Người công nhân với nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển chăn nuôi

Là công nhân chăn nuôi, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) anh Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1990) được đồng nghiệp đánh giá là người có tính kỷ luật cao, chăm chỉ học hỏi, sáng tạo, đổi mới trong quá trình nghiên cứu, lao động sản xuất, đáp ứng tốt công việc được giao…

Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên tiền thân là Trạm Nghiên cứu vịt (Viện Chăn nuôi) được thành lập năm 1980 với chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ công ích, hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ về chăn nuôi thủy cầm phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã thực hiện một số nghiên cứu khoa học mang lại hiệu qua mang tính cách mạng cho ngành chăn nuôi thủy cầm Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Ngọc bắt đầu làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên từ năm 2016. Những năm qua, trong lĩnh vực chuyên môn và công tác đoàn thể, anh Ngọc đã luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, anh cũng là người luôn truyền lửa đam mê, có nhiều cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học tại Trung tâm.

Người công nhân với nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển chăn nuôi
Những năm qua, anh Ngọc đã luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (Ảnh: NVCC)

Là kỹ thuật viên, công nhân chăn nuôi, anh Ngọc tích cực tham gia vào chăm sóc, nuôi dưỡng các đàn giống gốc và các đàn giống thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở. Trong đó, phải kể đến các đề tài nhằm khai thác, phát triển nguồn gen cấp Nhà nước do Trung tâm chủ trì: “Nghiên cứu nâng cao năng suất và sử dụng có hiệu quả nguồn gen ngan sen”. Tại đề tài này, anh đã tham gia nuôi giữ và phát triển nguồn gen ngan sen. Đề tài đã được nghiệm thu đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, anh cũng đã tham gia nhiều dự án, đề tài nghiên cứu được đánh giá cao như: “Sản xuất thử nghiệm vịt hướng trứng có năng suất cao phục vụ chăn nuôi vùng nước ngập mặn”; “Nghiên cứu chọn tạo 2 dòng vịt từ vịt bầu Sín Chéng, vịt Biển, vịt Huba”; “Hoạn thiện quy trình chăn nuôi gà Hắc Phong”; “Nghiên cứu chọn tạo hai dòng ngỗng Xám tại Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên”…

Từ năm 2022 đến nay với nhiệm vụ công nhân thuộc Trạm nghiên cứu chăn nuôi và ấp nở gia cầm, anh Ngọc trực tiếp tham gia chăm sóc nuôi dưỡng các đàn giống, tham gia khâu ấp nở con giống để thực hiện các đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ.

Cụ thể, dự án nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia phối hợp với Viện Chăn nuôi thực hiện “Hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà Hắc Phong”; đề tài “Nghiên cứu chọn tạo 2 dòng vịt từ vịt bầu Sín Chéng, vịt Biển, vịt Huba phục vụ chăn nuôi vùng đồng bằng Sông hồng và miền núi trung du phía bắc”; ”Nghiên cứu chọn tạo hai dòng ngỗng Xám tại Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên”.

Đặc biệt, hưởng ứng sự phát động từ các cấp Công đoàn, những năm qua, anh Ngọc cũng đã tích cực pham gia phong trào “Sáng kiến, sáng tạo”. Năm 2020 – 2021, anh đã có đóng góp vào sáng kiến sáng tạo: “Giải pháp tạo con lai vịt HB từ nguồn nguyên liệu vịt Biển 15 – Đại Xuyên và vịt Huba”, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Với công việc được giao, anh Ngọc luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ; quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, nhân viên Trung tâm. Đồng thời, là nhân tố kết nối sự đoàn kết trong bộ phận, trong Trung tâm, luôn đấu tranh chống lại mọi quan điểm lệch lạc, sai trái.

Là thành viên của Trạm nghiên cứu và ấp nở chăn nuôi, anh đã đề xuất và xây dựng các chỉ tiêu cho phù hợp với từng bộ phận. Kết quả, khi áp dụng chế độ khoán vào sản phẩm chăn nuôi đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của người làm việc, nâng cao năng suất sản phẩm chăn nuôi, các cán bộ, nhân viên trong Trung tâm đã ủng hộ nhiệt tình chủ trương khoán.

Đối với công việc của Trạm nghiên cứu chăn nuôi và ấp nở gia cầm cũng như của Trung tâm, anh Ngọc luôn tìm tòi để đưa ra các sáng kiến nhằm đem lại kết quả ấp nở tốt. Bên cạnh đó, nhắc nhở động viên nhân viên của mình nỗ lực làm việc, có ý thức kỷ luật cao trong công việc. Đặc biệt, anh đã sắp xếp công việc phù hợp và hợp lý đối với từng nhân viên, động viên nhân viên làm việc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đã tiết kiệm được nhiều về thức ăn, các chi phí cho chăn nuôi.

Những năm qua, anh Ngọc luôn chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của cơ quan về công tác nghiên cứu khoa học, công tác an toàn sinh học, sống hòa đồng nơi cư trú và được mọi người yêu mến. “Bản thân tôi luôn nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như hiểu biết xã hội. Để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng cơ quan ngày càng phát triển”, anh Ngọc bày tỏ.

Với những sáng kiến, hiến kế, đóng góp hăng say, tích cực cho đơn vị, trong 3 năm liên tục (2020, 2021, 2022) anh Nguyễn Văn Ngọc được nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”; trong 2 năm (2020, 2021) nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; năm 2021 nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, anh Ngọc được LĐLĐ huyện Phú Xuyên giới thiệu là đại diện công nhân lao động huyện để LĐLĐ thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Công giỏi Thủ đô” năm 2023.
K.Tiến