

Thứ hai, sự hỗ trợ và kết hợp đồng bộ từ Bộ Giáo dục và đào tạo. Muốn kéo khán giả đến với sân khấu, trước tiên từ vấn đề nhận thức và giáo dục, khi thế hệ trẻ của chúng ta – những khán giả tương lai, chủ nhân của đất nước liệu có mong muốn và có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và yêu thích nghệ thuật sân khấu kịch hay không? Ngay trong giai đoạn còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh mẫu giáo, tiểu học… ở các nước phương Tây đều được chú trọng vấn đề học tập và phát triển đầy đủ về văn – thể – mỹ. Những bộ môn nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu kịch nói nói riêng nên được đưa vào nhiều hơn trong chương trình giáo dục.

Trên thực tế, các chương trình trải nghiệm Sân khấu Kịch nói – Văn học – Lịch sử – Thực tế dành cho các cấp học đã được Nhà hát Kịch Hà Nội giới thiệu tới các trường công lập – dân lập trên địa bàn Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng và phản hồi tích cực từ nhà trường, phụ huynh và đông đảo học sinh. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, những đề án liên quan sẽ sớm được thông qua và thực hiện rộng rãi. Tin tưởng rằng, việc phối hợp thực hiện giữa các bộ, ban ngành sẽ tạo hiệu ứng tốt nhất, hiệu quả cao nhất; và chắc chắn rằng, đây sẽ là cầu nối vững chắc cho hiện tại và tương lai của các đơn vị nghệ thuật đến gần hơn với khán giả, với công chúng mà chúng ta đã tìm kiếm bấy lâu để thực hiện công nghiệp văn hoá.

Bài viết: Bùi Minh Phương
Đồ họa: Đức Hà
Coder: Hoàng Anh

https://laodongthudo.vn/modules/frontend/themes/laodongthudo/article_media/143986/page-2.html