Người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Thành phố
UBND thành phố Hà Nội đã áp dụng giãn cách xã hội theo ba vùng “đỏ”, “cam”, “xanh” từ 6-21/9. Theo đó, Hà Nội thực hiện phân theo “3 vùng” trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý để tăng cường công tác phòng chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.
Việc phân chia các vùng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất lương thực, thực phẩm trong thời gian tới. |
Sở hữu trang trại trồng rau ngót với diện tích lớn tại huyện Mỹ Đức, anh Anh Ngô Đức Mạnh – Giám đốc Công ty Cổ phần M79 Việt Nam không khỏi phấn khởi, vui mừng trước chủ trương phân vùng của Thành phố. Theo anh Mạnh, việc phân vùng là biện pháp rất tốt để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch tại các vùng có nguy cơ cao và đẩy mạnh sản xuất ở các vùng xanh, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho nguời dân Thủ đô nói chung và các vùng đỏ nói riêng.
Được biết, anh Mạnh đang sở hữu trang trại rau ngót với khoảng 30 mẫu rau. Sản phẩm được anh tiêu thụ chủ yếu qua các siêu thị, chợ dân sinh. Tuy nhiên, từ khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Công ty của anh cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều chợ đầu mối phải đóng cửa, số lượng rau ngót xuất đi không thể bằng so với thời điểm trước dịch. Thời điểm hiện tại, anh chỉ có thể xuất đi khoảng 1 tấn rau ngót mỗi ngày thông qua hệ thống siêu thị Vinmart.
Huyện Mê Linh là một trong những địa phương thuộc “vùng cam” theo phân vùng của Thành phố. Cùng với hoạt động sản xuất, các biện pháp phòng, chống dịch vẫn được người dân nghiêm túc thực hiện. Phát huy thế mạnh của vùng sản xuất nông nghiệp với đa dạng các loại rau ăn lá và củ, quả, nhiều Hợp tác xã, người dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh sản xuất để cung ứng sản phẩm cho thị trường Thủ đô. Theo ông Đàm Văn Đua – Giám đốc HTX Đông Cao, hoạt động sản xuất của bà con trong HTX vẫn được duy trì trong thời gian giãn cách xã hội theo quy định của địa phương. Cụ thể, mỗi gia đình chỉ được 1- 2 người ra đồng theo ngày chẵn, lẻ để đảm bảo giãn cách xã hội và đảm bảo duy trì sản xuất. Thời gian tới, HTX cũng sẽ phối hợp với chính quyền thôn để kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của bà con, giữ vững vùng sản xuất an toàn.
Cũng giống như nhiều HTX khác trên địa bàn, HTX Đông Cao đang gặp khó khăn cho việc tìm đầu ra cho sản phẩm. “Hiện tại, người dân chỉ ở nhà sản xuất nên lượng rau tăng lên khoảng 20 tấn so với trước đây, bởi vậy nhiều mặt hàng rau bị rớt giá nặng nề. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền địa phương sẽ có giải pháp giúp HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa rau an toàn với giá cả phù hợp tới người dân trong vùng cách ly, cùng đó, bà con nông dân của thôn Đông Cao cũng phấn khởi, yên tâm hơn để đẩy mạnh sản xuất”, ông Đua nói.
Linh hoạt trong việc phân khu, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND Hà Nội, ngày 5/9, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện (thuộc Vùng 2). Theo đó, huyện Gia Lâm chia thành 3 phân khu theo mức độ nguy cơ của dịch để đảm bảo sản xuất cũng như các biện pháp phòng, chống dịch. Dưới sự vào cuộc chủ động của chính quyền, người dân trên địa bàn huyện đã và đang ổn định lại sản xuất nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch.
Trong đó tại Phân khu 2, huyện Gia Lâm cho phép các hoạt động sản xuất thiết yếu, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tư nhân được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và có phương án phòng, chống dịch đã được UBND xã, thị trấn phê duyệt…
Đối với Phân khu 3 (vùng xanh) gồm 19 xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện như Phân khu 2, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về. Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, chính quyền sở tại áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 16 hoặc cao hơn Chỉ thị 15 để đảm bảo phù hợp và nhanh chóng đưa địa phương trở lại trạng thái “giai đoạn bình thường mới”.
Còn tại huyện Phúc Thọ, các phương án tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế sau đợt giãn cách thứ 3 cũng đã được huyện xây dựng. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, dựa trên tình hình thực tế, huyện đã đưa ra phương án giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Về phương án cung ứng hàng hóa, huyện Phúc Thọ tiếp tục thực hiện việc giao, nhận hàng hóa thiết yếu; thực hiện việc giao nhận hàng hóa qua các chốt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản từ các quận, huyện và tỉnh thành lân cận; rà soát toàn bộ nguồn cung, cầu hàng hóa thiết yếu tại các xã, thị trấn, tổng hợp điều chuyển trong nội bộ huyện, không để thừa thiếu cục bộ…
Đối với sản xuất công nghiệp, huyện yêu cầu đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, hậu kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất theo phương án được phê duyệt; chỉ cho phép các doanh nghiệp sản xuất hoạt động trở lại khi đã được phê duyệt phương án; xử lý nghiêm các công ty, doanh nghiệp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.