Ngày 16/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra thực địa công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, tại điểm chân cầu Hồng Hà, giao với đê Hữu Hồng và địa điểm quy tập mộ tại nghĩa trang xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng); Nghĩa trang xã Minh Khai và nghĩa trang xã Đông La (huyện Hoài Đức).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 4 tại địa điểm chân cầu Hồng Hà giao với đê Hữu Hồng. (Ảnh: Nguyễn Thành). |
Tại mỗi địa điểm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã gặp gỡ nhiều người dân có đất ở và phần mộ gia đình thuộc diện phải di dời phục vụ dự án ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) và các xã Minh Khai, Đông La (huyện Hoài Đức); trao đổi, tuyên truyền, vận động người dân chia sẻ, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước; lắng nghe, ghi nhận ý kiến của bà con nhân dân…
Chia sẻ với Bí thư Thành ủy Hà Nội, người dân đều bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 và cho biết sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án. Đồng thời kiến nghị Thành phố quan tâm có cơ chế đền bù hỗ trợ phù hợp có lợi nhất cho người dân, sớm bố trí tái định cư để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống…
Một người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) cho biết, gia đình ông có mộ chôn cất từ năm 2010 đã sang cát và nay nằm trong khu vực giải tỏa. Đến 16/2 âm lịch tới đây gia đình sẽ di dời mộ tới khu mới. Bản thân gia đình thấy đây là chủ trương đúng nên sẵn sàng chấp hành tốt chủ trương, chính sách để qua đó góp phần vào sự phát triển chung của quốc gia, của Thành phố.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng, địa phương này bị ảnh hưởng khoảng 6ha đất nông nghiệp và 5.000m2 nghĩa trang đã chôn từ lâu. Xác định di dời mộ là khó khăn nhất, xã đã tuyên truyền tích cực trong nhân dân.
“Đến nay 100% người dân của xã đã nhận tiền đền bù, bàn giao toàn bộ đất, tài sản trên đất và Minh Khai là xã đầu tiên hoàn thành việc này của huyện Hoài Đức. Còn việc di dời mộ, trong năm 2022 xã đã thực hiện vận động và di chuyển được 76% số mộ. Xã phấn đấu trong khoảng tháng 6-7 sẽ di dời cơ bản xong”, ông Đáng thông tin.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 tại xã Hồng Hà. (Ảnh: Nguyễn Thành). |
Tại huyện Hoài Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao xong 769 mốc với diện tích 239,63ha của 12 xã. Đối với đất nông nghiệp, đến nay huyện đã kê khai, kiểm đếm 101,8ha của 3.564 hộ đất nông nghiệp; niêm yết dự thảo phương án 81,36ha của 2.869 hộ với số tiền 856,68 tỷ đồng. Đồng thời đã phê duyệt và thu hồi đất được 51,12ha. Đối với diện tích đất nông nghiệp đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng là 48,92ha của 1.904 hộ với số tiền 520,1 tỷ đồng. Còn 37 hộ chưa nhận tiền, diện tích 1,1ha với số tiền 11,3 tỷ đồng.
Về di chuyển mộ, đã thực hiện phê duyệt 2.152 ngôi với số tiền 23,15 tỷ đồng. Đến nay đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ 1.543/2.152 ngôi mộ với số tiền 15,78 tỷ đồng. Trong đó có 1.393 ngôi mộ đã di chuyển.
Trong khi đó, huyện Đan Phượng có dự án đi qua với chiều dài toàn tuyến 6,3km. Tổng diện tích đất phải giải phóng mặt bằng khoảng 74,8ha với 1.789 hộ gia đình. Đến nay, huyện đã được thu hồi 19,08/74,8ha với số tiền 218,1 tỷ đồng (đạt 25,5% diện tích giải phóng mặt bằng). Huyện đang tập trung triển khai 4 dự án chỉnh trang mở rộng nghĩa trang nhân dân để quy tập các mộ liên quan đến dự án. Tính đến nay, huyện đã di chuyển 440/1.678 mộ (đạt tỷ lệ 26,22%). Huyện phấn đấu đến tháng 6/2023 bàn giao 70% và đến hết tháng 12/2023 bàn giao 100% diện tích đất phục vụ dự án.
Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân
Trao đổi với báo chí ngay tại điểm kiểm tra thực địa thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Đoàn đã đi kiểm tra ở 4 điểm trên tuyến qua 2 huyện, gặp gỡ nhiều người dân. “Điều đáng mừng nhất là người dân đều hồ hởi, phấn khởi, đều thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khảo sát, kiểm tra thực địa tại nghĩa trang xã Minh Khai, huyện Hoài Đức. (Ảnh: Nguyễn Thành). |
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, sự ủng hộ của người dân càng đòi hỏi các cấp, các ngành từ Thành phố xuống cơ sở phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng như đã đề ra; đặc biệt, phải làm thật tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, nghiên cứu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định.
Trong đó, chủ trương chung của Thành phố là chọn những khu đất đấu giá để bố trí tái định cư cho người dân có đất ở phải giải phóng mặt bằng, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, tương xứng cho người dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô mang lại nhiều lợi ích. Ngoài giải quyết bài toán kết nối liên vùng, tạo điều kiện di dời giãn mật độ dân cư, khắc phục quá tải hạ tầng khu vực nội đô, tuyến đường còn mở rộng không gian phát triển, tạo ra động lực mới thúc đẩy các huyện còn khó khăn vươn lên.
“Như trên tuyến đường kiểm tra cho thấy, hầu hết các vùng tuyến đường đi qua là nông thôn, bà con sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người Thành phố là 141,6 triệu đồng/người/năm, nhưng những nơi này thu nhập bình quân mới có 53-55 triệu đồng/người/năm, chênh lệch rất lớn. Khi tuyến đường hình thành, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu đất phát triển đô thị của Hà Nội sẽ được tăng lên cho phát triển đô thị. Những khu vực này sẽ có điều kiện phát triển, người dân sẽ gia tăng thu nhập…”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên người dân có phần mộ di dời phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 tại điểm quy tập mộ nghĩa trang xã Hồng Hà. (Ảnh: Nguyễn Thành). |
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc nhở, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu đứng đầu phải quán triệt tinh thần trách nhiệm cao vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; sát sao với công việc, bám sát tình hình ở cơ sở, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Khi đường Vành đai 4 được đầu tư, hình thành không chỉ mở không gian phát triển riêng cho Hà Nội mà còn cả Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Riêng với Hà Nội, cùng với chủ trương mà Bộ Chính trị cho phép khi đầu tư dự án này thì với Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng tầm nhìn 2050 thì cơ cấu đất phát triển cho đô thị sẽ được điều chỉnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, khi đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 thì không gian phát triển cho Thủ đô sẽ rộng mở hơn. Từ đó, Thành phố có điều kiện hút dân ra vùng ngoài để giải quyết những vấn đề đang tồn tại như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Đồng thời, có thêm điều kiện để di dời các cơ sở ô nhiễm, các trường đại học, bệnh viện theo chủ trương của Trung ương ra ngoài nội đô để dành thêm quỹ đất phát triển các công trình công cộng.