Người dân Hoài Đức nỗ lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm nay

Phấn khởi trước sự đổi mới toàn diện về cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, nhất là các hoạt động an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, nhân dân huyện Hoài Đức quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Theo báo cáo kết quả tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, việc tổ chức lấy ý kiến người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức được thực hiện dân chủ, khách quan, đúng quy định.

Tổng kết, các đơn vị đã lấy ý kiến 55.964 hộ gia đình, đạt 75,27% tổng số hộ dân trên địa bàn 19 xã thuộc huyện (74.349 hộ). Việc tổ chức lấy ý kiến người dân được xem là thước đo chính xác về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Có tổng số 10 nội dung lấy ý kiến. Trong đó, với câu hỏi sự hài lòng về cảnh quan môi trường, giao thông, nước sạch, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, an ninh trật tự đều đạt từ 99,08 – 99,37%. Các nội dung về quy hoạch, thủy lợi, điện, tổ chức sản xuất, chất thải rắn được thu gom, xử lý, môi trường làng nghề, tỷ lệ đạt từ 98% trở lên.

Người dân Hoài Đức nỗ lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm nay
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức ngày càng được quan tâm, cải thiện.

Về sự hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện có 55.660 phiếu hài lòng, tỷ lệ đạt 99,46%. Các hộ được lấy ý kiến đồng tình cao với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện, đánh giá tất cả các tiêu chí đều đã đạt chuẩn. Đặc biệt, bày tỏ phấn khởi trước sự đổi mới toàn diện về cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, nhất là các hoạt động an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Qua tổ chức lấy ý kiến, có nhiều nội dung nhân dân rất quan tâm như: Hình thức hỗ trợ nhân dân xây dựng sản phẩm OCOP; quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất; tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật; kênh, mương, rãnh thoát nước chưa đảm bảo, vẫn ngập khi mưa lớn; còn để vật cản trên hệ thống thủy lợi; công tác tuyên truyền chính sách về bảo hiểm y tế chưa sâu rộng, đạt hiệu quả; tỷ lệ cây xanh chưa đảm bảo; tình hình an ninh trật tự.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị và đưa ra các giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả hơn, thiết thực hơn nhằm giữ vững và nâng cao tiêu chí đã đạt được như: Môi trường, y tế, hệ thống đường giao thông; xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, kết nối điện tử từ huyện đến các xã; cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch- đẹp…

Tuấn Dũng