Ngôi đình cổ và “nhịp thở” của tranh dân gian Hàng Trống

Sau khi được đầu tư tu bổ, tôn tạo, đình Nam Hương với nét kiến trúc cổ truyền và là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, đã trở thành điểm sáng tạo để các nghệ sỹ trẻ được tiếp cận với tranh dân gian Hàng Trống. Ngôi đình cổ vốn nằm ngay trên phố Hàng Trống, nơi gắn với lịch sử hình thành dòng tranh này.

Nằm ngay trung tâm Hà Nội, cạnh Hồ Gươm, đình Nam Hương luôn giữ được vẻ yên tĩnh, không xô bồ. Đây cũng là ngôi đình độc đáo được xây dựng với hai tầng, nằm khuất trong những tán cây cổ thụ xanh mát tạo nên nét đẹp cổ kính giữa phồn hoa đô thị.

Số 75 phố Hàng Trống, nơi ngôi đình tọa lạc, xưa từng là một trung tâm văn hóa – giáo dục của chốn kinh kỳ, là nơi các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo nổi tiếng, yêu cảnh trăng nước hồ thiêng, có thú vui tao nhã đến vãn cảnh, gặp gỡ.

Ngôi đình cổ và “nhịp thở” của tranh dân gian Hàng Trống
Đình Nam Hương là nơi gắn chặt với lịch sử hình thành tranh dân gian Hàng Trống. (Ảnh: Bảo Thoa)

Mặc dù được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nhưng ngôi đình vẫn luôn giữ được kết cấu nguyên bản và mang dáng dấp phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Đến tham quan đình, có thể thấy ngoài vẻ đẹp độc đáo của ngôi đình hai tầng, bên ngoài khuôn viên còn có một khoảng sân với hai cây cổ thụ lớn nằm cân đối, tỏa bóng mát lên mái đình. Lối đi nhỏ hai bên là hàng tre xanh ngát gợi nhớ hình ảnh làng quê xưa. Và đặc biệt hơn nữa, đình Nam Hương cũng là nơi gắn chặt với lịch sử hình thành tranh dân gian Hàng Trống.

Tranh Hàng Trống là dòng tranh lâu đời nhất ở Hà Nội và cũng là dòng tranh lâu đời nhất ở Việt Nam, từ lâu đã gắn bó với đời sống người dân Kinh kỳ – Kẻ chợ, xuất hiện trong dịp Tết cổ truyền cũng như các nghi lễ thờ cúng. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào cho biết chính xác thời điểm cũng như điều kiện ra đời của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Nhưng việc dòng tranh này chịu ảnh hưởng của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo, của vùng miền, các tộc người khác là rất rõ rệt. Nó là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa Phật giáo, Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc, ở đình chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày.

Tranh Hàng Trống có hai nội dung chủ yếu, đó là dòng tranh phục vụ tín ngưỡng tâm linh, trang trí tại các đình, đền, miếu, phủ, điện thờ… và dòng tranh phục vụ phong tục chơi tranh cổ truyền, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.

Ngôi đình cổ và “nhịp thở” của tranh dân gian Hàng Trống
Tranh Hàng Trống là dòng tranh lâu đời nhất ở Hà Nội và cũng là dòng tranh lâu đời nhất ở Việt Nam. (Ảnh: Bảo Thoa)

Cái thú chơi tranh, treo tranh tết như chơi hoa vào dịp Tết đã có từ lâu đời ở người Việt. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên có lẽ là người cuối cùng còn lại của dòng tranh Hàng Trống. Theo nghề truyền thống của gia đình từ lúc nhỏ, 60 năm đã qua, chỉ còn lại ông là người duy nhất am tường và có thể làm được từ đầu đến cuối mọi công đoạn của một bức tranh dân gian Hàng Trống.

Trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức, khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại hiện nay, nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn của các đơn vị, cá nhân tâm huyết đã được triển khai trong những năm gần đây, góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian Hàng Trống đến gần hơn với công chúng.

Hoạt động quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị tranh dân gian Hàng Trống lâu nay cũng được lãnh đạo chính quyền quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm chỉ đạo các ban ngành, phường Hàng Trống vào cuộc. Rất nhiều các hoạt động được triển khai tổ chức thực hiện, trong đó có hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa đình Nam Hương.

Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển” do Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức mới đây là một trong những hoạt động tích cực của chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử.

Theo ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Trống, sau khi được đầu tư tu bổ, tôn tạo, đình Nam Hương với nét kiến trúc cổ truyền và là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, đã trở thành điểm sáng tạo để các nghệ sỹ trẻ được tiếp cận với tranh dân gian Hàng Trống. Hiện đình Nam Hương đang trưng bày 11 tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống. Các nghệ sĩ trẻ được học hỏi, trải nghiệm kỹ thuật vẽ tranh qua các buổi giới thiệu, hướng dẫn cùng với nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Nhờ hoạt động như vậy, các tác phẩm lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian này đã được các họa sỹ trẻ sáng tác và tổ chức triển lãm tại đây. Có thể kể đến các triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng như: Triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống”; Triển lãm “Hổ dạo phố”; Triển lãm “Cõi Tiên”…

Ngôi đình cổ và “nhịp thở” của tranh dân gian Hàng Trống
Hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống còn gắn với phát triển du lịch. (Ảnh: Bảo Thoa)

Hiện nay, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đang xây dựng Đề án Bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc quảng bá di tích đình Nam Hương phục vụ phát triển du lịch quận giai đoạn 2021 – 2026 và những năm tiếp theo.

Hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống còn gắn với phát triển du lịch. Với gợi ý của chính quyền phường Hàng Trống và sự cố vấn trực tiếp của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, chủ đầu tư dịch vụ khách sạn L’Hotel du LAC Hanoi tại 35 Hàng Trống đã lấy cảm hứng chính từ những mảng màu rực rỡ và ý nghĩa văn hóa tốt đẹp của tranh Hàng Trống để thiết kế lên không gian nội thất truyền thống kết hợp với hiện đại, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước khi lưu trú tại khách sạn. Thông qua đó, họ ít nhiều đã biết sự tồn tại của một dòng tranh dân gian mang tên Hàng Trống.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn:

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ ngày xưa giúp các giá trị mãi trường tồn với thời gian. Đây là một trong những dòng tranh dân gian tái hiện một cách sinh động nét đẹp văn hóa của người Việt ngày xưa.

Những giá trị lịch sử văn hóa chứa đựng trong tranh dân gian Hàng Trống phản ánh đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc của người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Các hoạt động kể trên đang chỉ dừng lại ở việc quảng bá, chưa có hoạt động thực sự về bảo tồn, khôi phục mang tính hiệu quả bền vững. Hiện nay nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang truyền bí quyết của nghề làm tranh và lòng yêu nghề cho người con trai là anh Lê Hoàn. Tuy nhiên, nghệ nhân Lê Hoàn còn trẻ, ngoài đời còn nhiều công việc hấp dẫn hơn. Để dòng tranh dân gian Hàng Trống được bảo tồn và trao truyền đúng cách cần phải có một giải pháp đồng bộ, đặc biệt là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực để bảo tồn di sản này.

“Qua quá trình thực hiện các hoạt động bảo tồn và khôi phục, chính quyền phường Hàng Trống nhận thấy có nhiều khó khăn và khó khăn lớn nhất đó là con người, chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động bảo tồn và khôi phục”, ông Đặng Minh Tuấn trăn trở.

Theo ông Tuấn, để các hoạt động bảo tồn, khôi phục lại dòng tranh dân gian Hàng Trống thì sự tham gia của nghệ nhân Lê Đình Nghiên là hết sức quan trọng, nhưng ngoài ra cũng cần phải có sự tham gia một cách bài bản (tổ chức khóa học, hội nghị tọa đàm, các buổi quảng bá, hướng dẫn…) của các đơn vị, cá nhân khác (như các nghệ sỹ, các trường mỹ thuật, người đam mê…) thì mới có thể thành công.

Để làm được việc trên, chính quyền các cấp cần quan tâm bố trí ngân sách hoặc kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, quỹ phát triển văn hóa… để tạo nguồn tài chính cho sự bảo tồn, khôi phục, cũng như phải định ra những cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhân lực thực hiện việc này. Đồng thời, gắn việc bảo tồn, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống với không gian di tích lịch sử – văn hóa đậm nét truyền thống Việt là đình Nam Hương, ngôi đình vốn nằm ngay trên phố Hàng Trống, nơi gắn với lịch sử hình thành dòng tranh này.

Bảo Thoa

https://laodongthudo.vn/ngoi-dinh-co-va-nhip-tho-cua-tranh-dan-gian-hang-trong-154413.html