“Ngôi nhà trí tuệ” ở Ứng Hòa

Với mong muốn mang văn hóa đọc đến với đông đảo học sinh trên địa bàn, thu hút trẻ em nông thôn tham gia sinh hoạt, được sự giúp đỡ của những người con xa quê hương, thôn Thành Vật (xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa) đã thành lập “Ngôi nhà trí tuệ” độc đáo ở địa phương. Không chỉ là thư viện thuần túy, người dân, trẻ em nơi đây còn được trải nghiệm không gian văn hóa đọc mới mẻ…

Thiếu nhi thôn Thành Vật (xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa) đọc sách tại “Ngôi nhà trí tuệ”.

Gieo mầm tri thức

Trong khuôn viên “Ngôi nhà trí tuệ”, gian phòng đọc sách được bố trí gọn gàng, sạch sẽ với các đầu sách phong phú, đủ lĩnh vực: Ngoại ngữ, kinh doanh, y học, công nghệ, du lịch, văn hóa… Mỗi đầu sách được xếp ngăn nắp theo khu vực riêng để bạn đọc dễ dàng tìm kiếm, tạo sự thích thú, thu hút nhiều người đến thư viện.

Em Quản Thị Thanh Thêm, học sinh lớp 7A, Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến (xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa) thường cùng các bạn tới “Ngôi nhà trí tuệ” sau giờ học trên lớp hoặc những ngày cuối tuần để đọc sách, vui chơi, tạo thành nhóm, câu lạc bộ học tập. “Trước kia, em vẫn mơ ước thôn Thành Vật có một ngôi nhà đầy sách với hoạt động thú vị để được tham gia các hoạt động như trau dồi kỹ năng sống, lễ hội hóa trang, câu lạc bộ tiếng Anh… Không ngờ, ngôi nhà như thế đã có thật và gần nhà em. Từ nay, em không chỉ được đọc sách mới miễn phí, mà còn được tham gia nhiều hoạt động bổ ích”, em Quản Thị Thanh Thêm hồ hởi.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, người được giao quản lý, hỗ trợ hoạt động ở “Ngôi nhà trí tuệ” cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực bảo đảm vận hành không gian đọc thân thiện, hiệu quả, đồng thời tổ chức nhiều buổi trò chuyện để truyền cảm hứng đọc sách cho người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em. Việc đưa văn hóa đọc về nông thôn, xây dựng phong trào học tập suốt đời là việc làm ý nghĩa, chúng tôi tâm nguyện là làm sao để gieo được hạt giống tri thức cho mọi người, mọi nhà, rồi sau này những hạt giống ấy sẽ nảy mầm tốt lành”. Cũng theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ là trao cho các em tài sản lớn trong tương lai. Khi lớn lên, các em không chỉ có tri thức mà còn có cả tâm hồn đẹp. Với những người dân địa phương, dù bận bịu với cuộc sống, khi đến với “Ngôi nhà trí tuệ” cũng sẽ tìm thấy kiến thức, được lắng nghe, chia sẻ, lan tỏa giá trị tốt đẹp vì cộng đồng…

Thành lập từ năm 2019 nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động ngoại khóa của “Ngôi nhà trí tuệ” chưa được tổ chức sôi động như mong muốn. Thời gian tới, các nhà hảo tâm và cá nhân gia đình bà Phạm Thị Diệu, người xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động, như: Tổ chức các lớp học tiếng Anh trực tuyến với giáo viên người nước ngoài cho trẻ em; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thảo luận, trao đổi nhóm về kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm chia sẻ kinh nghiệm ôn thi, học tập hiệu quả, phương pháp làm việc theo nhóm…

Mô hình cần được lan tỏa

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ứng Hòa Quản Thị Băng cho biết, “Ngôi nhà trí tuệ” ra đời nhờ ý tưởng lớn của gia đình bà Phạm Thị Diệu, người con quê hương thôn Thành Vật luôn hết mình với các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Dù không sinh sống thường xuyên tại quê nhà do công tác ở thành phố, gia đình bà Phạm Thị Diệu đã tự bỏ toàn bộ kinh phí để sửa chữa, xây dựng ngôi nhà mang tên “Ngôi nhà trí tuệ”, cung cấp các đầu sách hữu ích, giúp mọi người cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm, sinh hoạt cộng đồng… Đáng quý hơn, gia đình bà còn bỏ kinh phí thuê người trông nom, phục vụ học sinh và người dân đến học tập. Tại “Ngôi nhà trí tuệ” còn diễn ra nhiều sự kiện vinh danh, tặng quà trẻ em học giỏi, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Ứng Hòa Nguyễn Thị Thanh Trang chia sẻ, những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động xây dựng văn hóa đọc và hoạt động ngoại khóa cho trẻ em nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hết sức khuyến khích. Đặc biệt, hiện nay với các chương trình ngoại ngữ cho trẻ em nông thôn còn thiếu và yếu nên việc mở các chuyên đề sinh hoạt học tập với giáo viên tiếng Anh bản ngữ cho trẻ em ở “Ngôi nhà trí tuệ” là một việc làm hết sức thiết thực và bổ ích.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến Nguyễn Đình Khảm, “Ngôi nhà trí tuệ” là một mô hình thư viện mới, đa lợi ích, do tư nhân đứng ra tổ chức, tự bỏ kinh phí thuê người chăm sóc, duy trì hoạt động. Các hoạt động ngoại khóa, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của “Ngôi nhà trí tuệ” rất hữu ích. Từ ngày được tiếp cận thường xuyên với nguồn kiến thức từ sách, báo và hoạt động ở “Ngôi nhà trí tuệ”, cuộc sống của trẻ em nơi đây đổi khác theo hướng tích cực. Mong sao mô hình này được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa…

Bạch Thanh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/828550/ngoi-nha-tri-tue-o-ung-hoa