Có lẽ tại mang sứ mệnh là Thủ đô tập quyền về đủ mọi mặt từ xưa đến nay mà Hà Nội mặc nhiên được coi như là “khuôn vàng thước ngọc” cho các giá trị, nhất là văn hóa của cả nước. Được đề cao như thế, sẽ có người thắc mắc “người Hà Nội” là phải bao gồm những phẩm chất gì mà có thể tiêu biểu cho một giá trị đạo đức tinh thần bất biến qua suốt chiều dài dâu bể?
Đi tìm tính cách người Hà Nội
Để tìm hiểu tính cách người Hà Nội trước tiên chúng ta phải định nghĩa thế nào được gọi là người Hà Nội. Thực tế, đã có rất nhiều tiêu chí và rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Thời bao cấp người ta lấy tiêu chí hộ khẩu, rằng cứ ai có hộ khẩu Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Rồi đến giai đoạn người ta bổ sung, những ai khai sinh ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Sau đó người ta lại đưa ra một tiêu chí khác, người Hà Nội là những người có đóng góp, cống hiến nhiều cho Hà Nội. Rồi đến thời kỳ bùng nổ các phong trào làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, các nhà quản lý áp dụng tiêu chí cứ ai có 3 đời họ tộc sống ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội… Cuối cùng một ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất là của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, đó là xét ở góc độ văn hóa là chuẩn xác nhất bởi văn hóa chính là chỗ để phân biệt người Hà Nội với người từ những vùng đất khác.
Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa người Hà Nội được hun đúc và hình thành từ những tính cách tiêu biểu và đặc trưng mà chỉ cần nhắc đến thôi là người ta có thể hình dung ngay ra “người Hà Nội”. Đầu tiên là chất hào hoa, thanh lịch. Trong cuốn Phố phường Hà Nội xưa, nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy đã viết: “Người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa, giản dị. Ghét lòe loẹt mà thích diểm dắn. Tránh tiếng xa hoa. Dù giàu sang, áo có mớ năm, mớ bảy, cũng phủ một chiếc áo thâm hay tam giang“… “Vì là người Kinh kỳ nên dân Hà Nội đi đâu cũng được người ta trọng, lại cũng được mến về tính yêu khách. Ở các nơi, khi người ta nói “nhà tôi có khách Hà Nội về”, là nhiều bà con muốn đến gặp“… Người Hà Nội mang nét hào hoa không chỉ trong cử chỉ, dáng người mà thể hiện cả trong lời ăn tiếng nói như cách nói chuyện “thưa gửi, vâng dạ” với đôi chút rào đón, lời xin lỗi “nói vô phép” trước khi có thể làm phiền ai, lời cảm ơn “quý hóa quá” khi nhận được chút ít quan tâm giúp đỡ… Lòng người đã vậy nên cảnh trí của Hà Nội xưa cũng rất thanh nhã. Tuy là Kinh đô nhiều đời nhưng Hà Nội vẫn chỉ gồm những con đường ô bàn cờ bé xíu, những ngôi nhà lợp ngói âm dương nép dưới tán hoàng lan, những chùm hoa sữa. Người đi xa nhớ về Thăng Long – Hà Nội, trước hết là nhớ về “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu” (Trịnh Công Sơn), về “nụ cười thân thương”, về “mái tóc xanh trong chiều lộng gió” (Văn Ký), về “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” (Lê Vinh)… Chính cách sống nền nã, thanh lịch ấy tạo nên những con người tâm thức vừa phải, lối sống chừng mực, ghét lối ngoa ngôn, ghét sự thái quá.
Bên cạnh những nét hào hoa, người Hà Nội xưa mang trong mình chất thị dân đậm đặc. Biểu hiện rõ nhất, họ thường được khen là sành ăn, sành chơi, có gu thẩm mỹ tinh tế. Đọc những bài viết của các nhà văn Hà Nội như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân sẽ thấy rõ ràng nhất cái sự “sành” trong cách ăn, cách mặc, cách cảm, cách nghĩ của người Hà thành. Họ ăn kỹ và rất trọng gia vị, bát phở phải có lá mùi, miếng cá phải kèm thì là, bún riêu nhất định phải óng ánh gạch cua với rau ghém, pha nước chè mời khách, bao giờ cũng có chén nước “tống khẩu” để khách súc miệng… Từ cách sống nền nã, xen lẫn cái sự “sành” nên người Hà Nội có thể tĩnh tâm mà lắng nghe tiếng chim hót, có thể bền lòng ngóng đợi từng cánh hoa quỳnh, hoa thủy tiên nở, kiên nhẫn nhấm nháp từng ngụm chè được ủ tới mười lần gạo sen hay thưởng thức từng hạt cốm mỏng tang, thơm nức. Ngoài thú ăn chơi, thưởng thức nghệ thuật tinh tế, người Hà Nội còn nổi tiếng với chất tài hoa, tài tử. Bằng chứng đẹp đẽ còn tồn tại đến ngày nay là những làng nghề, phố nghề nổi tiếng rải rác khắp nội, ngoại thành với những tác phẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người Hà Nội.
Một tính cách cũng được nhiều người nhắc tới khi nói về người Hà Nội đó là chất trí tuệ, hàn lâm mà biểu hiện rõ nét nhất là các đỉnh cao văn hóa vật thể cũng như phi vật thể như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đài Nghiên Tháp Bút, như tư tưởng trọng dụng hiền tài và nhiều cá nhân tiêu biểu. Tính cách này cũng đồng thời được biểu hiện qua trình độ dân trí cao, tinh thần hiếu học, quý trọng tri thức, coi trọng giáo dục của quảng đại người Hà Nội. Cụm từ “sĩ phu Bắc Hà” không chỉ là một cách gọi, phân biệt giới trí thức Hà Nội với trí thức các vùng khác mà còn là một danh hiệu ẩn chứa niềm tự hào về khí tiết và những phẩm cách tốt đẹp riêng có của văn nhân Hà Nội.
Cũng vì trọng tri thức, trọng khí tiết nên một tính cách nổi trội hay được nhắc đến khi nói về người Hà Nội là chất “kẻ sĩ”. Ở người Hà Nội dù ít học hay bậc thức giả đều dễ nhận ra một đôi nét của nhà nho – quân tử. Hơi ngang tàng, hơi ngông, bất cần đời và cả tính sĩ diện, không vồ vập, tự trọng cao, không luồn cúi, hạ mình. Tiêu biểu là Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi với chất sĩ phu Bắc Hà, kẻ sĩ đất Thăng Long, họ đã kiêu hãnh ngẩng cao đầu, chấp nhận mọi tai ương để đương đầu với quyền lực, coi thường mọi đe dọa, dụ dỗ để thực thi công lý, không để cái xấu và cái ác hoành hành…
“Mượn người lịch sự gánh lên Kinh kỳ”
Sau khi đổi mới, Hà Nội không chỉ mở rộng đường, xây thêm nhiều nhà, mà đã có hẳn một cách sống khác. Kém đi cũng có, tốt hơn cũng có, cái cần nhiều lên có khi chưa nhiều, cái cần giảm bớt có khi không giảm bớt. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, sống phương Nam, nhưng là người gốc Bắc kỳ kể lại cảm giác hụt hẫng của ông khi đang ngồi uống cà phê ở một quán vốn có tiếng là nơi dân sành Hà Nội hay đến, bắt gặp một người phụ nữ đẹp, tay và cổ đeo nhiều trang sức, đi xe hơi, trông dung mạo đúng là người Hà Nội thành đạt vào quán tự tin gọi: “Lày, cho xin một lâu lóng nhé”. Đấy, từ cái tiếng Hà Nội bây giờ đã bị pha tạp như thế. Hà Nội bây giờ, hiếm hoi lắm mới được nghe thấy một giọng nói kiêu sang, thanh quý được tinh luyện bao đời của người Hà Nội. Chưa kể các loại tiếng Tây, tiếng Tàu đệm vào cho “sang mồm” khiến xu hướng vọng ngoại, lai căng trong ngôn ngữ ngày càng nhiều. Bên cạnh tiếng nói là nết ăn. Người Hà Nội giờ chèo kéo, tranh giành thực khách thành thục. Và thực khách, giờ vắng hẳn lớp người khó tính trong chuyện ăn, bát bún riêu giờ có cả thịt bò lẫn khoanh giò cho… đủ chất, và phở – món “quốc hồn quốc túy” giờ đã có cả… sốt vang. Thêm nữa, khác hẳn lối ứng xử nho nhã khi xưa, Hà Nội cũng lâu rồi không thấy câu “vô phép”, “dạ thưa”, cái khoanh tay cúi chào người lớn, và cũng hiếm hoi lắm mới bắt gặp lối ứng xử nhã nhặn với nhau ngoài đường, ngoài chợ…
Do luồng di cư ào ạt đến quá đông, do sức đề kháng của “người Hà Nội” chưa đủ mạnh, do giáo dục, hay do gì đi nữa thì nét thanh lịch, tài tử, hào hoa của Hà Nội xưa giờ cũng phai nhạt đi nhiều. Để đến bây giờ, nói về “chất” của người Hà Nội xưa, hình như chúng ta đang hoài niệm. Giống như chút ngậm ngùi của nhà văn Nguyễn Khải trong phần kết truyện ngắn Một người Hà Nội: “Một người như cô phải chết đi, thật tiếc. Lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.
Không để cho những “hạt bụi vàng” dần chìm và biết mất, thành phố đang nỗ lực từng ngày để khơi dậy trước hết là niềm tự hào sau đó là ý thức của mỗi công dân để những “hạt bụi vàng” ấy “bay lên”. Vì những người có trách nhiệm, những người yêu Hà Nội đều tin rằng, chỉ cần nó đã từng tồn tại và nó đẹp, nó đáng tự hào thì đương nhiên nó sẽ trường tồn và được tiếp nối. Xa hơn, những khuôn vàng thước ngọc ấy, còn là cái để những cư dân “Hà Nội mới” trông vào để sửa mình. Giống như cách cô gái kẻ Láng muốn mang những mớ rau thơm quê mình vào Thành bán cũng có ý thức: “Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền/ Mượn người lịch sự gánh lên Kinh kỳ”. Muốn lên Kinh kỳ trước hết phải là người lịch sự. Người xưa đã thế, bởi môi trường sống thanh nhã đã sàng lọc nghiêm khắc những gì mà nó thu nạp. Người nay, vì thế buộc phải tự học hỏi, điều chỉnh để hòa đồng, để được chấp nhận. Để dần biến khái niệm “người Hà Nội” không chỉ là một kiểu người, một phong cách, một ký ức đẹp đẽ mà còn là một thương hiệu của Hà Nội hôm nay.
Đoan Trang/HNM