Người luôn trăn trở về việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trong văn học nghệ thuật

Trong mấy chục năm tham gia quản lý công tác văn hóa – văn nghệ, cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã quan tâm đến hàng loạt vấn đề quan trọng nhằm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến của đất nước. Một trong những vấn đề ông đặc biệt quan tâm là việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật.

Tại hội thảo “Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu” do Viện Sân khấu tổ chức trong hai ngày 29 – 30/10/1992, ông tỏ ý rất vui khi thấy rằng, trong nhân dân ta, tuy nhiều người chưa được thấy Bác Hồ bằng xương bằng thịt, nhưng qua hình tượng của Người được thể hiện trên sân khấu, trong điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, văn học… nguyện vọng của đông đảo công chúng đã một phần nào được đáp ứng: “Được gần Bác hơn, hiểu Bác hơn, yêu Bác hơn”. Ông nói: “Mỗi người đều đã đọc nhiều về Bác Hồ, và mỗi một người đều có hình ảnh của Bác trong trí tưởng tượng của mình. Văn nghệ chúng ta chỉ làm đậm nét thêm, đa dạng thêm cái mà người dân đã có”.

anh-1-2-.jpg
Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập  – Tranh bột màu của họa sĩ Nguyễn Dương

Đi nhiều nơi trên đất nước, từ Đà Nẵng đến Huế, từ Tây Nguyên đến Việt Bắc, ông biết ở đâu nhân dân ta cũng khát khao được thấy Bác, dù chỉ là Bác qua hình tượng sân khấu, điện ảnh, hội họa… Vì thế, ông yêu cầu cần có những tác phẩm sâu sắc hơn nữa về Bác Hồ, các tác giả cũng như đạo diễn, diễn viên, có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trọng đại của mình là tiếp tục đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu và các loại hình nghệ thuật khác.

Ông cho rằng, việc làm ấy có rất nhiều ý nghĩa. Thời điểm đó “diễn biến hòa bình” là một hình thức trong âm mưu phá hoại khối đoàn kết của dân tộc ta. Trong đó, việc làm giảm sút tối đa ảnh hưởng của Bác Hồ trong lòng mỗi người dân Việt Nam là một âm mưu có kế hoạch. Bởi với người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ở một vị trí rất thiêng liêng: Đó là người duy nhất đã mở ra con đường và thành công đưa dân tộc ta, Tổ quốc ta thoát khỏi ách thống trị xâm lược để đến với độc lập, tự do. Trần Hoàn từng nhấn mạnh: Việc làm sống lại các hình tượng anh hùng dân tộc, trong đó có hình tượng Bác Hồ là hết sức cần thiết để lớp trẻ ngày nay và sau này không quên truyền thống dựng nước, giữ nước và các bậc tiền bối, các anh hùng của dân tộc ta. Về việc này, văn nghệ ta đã đạt được một số thành tựu, nhưng mới chỉ là bắt đầu. Và không chỉ trên sân khấu, mà các lĩnh vực khác như hội họa, điêu khắc, âm nhạc… đều phải có nhiều tác phẩm hay hơn nữa về Bác Hồ.

Trần Hoàn đã đặt ra một vấn đề hết sức thiết thực: Thể hiện hình tượng Bác Hồ như thế nào? Có đi vào đời thường hay không? Lãnh tụ hay công dân? Hư cấu hay không hư cấu? Ông cho rằng, vấn đề này quá lớn, rất cần nhiều người, nhiều ngành cùng thảo luận và rút ra kết luận. Riêng ông, với tư cách một nhạc sĩ sáng tác, ông từng chia sẻ: “Tôi cũng có viết một số ca khúc về Bác Hồ, và tôi đã có lúc hư cấu nghệ thuật. Ví dụ như trước lúc Bác đi xa, có lần một em nhỏ vào hát cho Bác nghe một bài quan họ không biết là bài nào, nhưng tôi nghĩ bài hát ấy phải là bài Người ơi người ở đừng vềChính anh Vũ Kỳ cũng không còn nhớ lúc bấy giờ em bé hát bài quan họ gì và anh đồng tình với tôi, cho rằng hư cấu cũng được. Nhưng điều quan trọng là, hư cấu phải tôn trọng mặt bản chất của con người đó, nếu hư cấu sai lệch cả bản chất của nhân vật lịch sử thì không thể được chấp nhận. Trong nghệ thuật, việc thể hiện một lãnh tụ với tầm cao như Bác Hồ vừa là một người sống rất gần gũi, bình dị như mọi người thật là việc khó, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu rút ra được những nét khái quát, điển hình nhất, khắc họa đúng nhất, đẹp đẽ nhất và hay nhất để giúp quần chúng hiểu rõ và yêu quý Bác Hồ”.

Nói đến bộ phim Hồ Chí Minh chân dung một con người” do Bùi Đình Hạc đạo diễn và nhà văn Nguyễn Đình Thi viết lời bình, Trần Hoàn ca ngợi các hình ảnh Bác Hồ và cuộc sống của Người thể hiện trong phim thật là cao đẹp. Cũng như mọi khán giả khác, Trần Hoàn xúc động trước cảnh: trên đường đi công tác, nghỉ lại bên bờ suối, Bác Hồ đi tắm. Tắm xong lại phải hành quân ngay nên áo chưa kịp khô, Bác đã có sáng kiến phơi áo lên một cây gậy, vừa đi vừa giơ lên hứng nắng gió cho mau khô áo. Đó là hình ảnh rất chân thật, đã nêu được sự giản dị của Bác, làm cho mọi người đều thích thú, và yêu Bác hơn. Theo ông, ở khía cạnh đời sống thường ngày, một nét rất vĩ đại của Bác Hồ chính là cái bình dị trong sinh hoạt của Người.

canh-trong-vo-dem-trang-cua-nha-hat-cheo-quan-doi.-anh-duc-long.jpg
Cảnh trong vở “Đêm trắng” của Nhà hát Chèo Quân đội. Ảnh Đức Long.

Khi còn sống, nhạc sĩ Trần Hoàn có quan hệ rất gần gũi với nhà thơ Tố Hữu, tác giả của những bài thơ hay nhất về Bác Hồ. Có một lần đến thăm nhà thơ Tố Hữu, tôi tình cờ chứng kiến câu chuyện giữa hai nghệ sĩ mà cũng thân thiết như hai anh em. Đã ở tuổi 70, Trần Hoàn vẫn xưng “em” với Tố Hữu. Trong câu chuyện lần ấy, nhà thơ tỏ ra rất thích bài hát của Đỗ Nhuận viết về Bác Hồ – bài “Trông cây lại nhớ tới Người”. Tố Hữu nhận xét: Viết về Bác Hồ nhưng rất gần gũi, bình dị. Với một số bài hát khác ca ngợi Bác Hồ, tuy không kém phần nghệ thuật, nhưng nghiêm trang quá, không thấy được cái bình dị, gần gũi ở Người. Ngoài tác phẩm của Đỗ Nhuận, còn có những bài như: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh)… mà Trần Hoàn rất khâm phục, để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. Rất khiêm tốn, Trần Hoàn nghiệm thấy, ông viết về Bác chưa đạt, vì chưa có cảm xúc thực, lại chưa có ngôn ngữ thể hiện thích hợp. Đó là các bài “Lời Bác là lời non nước”, “Nếu ai hỏi”… đã không để lại một dư âm nào. Nhiều lúc ông nghĩ phải gác bút vì bất lực trong việc thể hiện đề tài này. Ông tự thấy viết chưa đạt vì chưa có cảm xúc đúng, lại chưa có ngôn từ thể hiện thích hợp và ông nghĩ phải nói cho được ngôn ngữ của nhân dân, vì Bác là nhân dân, Bác bình dị như một công dân bình thường và có lẽ nét vĩ đại nhất của vĩ nhân Bác Hồ chính là ở sự bình dị đó. Trong một lần nói chuyện với giới sân khấu, Trần Hoàn đã khẳng định: không thể có một tác phẩm nào, bài ca nào có thể nói đầy đủ về Bác được. Do đó, ông tỏ ý ủng hộ, khuyến khích sự tìm tòi những nét mới về hình tượng Bác Hồ trong mọi loại hình nghệ thuật với các đề tài, chủ đề khác nhau. Ông đòi hỏi phải nghiên cứu và thể nghiệm thật công phu và sâu sắc thì mới mong có kết quả trong công việc sáng tạo này. Bởi vì, ông thừa nhận việc “thể hiện hình tượng Bác Hồ là rất khó”, nhưng như ông nói, khi khắc họa được một hình tượng nghệ thuật có tầm cỡ thì nó sẽ “tồn tại rất bền vững trong người đời sau”. Nghĩ như vậy, Trần Hoàn xác định phải thật sự gắn bó với quần chúng, sống và rung động, sự rung động của dân, thì mới viết được về Bác, vì Bác là hiện thân của quần chúng cần lao được giác ngộ và vươn dậy đấu tranh. Đến khi nước nhà thống nhất, từ chiến trường ra Hà Nội công tác (1983), ông có điều kiện thăm lăng Bác, thăm ngôi nhà sàn đơn sơ, thăm hàng cây “xanh bốn mùa” do Bác trồng, thăm các bảo tàng Hồ Chí Minh trên mọi miền đất nước, nghe nhiều chuyện cảm động về Người, ông thực sự xúc động về đức hy sinh của Bác, thì trong ông đã nhen nhóm những “nguyên liệu” cần và đủ để sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, như ông nói, ông vẫn rất lo lắng. Viết về đề tài Bác Hồ, Trần Hoàn trăn trở: Tìm cho mình nét riêng biệt gì đây? Trở lại câu hỏi: viết về Bác Hồ nên đi vào khía cạnh nào? Lãnh tụ hay công dân? Có đi vào đời thường không? Ông đã suy nghĩ nhiều và mạnh dạn chọn cách thứ hai, bởi hai lẽ:

Nếu viết về vai trò lãnh tụ, ta có nhiều người viết rất hay. Đi vào khía cạnh này dễ trùng lặp và rơi vào kêu gọi. Về khía cạnh viết về đời thường của Bác thì nhiều nhạc sĩ chưa khai thác được bao nhiêu. Trần Hoàn quyết định chọn con đường này, vì có “đất” để sử dụng âm điệu dân tộc trong việc kể chuyện về những hành vi bình thường nhưng vô cùng cao cả của Bác.

co-nsut-tien-hoi-trong-vai-bac-ho.jpg
Cố NSƯT Tiến Hợi trong vai Bác Hồ.

Tháng 12/2001, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống của giới mỹ thuật Việt Nam, mà cũng là kỷ niệm 50 năm Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ (1951 – 2001), nhạc sĩ Trần Hoàn với tư cách Phó trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, trong bài nói chuyện của mình không chỉ nhấn mạnh vai trò, vị trí của người nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh cách mạng, thực hiện đầy đủ lời dạy của Bác Hồ mà còn mong các họa sĩ tiếp tục sáng tác nhiều công trình điêu khắc, tạo hình về lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

 Theo ông, nhiếp ảnh đã có những thành tựu to lớn trong việc ghi lại nhiều hình ảnh quý báu về Bác Hồ lúc sinh thời. Những hình ảnh ấy, sẽ là cơ sở, là gợi ý cho các loại hình nghệ thuật sáng tạo về Người.

Cũng như các nhà văn, các nhà điện ảnh, sân khấu, tạo hình… công chúng rộng rãi nhìn nhận nơi nhạc sĩ Trần Hoàn một người có rất nhiều sáng tác thành công về Bác Hồ. Nội bật nhất là bài Lời Bác dặn trước lúc đi xa”,Qua bến Nhà Rồng”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”. Đó là tiếng lòng của ông đã cất lên tự nhiên, không “cố tình làm nhạc”, vì vậy có sức truyền cảm, lôi cuốn mạnh mẽ trong công chúng. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Hoàn chưa dừng lại ở những thành công của chính mình. Ông muốn tiếp tục hiến cho đời những bài ca đẹp, mới về Bác kính yêu. Xuất phát từ sự nghiệp sáng tác của chính mình, có lần ông nói: “Gần đây, sáng tác về đề tài Bác Hồ còn ít, chưa hay, chưa vượt hơn những sáng tác trước đây. Theo tôi, điều đó cũng có những lý do của nó: Thứ nhất, nghệ sĩ chưa thực sự dành cho đề tài đó một sự đầu tư sâu hơn, cao hơn. Thứ hai, là nếu không nâng cao vốn hiểu biết về cuộc đời của Bác, cống hiến vĩ đại cho Bác với đất nước, dân tộc ta, nghiên cứu tác động sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với nước ta và cả thế giới không chỉ với hôm qua mà cả với hôm nay và ngày mai, không tìm hiểu sâu sắc hình tượng của Bác Hồ thấm đậm trong lòng mỗi người dân, mặc dù có người dân chưa hề gặp Bác, tóm lại chưa tìm hiểu tới tầm sâu và chiều cao tình cảm của Bác Hồ thì khó có thể làm nên những sáng tác mới về Bác làm xúc động lòng người, hay hơn và cao hơn. Đây sẽ là thử thách, là “món nợ” rất lớn đối với các nhạc sĩ bây giờ…”.

co-nhac-si-tran-hoan.-anh-tu-lieu.jpg
Cố nhạc sĩ Trần Hoàn lúc sinh thời. Ảnh tư liệu.

Trong bài viết “Về hình tượng Bác Hồ trong sáng tác của tôi”, Trần Hoàn chia sẻ: “Kể chuyện về Bác, trong tác phẩm nghệ thuật không phải là về một Bác Hồ – lãnh tụ “đại trí”, “đại dũng”, “đại liêm”, không phải với khía cạnh nhà văn hóa lớn mà về khía cạnh một công dân Việt Nam, một người cha, người anh sống gần gũi, dung dị tác phong, với một trái tim yêu nước và thương dân nồng nàn, bao la không gì so sánh được, qua những câu chuyện có thật về Bác. Có lẽ vì biết khai thác những khía cạnh đặc biệt về cuộc sống bình thường nhưng rất vĩ đại của Bác, nên một số bài hát của tôi “đứng” được chăng? Có lẽ do biết dùng âm hưởng âm nhạc dân gian xứ Nghệ để kể chuyện nên đã đi vào lòng người chăng? Điều đó, còn phải đợi sự phán xét của công chúng và thời gian. Riêng tôi, tôi viết từ sâu thẳm tấm lòng mình”. Nhắc đến các tác phẩm “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” hay “Chuyện cây xanh bốn mùa” đã được nhiều người đón nhận, ông thấy mình “đã viết từ sự rung động của trái tim và suy nghĩ của chính mình về Bác, với những hình tượng bắt gặp ở Bác, được nhân dân Việt Nam chấp nhận. Ông viết “Tôi đã viết về Bác ở khía cạnh đời sống bình thường. Và phải chăng chính cuộc sống đời thường rất đỗi nhân nghĩa của Bác đã tô đậm, làm sâu sắc thêm cái vĩ đại của Người anh hùng dân tộc, của Nhà chiến lược vĩ đại về cách mạng Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới, Người bạn kính mến của nhân dân bốn biển, năm châu”./.

Nhạc sĩ Trần Hoàn (1928 – 2003) là nhạc sĩ đã có những thành tựu xuất sắc trên cả phương diện sáng tác và quản lý. Ông được Đảng và Nhà nước giao cho những trọng trách trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ: từ Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hải Phòng, Trưởng ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên, Trưởng ban Tuyên huấn Hà Nội đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Phó Trưởng ban Tư tưởng – văn hóa Trung ương và trước khi qua đời, ông là Chủ tịch Ủy ban Toàn Quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Dương Tuấn Hoa

https://nguoihanoi.vn/nguoi-luon-tran-tro-ve-viec-the-hien-hinh-tuong-bac-ho-trong-van-hoc-nghe-thuat-76419.html