Năng khiếu, tình yêu và thành công
Nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Thu Huyền – Nhà hát Chèo Hà Nội, khán giả cả nước không ai không ấn tượng với nhiều vai diễn của chị, đặc biệt là vai Thị Mầu có sức sống vượt thời gian. Nhưng chị Huyền đặc biệt có nhân duyên đến với bộ môn chèo, được gắn bó với sự nghiệp “nghề chọn người” và có nhiều thành công bằng tình yêu nghề tha thiết.
Chia sẻ về những ngày tháng đầu “bén duyên” với sân khấu chèo (năm 1992), khi đó chị Nguyễn Thị Thu Huyền 14 tuổi, đang sinh sống cùng cha mẹ tại huyện Đông Anh – ngoại thành Hà Nội được đi xem vở chèo “Nàng Sita” do Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn. Đêm về, chị không ngủ được vì những lời ca, tiếng hát, giai điệu chèo do nhân vật chính biểu diễn cứ hiển hiện. Tình yêu nghề nhen nhóm trong tâm trí Huyền ngay từ ngày đầu được tiếp xúc trực tiếp làn điệu chèo truyền thống đó. Cũng ngay tại thời điểm ấy, sau khi thi tuyển, cô bé Huyền đã được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội chọn vào lớp đào tạo diễn viên kế cận.
Suốt quá trình trưởng thành trong sự nghiệp, bên cạnh thuận lợi là được các thầy cô, các nghệ sĩ đi trước tận tình dìu dắt thì lớp diễn viên của Huyền cũng gặp phải một khó khăn chung: Sự du nhập văn hóa ngoại rất mạnh mẽ, nhất là giai đoạn những năm cuối thập niên 90. Khi đó, rất nhiều loại hình âm nhạc trẻ, phim ảnh, sân khấu tư nhân, các loại hình kinh doanh giải trí “mọc” lên như nấm, có lúc tưởng như bộ môn Chèo truyền thống bị “nhấn chìm”…
Nhưng với sức mạnh của tình yêu nghề, các nghệ sĩ trong nhà hát vừa tiếp tục duy trì những vở diễn, làn điệu chèo đậm đà bản sắc dân tộc, vừa tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo lồng ghép phong cách biểu diễn hiện đại và các trích đoạn chèo với giai điệu truyền thống kết hợp dựng các vở chèo ngắn để biểu diễn trên các sân khấu, hội diễn, lễ hội. “Chưa dừng lại, các nghệ sĩ còn đưa chèo vào trường học, mỗi cấp học một vở diễn nội dung phù hợp lứa tuổi… để “giữ chân” khán giả. Bên cạnh đó, chúng tôi phải đầu tư hiện đại hóa sân khấu phù hợp thị hiếu khán giả”, chị Huyền chia sẻ.
“Truyền lửa” và “giữ lửa”
Năm 2017, được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Huyền vừa vinh dự, tự hào, song trách nhiệm cũng rất lớn vì khó khăn còn nhiều, nhất là công tác tuyển chọn diễn viên.
“Trên thực tế, không hẳn lớp trẻ “quay lưng” với nghệ thuật truyền thống, nhưng các em có quá nhiều lựa chọn nên số lượng đăng ký học nghệ thuật chèo giảm đáng kể. Giữa bối cảnh các sân khấu nhạc trẻ và loại hình phim ảnh phát triển và độ “vênh” khá cao về thu nhập đã khiến không ít nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật chèo phải chạnh lòng. Tuy nhiên, cũng có một điểm mừng là giữa nhiều lựa chọn, các anh chị em nào đã chọn đến với chèo thì đó chính là những “hạt giống” quý, có tình yêu vượt trội đối với nghệ thuật truyền thống của dân tộc”, chị Huyền chia sẻ.
Nắm bắt được tâm nguyện này của các anh chị em nên với vai trò Phó Giám đốc, được giao nhiệm vụ phụ trách nghệ thuật biểu diễn, chị luôn trăn trở làm sao “nuôi” lớn tình yêu nghề cũng như “truyền lửa” và “giữ lửa” cho các nghệ sĩ. Nói về điều này, một số nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như nghệ sĩ: Thanh Huyền, Việt Thắng, Quốc Phòng… đã khẳng định, chị Nguyễn Thị Thu Huyền không chỉ là một lãnh đạo mẫu mực, luôn sát sao gần gũi, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống của anh chị em, mà còn là “ngọn lửa” luôn rực sáng trên sân khấu chèo cũng như trên sàn tập.
Nói về khó khăn, cũng như tinh thần vượt khó để giữ gìn nghệ thuật chèo truyền thống của các nghệ sĩ đoàn chèo Hà Nội nói chung, Nghệ sĩ ưu tú – Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thu Huyền nói riêng, Nghệ sĩ nhân dân – Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội Hoàng Quốc Anh khẳng định, trên hết là tình yêu nghề, tình yêu đất nước, bằng tình cảm và trách nhiệm, chị Nguyễn Thị Thu Huyền đã góp phần quan trọng cùng các anh chị em nghệ sĩ vượt qua mọi khó khăn để giữ gìn bản sắc văn hóa chèo truyền thống và lan tỏa tới đông đảo khán giả trong nước và bạn bè quốc tế.