Người dân đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính

Từ ngày 27/3, 20 quận, huyện, thị xã có đơn vị hành chính cấp phường phải sắp xếp đã tiến hành lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp, tên gọi đơn vị hành chính mới. Đến nay, về cơ bản, tỷ lệ cử tri đồng tình đạt tỷ lệ cao, có đơn vị đạt 100%.

Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương quan trọng của thành phố Hà Nội. Với cách làm bài bản, khoa học, công tác tuyên truyền hiệu quả, đến nay, việc lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính tại 20 quận, huyện có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản hoàn thành, với tỷ lệ cử tri đồng thuận cao.

Nhiều đơn vị đạt trên 99% cử tri đồng thuận

Dự kiến, đợt sắp xếp này sẽ tác động đến 156 xã, phường, thị trấn, toàn Thành phố giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ; đảm bảo ổn định chính trị – xã hội, không gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của Nhân dân…

Từ ngày 25/2, tất cả các đơn vị thuộc diện sắp xếp đã rà soát, niêm yết danh sách cử tri và từ ngày 27/3 đến 5/4, tiến hành lấy ý kiến cử tri. Hai nội dung được đưa ra lấy ý kiến cử tri là chủ trương sắp xếp và tên gọi của đơn vị hành chính mới.

“Chia tách thì vui, còn sáp nhập thì không dễ dàng” là chia sẻ chúng tôi nhận được từ nhiều cán bộ trực tiếp tham gia công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Bởi khi sáp nhập, hàng loạt các vấn đề được đặt ra như tên gọi đơn vị hành chính mới, thay đổi giấy tờ do đổi tên đơn vị hành chính, bố trí trụ sở mới, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư…

Người dân đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Cử tri kiểm tra danh sách cử tri được niêm yết.

Để tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, công chức và Nhân dân, bám sát chỉ đạo của Thành phố, 20 quận, huyện đã xây dựng phương án thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Theo lộ trình, các đơn vị đã đăng tải tóm tắt Đề án sắp xếp trên Cổng thông tin điện tử quận/huyện và Trang thông tin điện tử các phường/xã/thị trấn; niêm yết tại các trụ sở UBND và nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố.

Tại quận Ba Đình, phương án đưa ra là sáp nhập hai phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực, lấy tên phường mới là Trúc Bạch. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Nội vụ quận cho hay, khi Kết luận 48 của Bộ Chính trị được ban hành, quận đã tổ chức quán triệt và thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Quận ủy làm Trưởng ban, với tinh thần việc sắp xếp phải ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, không gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn.

Người dân đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Tuyên truyền cho người dân về địa giới hành chính mới sau sắp xếp.

Để thuận tiện cho công tác tổ chức bộ máy, quận đã lường trước từ xa, năm 2023 đã tạm dừng thi tuyển công chức cấp phường, dành chỉ tiêu biên chế để bố trí đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập. Trong đó, ưu tiên công chức tại hai phường sáp nhập được chọn các phường khác trong quận còn thiếu biên chế để chuyển đến.

“Hiện, biên chế cấp phường của quận Ba Đình còn thiếu khoảng 30 người, quận sẽ bố trí 7 công chức dôi dư sang các phường này, còn đội ngũ cán bộ là trưởng các đoàn thể như Chủ tịch Hội Phụ nữ, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường… quận sẽ đề xuất Thành phố xét chuyển thành công chức nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng đề án vị trí việc làm. Quận Ba Đình chỉ sáp nhập 2 phường, nên cũng có nhiều thuận lợi”, ông Cường cho biết.

Để tạo đồng thuận, trong thời gian qua, quận Ba Đình thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, mục đích, phương án, lý do vì sao sáp nhập, lý do đặt tên phường mới…; biên soạn các bài tuyên truyền để phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của phường, của quận để người dân hiểu rõ.

Người dân đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Việc lấy ý kiến cử tri được tiến hành công khai, dân chủ.

Ông Cường cũng cho hay, ban đầu, một số cán bộ cơ sở cũng tâm tư về việc đặt tên phường mới. Vì vậy, quận đã tuyên truyền rõ việc chọn tên được dựa trên yếu tố lịch sử, địa danh Trúc Bạch có từ thế kỷ 19, còn địa danh Nguyễn Trung Trực vào những năm 1978, 1979 mới xuất hiện. Hai tên Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực cũng không thể ghép để đặt tên phường mới, nên tôn trọng yếu tố lịch sử, chọn tên phường mới là Trúc Bạch…

Khi được giải thích rõ về nội dung này, cán bộ cơ sở rất ủng hộ, còn Nhân dân, qua lấy ý kiến cử tri cũng đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao. Quận Ba Đình dành 5 ngày từ 28/3 đến 1/4 để lấy ý kiến cử tri. Trong ngày 28/3, mỗi phường tiến hành làm điểm tại 1 tổ dân phố; sau đó mới thực hiện đại trà; việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri được tiến hành theo hộ gia đình.

Kết quả, có 100% cử tri thuộc diện lấy ý kiến tham gia bỏ phiếu. Tại phường Trúc Bạch, có 99,92% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập, 100% đồng ý với tên gọi phường mới. Tại phường Nguyễn Trung Trực, có 98,13% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập, 97,56% đồng ý với tên gọi phường mới.

“Quận cũng xây dựng kế hoạch, sau sáp nhập xong vấn đề quan tâm đầu tiên là hỗ trợ Nhân dân trong việc chuyển đổi giấy tờ. Hiện, quận đã có Tổ hỗ trợ cộng đồng về chuyển đổi số, sẽ hỗ trợ Nhân dân nếu có nhu cầu”, ông Cường cho biết thêm.

Dự kiến HĐND Thành phố họp thông qua chủ trương trước ngày 15/5

Huyện Gia Lâm có 16 xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có 12 đơn vị sáp nhập và 4 đơn vị điều chỉnh địa giới hành chính. Ông Trần Trung Tuyết, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho hay, đến nay, tất cả các xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính của huyện đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri.

Người dân đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Các tổ lấy ý kiến cử tri đến các hộ gia đình phát phiếu, xin ý kiến cử tri.
Người dân đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Nhiều người dân đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Cụ thể, với 12 đơn vị lấy ý kiến về việc sáp nhập, tỷ lệ cử tri đồng tình với chủ trương sáp nhập là 99,06%; đồng ý với việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là 98,87%. Với 4 đơn vị điều chỉnh địa giới hành chính, tỷ lệ cử tri đồng tình với chủ trương điều chỉnh là 99,38%, đồng tình với đặt tên mới sau điều chỉnh là 99,44%…

Tại huyện Phú Xuyên, có 8 đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Bà Lại Đỗ Quyên, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết, đến ngày 27/3, 6 xã Hồng Minh, Tri Trung, Đại Thắng, Văn Hoàng, Nam Phong, Nam Triều đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri, kết quả đều đảm bảo trên 90% đồng ý với chủ trương sắp xếp và tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Hai đơn vị là xã Sơn Hà và Quang Trung, việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện vào ngày 2/4, kết quả xã Sơn Hà có 99,64% cử tri đồng tình với chủ trương sáp nhập, 99,62% đồng ý với tên gọi xã mới; xã Quang Trung có 95,69% cử tri với chủ trương sáp nhập, 74,37% cư tri đồng tình với tên gọi xã mới…

“Huyện Phú Xuyên có 6 đơn vị khi sắp xếp chọn 1 tên xã cũ để đặt tên cho xã mới, còn hai đơn vị là xã Sơn Hà và Quang Trung thì ghép tên, đặt tên đơn vị hành chính mới là Quang Hà. Dự kiến, ngày 9/4, Hội đồng nhân dân huyện sẽ họp để ban hành Nghị quyết về chủ trương sắp xếp”, bà Quyên cho biết.

Người dân đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Nhiều đơn vị tổ chức tuyên truyền cổ động về sắp xếp đơn vị hành chính.

Tại quận Đống Đa, để lấy ý kiến cử tri 10 phường về việc sắp xếp, 143 tổ công tác lấy phiếu ý kiến cử tri đã được thành lập. Bà Lê Ngọc Hân, Trưởng phòng Nội vụ quận cho biết, quận đã tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt, triển khai lấy ý kiến cử tri, đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền. Nhiều phường đã tổ chức cổ động tuyên truyền trên địa bàn phường như Kim Liên, Trung Tự, Quốc Tử Giám.

Ngày 30/3, 10 phường đã tổ chức lấy ý kiến cử tri, kết quả có 99,99% cử tri tham gia bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đồng ý với chủ trương sắp xếp và tên gọi đơn vị hành chính mới đều đạt từ 99% trở lên, riêng phường Khương Thượng đạt 100%…

Có thể thấy, với cách làm bài bản, phù hợp, việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cơ bản được cán bộ, công chức, người dân ủng hộ. Theo lộ trình, sau khi lấy ý kiến cử tri, trước ngày 15/4, UBND các quận, huyện sẽ tổng hợp hồ sơ trình UBND Thành phố.

Sau khi Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua chủ trương, Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trước ngày 15/5.

Phương Thảo