Nhưng còn rất nhiều cống hiến của ông chưa được nhiều người biết đến. Từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, ông đã là một Vệ Út tham gia chiến đấu kìm chân quân Pháp tại nội thành Hà Nội.
GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh sinh năm 1933 tại Hà Đông. Năm 12 tuổi, cậu bé Canh đến giúp việc cho một gia đình họ hàng ở phố Hàng Ngang. Cậu được giác ngộ cách mạng và được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho các anh, chị thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Cuối năm 1946, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; cậu bé Canh tìm đến tổ chức, xin được tham gia. Giữa những làn đạn, Vệ Út Canh cùng bạn nhỏ khác vẫn chạy đi chạy lại như con thoi để bảo đảm thông tin liên lạc. Đêm 17-2-1947, sau khi thành công trong kìm chân Pháp, quân ta được lệnh rút lên chiến khu Việt Bắc. Cậu bé Canh theo chân các anh tự vệ bí mật rời Hà Nội. Ở chiến khu, cậu được tham gia các phong trào văn nghệ. Do có năng khiếu, cho nên cậu được phân công vào đoàn văn công, đi biểu diễn động viên bộ đội, nhân dân.
Sau này, Lê Ngọc Canh được cử đi học ở Bun-ga-ri và có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành nghệ thuật múa nước nhà trong vai trò biên đạo múa. Năm 2011, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; năm 2014, ông trở thành Giáo sư đầu tiên của ngành múa Việt Nam; năm 2017, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật. Cuộc đời ông được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu như: Nghệ thuật múa Chăm, Văn hóa làng Đa Sĩ, Khái luận nghệ thuật múa, Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam, 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Đại cương nghệ thuật múa, Nghệ thuật múa chèo…
Song, điều khiến nhiều người ngạc nhiên nhất về Giáo sư Lê Ngọc Canh là những năm tháng làm việc không ngừng nghỉ khi tuổi đã cao. Sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống văn hóa – làng nghề Đa Sĩ, quận Hà Đông, ông thấy mình cần phải làm gì đó cho Hà Nội. Ông là người tích cực đề xuất với Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội xây dựng Đề án “Phục hồi, phát huy múa cổ Thăng Long”. Đề án này đã nhận được sự ủng hộ của UBND thành phố Hà Nội cũng như Hội Nghệ sĩ Múa thành phố. Giáo sư Lê Ngọc Canh làm Chủ nhiệm đề án khi tuổi đã ngoài 70. Bản thân ông lúc đó mắc bệnh nặng, nhưng hằng ngày, hằng tháng, ông vẫn cùng các thành viên đi điền dã, sưu tầm các điệu múa cổ Thăng Long. Để hiểu được các điệu múa cổ, thì phải hiểu văn hóa dân gian của Thăng Long, xứ Đoài. Ông cùng các đồng nghiệp cao niên đi đến nhiều làng quê, nhiều ngôi làng giờ đã thành phố để sưu tầm, tìm hiểu múa cổ. Sau khi sưu tầm, kết hợp với các tài liệu khác, ông còn bổ sung, hiệu đính rồi dạy lại nhân dân các địa phương. Kết quả của đề án là 150 điệu múa được sưu tầm, ra mắt cuốn sách “Múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội” và đĩa DVD “Tám điệu múa cổ truyền”. Bên cạnh đó là tổ chức một số hội thảo về múa cổ Thăng Long – Hà Nội, giới thiệu múa cổ Thăng Long với công chúng. Nhiều điệu múa vốn trước đây chưa được nhiều người biết đến như: Múa trống bồng (làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì), múa giảo long (đình Lệ Mật, quận Long Biên)… đã được giới thiệu rộng rãi với công chúng. Nhiều điệu múa sau đó thường xuyên được diễn xướng trong các dịp Hà Nội kỷ niệm các sự kiện quan trọng.
Giáo sư Lê Ngọc Canh chia sẻ: “Nghệ thuật múa của Thăng Long – Hà Nội có đặc trưng nổi bật, được xem như đại diện nghệ thuật múa của người Việt. Ở đây hội tụ những tài năng, trí tuệ, tư duy, hình tượng, khoa học của người Hà Nội mà cha ông để lại”. Qua quá trình nghiên cứu, gắn bó, ông nhận ra múa cổ Thăng Long – Hà Nội gắn liền với các hoạt động lễ hội. Từ phát hiện này, ông đã đề xuất với Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội và sau đó được tín nhiệm giao trọng trách Chủ nhiệm Đề tài “Múa trong hội làng Thăng Long – Hà Nội”. Hiện, đề tài đang tiếp tục được triển khai. Dù đã 87 tuổi, hằng ngày ông vẫn say sưa nghiên cứu tài liệu, viết lách. Với những đóng góp to lớn cho Thủ đô, ông đã được UBND thành phố Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020”.
Bảo Khánh/ND