Người đi “xây nhà” cho rác tái chế

Tổ dân phố số 3, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội hiện có 3 chiếc tủ ghi “Điểm thu gom rác thải tái chế xây dựng quỹ hội”. Đây là sản phẩm do ông Lê Đức Hạnh, người dân trong tổ dân phố chế tạo ra để gom rác thải khó phân hủy trước khi được mang đi tái chế.

Năm nay gần 70 tuổi, nhưng ông Lê Đức Hạnh vẫn không ngừng cống hiến và cần mẫn làm việc vì một xã hội không rác thải độc hại.

Trước đây, ở khu dân cư Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp ở xã Vĩnh Quỳnh, các gia đình thường đóng một chiếc đinh lên tường rồi treo các túi rác lên đó cho gọn gàng, tuy nhiên vẫn bị một số người thu lượm ve chai rạch túi ra tìm phế liệu khiến rác bẩn rơi trên nền đường.

Chứng kiến điều này, ông Hạnh đã quyết định làm một chiếc tủ đựng rác tái chế. Chia sẻ về ý tưởng này, ông Hạnh cho biết: “Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 3 thường xuyên tổ chức các buổi ra quân vệ sinh môi trường, chị em phụ nữ rất vất vả khi phải dọn rác rơi vãi. Mong muỗn giúp chị em đỡ vất vả nên tôi đã suy nghĩ cách làm để có thể hỗ trợ, đồng thời để hưởng ứng phong trào “xanh – sạch – đẹp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Quỳnh phát động”.

Người đi “xây nhà” cho rác tái chế
Ông Lê Đức Hạnh tự tay làm tủ đựng rác tái chế

Nghĩ là làm, ông Hạnh lên ý tưởng về một mô hình đựng rác thải tái chế đạt được các tiêu chí: dễ nhìn thấy, dễ bỏ rác vào, người lạ không lấy ra được, đồng thời có mái che mưa và có bánh xe giúp dễ dàng di chuyển tủ đựng rác khi cần. Tại chiếc tủ còn có một thùng kính ghi chữ “Nơi thu thập pin”.

Để mọi người không phải đóng góp kinh phí, ông Hạnh tìm kiếm vật tư là những tấm nhôm, tấm tôn, khung thép… bằng cách đi nhặt ở các điểm xây dựng, xin ở các nhà dân, tháo dỡ ra về gò hàn lại. Từng làm ở Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, có chuyên môn kỹ thuật nên ông Hạnh tự tay đóng hoàn tất chiếc tủ đựng rác thải tái chế như ý có chiều dài khoảng 1,2m, chiều rộng khoảng 80cm, vừa chắc chắn vừa có thể di chuyển được, lại có một ổ khóa để mở ra lấy phế liệu.

Chiếc tủ đầu tiên được đặt tại Khu tập thể Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp đã mang lại niềm phấn khởi cho bà con nhân dân vì rác không còn bị vương vãi ra đường, ngõ xóm trở nên sạch, đẹp. Cái được lớn nữa là đã tạo được ý thức của người dân khi thực hiện phân loại rác thải ngay từ trong nhà trước khi bỏ vào tủ đựng rác tái chế của khu dân cư.

Tái chế
Tủ đựng rác tái chế do ông Hạnh làm đã trở thành “ngôi nhà” của những rác thải khó phân hủy như pin, nhựa,…

Nói về việc làm hết sức sáng tạo của ông Hạnh, ông Hà Thế Lương – Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 nhận xét “Tủ đựng rác tái chế do ông Hạnh sáng chế rất hữu ích. Qua việc làm này ông Hạnh đã thu hút được đông đảo dân cư quan tâm, từ đó nâng cao ý thức cộng đồng khu dân cư chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường. Ông Hạnh rất nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi công việc, được người dân quý mến”.

Từ thành công của chiếc tủ đựng rác tái chế thứ nhất, bà con đã nhờ ông Hạnh làm thêm 2 cái, đặt ở địa bàn tổ dân phố. Qua đó, phong trào phân loại, thu gom rác tái chế lan tỏa rộng rãi. Rác thải tái chế đã có một “ngôi nhà” để lưu trú, để được kéo dài vòng đời, mang lại những giá trị hữu ích cho cuộc sống.

Đặc biệt, việc này đã tạo được nguồn thu cho Chi hội Phụ nữ tổ dân phố. Cứ khoảng 2 tuần là tủ phế liệu lại đầy, chị em Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 3 sẽ lựa chọn và mang đi bán. Số tiền bán được thông báo công khai trên nhóm Zalo, khích lệ mọi người hăng hái hưởng ứng phong trào. Nguồn tiền thu được dành cho những việc hữu ích như hỗ trợ các hội viên khó khăn, chi cho công tác khuyến học, góp phần tổ chức trung thu cho thiếu nhi…

Bà Vũ Thị Hường, hội viên Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 3 cho biết: “Nhờ những chiếc tủ đựng rác thải tái chế do ông Hạnh làm, mỗi tháng Chi hội bán phế liệu được khoảng 300 nghìn đồng. Chị em và nhân dân đều phấn khởi, ai uống lon nước nào xong cũng mang ra bỏ vào thùng thu gom”.

Người đi “xây nhà” cho rác tái chế
Nhờ có tủ đựng, bà con có ý thức hơn trong phân loại rác thải, giữ gìn cảnh quan môi trường

Ngoài ra, năm 2023, ông đã cùng nhân dân trong khu dân cư thay mới 250m đường dây điện để bảo đảm an toàn, lắp mới 18 bóng điện, bố trí 10 đế cắm cờ cố định để treo cờ trong những ngày lễ theo quy định, tạo khung cảnh tươi vui, rực rỡ.

Ngoài ra, với tấm lòng nhân ái, mong muốn giúp đỡ cộng đồng, từ năm 2011 đến nay, vợ chồng ông Hạnh thường xuyên thu gom quần áo, sách vở… để cùng nhóm hoạt động thiện nguyện trao tặng cho người dân, học sinh ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An…

Với những đóng góp không nhỏ trong các hoạt động vì môi trường và vì cộng đồng, ông Lê Đức Hạnh được bà con tin yêu, học hỏi. Mới đây, ông được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì trao danh hiệu Người tốt – việc tốt của Thành phố và của huyện Thanh Trì.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Lời dạy của Người đã đi vào thực tiễn cuộc sống khi càng ngày càng nhiều tấm gương người tốt, việc tốt lan tỏa rộng khắp. Ông Lê Đức Hạnh là một trong những bông hoa đẹp, lan tỏa lối sống lành mạnh, có ích trong cộng đồng.

Trong những năm qua, phong trào “Người tốt, việc tốt” tiếp tục trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn huyện Thanh Trì, được nhân dân hưởng ứng, thi đua sôi nổi, trở thành nét đẹp trong đời sống thường nhật, tạo ra những hạt nhân tích cực, tiêu biểu.

Bảo Thoa

Người đi “xây nhà” cho rác tái chế (laodongthudo.vn)