Người mang sơn mài bước qua “cánh cửa hẹp”

Đường Lâm là một làng cổ nổi tiếng thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Hôm tôi ghé mảnh đất xứ Đoài, tiết trời se lạnh, có chút hửng, đẹp vô cùng. Thế rồi, trong sự may mắn đến lạ kỳ hôm ấy, tôi tình cờ gặp Nguyễn Tấn Phát – nghệ nhân đầy tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật.

Màu sắc riêng qua tác phẩm độc bản

Kỳ thực, không phải đến bây giờ tôi mới biết đến Nguyễn Tấn Phát. Cách đây chừng 2 năm, qua một đồng nghiệp tôi đã hiểu biết sơ sơ về người nghệ nhân trẻ này. Thế nhưng, thời điểm đó, các cuộc trò chuyện với anh cũng chỉ chóng vánh qua các cuộc điện thoại ngắn. Chỉ có vậy. Gặp mới thấy, Nguyễn Tấn Phát là người thú vị, mang trong mình niềm đam mê và hoài bão lớn.

Người mang sơn mài bước qua “cánh cửa hẹp”
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát – người đã thổi luồng gió mới vào nghệ thuật sơn mài khi lựa chọn kỹ thuật mới là điêu khắc sơn mài trên gỗ. Ảnh: Đinh Luyện

Người ta nói về Phát với “vũ điệu” xoay vòng của những con giáp được chế tạo độc bản. Nhưng với riêng tôi, Nguyễn Tấn Phát đã thổi luồng gió mới vào nghệ thuật sơn mài khi anh mạnh mẽ lựa chọn lối đi riêng. Anh khéo léo dùng những kỹ thuật mới, thể hiện điêu khắc sơn mài trên gỗ, để sản phẩm tồn tại sống động, không đóng khuôn trên mặt phẳng như những gì từ xưa hay thấy.

Phát nói với tôi, anh bén duyên với mỹ thuật truyền thống từ nhỏ, khởi nguồn ban đầu thì chỉ từ những thú chơi của con nít, như chơi trò trốn tìm sau những cột đình to, rồi khi lại tha thẩn lấy gạch vẽ bắt chước những hoa văn phù điêu trên cột kèo. Những hình tượng, phù điêu sơn mài đã ngấm vào tư duy thẩm mỹ của Phát cứ tự nhiên và hồn nhiên. Theo đuổi nghệ thuật, Phát cũng đơn giản rằng, anh chọn nghề bởi anh mong muốn đưa sơn mài ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống, phát huy hết thế mạnh, giá trị của sơn mài.

Thế rồi, sau khi học hết phổ thông, Phát một lòng theo đuổi hội họa chuyên nghiệp bằng việc thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành Hội họa sơn mài. Ai cũng có những khởi đầu gian nan, Nguyễn Tấn Phát cũng không ngoại lệ. Để nâng cao khả năng của mình, những khi rảnh rỗi, người ta lại thấy anh lang thang nơi các làng nghề, lúc lại làm việc cho một số cửa hàng thủ công, mỹ nghệ có tiếng ở phố cổ Hà Nội. Tất cả quãng thời gian đó là sự tích lũy, đong đầy chất xúc tác giúp Phát học hỏi và hiểu sâu hơn về sơn mài.

Để làm ra một sản phẩm sơn mài của mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, phần lớn sản phẩm đều được chế tác trên gỗ, như gỗ mít là loại gỗ mang giá trị bản địa. Yêu cầu cơ bản là gỗ không được mối mọt. Sau khi chọn nguyên liệu, ban đầu người chế tác phải hình dung ra bố cục, hình dáng sản phẩm rồi phác thảo trên giấy, gọi là bản vẽ. Sau đó phải chọn được loại đất sét phù sa chuyên dụng làm điêu khắc để nặn hình rồi mới đục, đẽo, chạm, khắc hoa văn. Xong các công đoạn trên, nghệ nhân mang phơi khô một tuần rồi mới đến bước sơn mài, khảm chất liệu… Dẫn ra sự cầu kỳ như vậy để thấy, mỗi tác phẩm làm ra đều được Phát dành hết tâm sức, tinh hoa của mình.

Nguyễn Tấn Phát là người dung hòa được giữa thỏa mãn đam mê sáng tạo cá nhân với thị trường của những người sưu tập, bởi anh cho rằng mỗi vật sẽ có giá trị khi được đặt đúng vị trí. Có lẽ điều này là đúng bởi khi nhắc đến Nguyễn Tấn Phát là người ta nghĩ đến những sắc màu riêng. Số lượng tác phẩm lớn và có ý nghĩa với năm mới chính là sắc màu riêng mà Nguyễn Tấn Phát tạo ra. Những năm trước, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã gây ấn tượng mạnh với kỹ nghệ “chăn” 1010 chú trâu tuyệt đỉnh nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, rồi đàn hổ 2022 con đủ các dáng hình, màu sắc, kích cỡ dịp Xuân Nhâm Dần 2022 và năm nay – Quý Mão, Phát lại cho ra bộ sưu tập điêu khắc sơn mài mèo có 2023 con. Dĩ nhiên, mỗi sản phẩm của Phát làm ra đều là độc bản và trong nó có một câu chuyện, một cuộc đời riêng.

Qua bộ sưu tập của Phát, tôi lờ mờ nhận ra rằng, dường như người nghệ nhân trẻ đầy tài năng này đang muốn gửi thông điệp tôn vinh tính sáng tạo, vì chỉ có sáng tạo mới giúp phát huy được giá trị trong mỗi con người.

Tôn trọng sự sáng tạo

Có một điều ít người biết, sản phẩm của Nguyễn Tấn Phát vừa có chất Việt và sáng tạo đa dạng đương đại. Nhờ sự đa dạng này, phạm vi khách hàng của Phát cũng khá rộng, từ các bạn trẻ đến người cao tuổi đều có thể tìm thấy những sự đẹp đẽ trong mỗi tác phẩm của anh. Đặc biệt, với đối tượng khách hàng là người nước ngoài, họ cũng rất thích những tác phẩm của anh. Nhìn vào tác phẩm của Phát, họ dường như thấy trong đó chứa đựng những câu chuyện dân gian Việt Nam.

Người mang sơn mài bước qua “cánh cửa hẹp”
Một tác phẩm mèo trong bộ tác phẩm đón xuân Quý Mão của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát. Ảnh: Đinh Luyện.

Chẳng thế mà, hôm ở trong không gian trưng bày của Nguyễn Tấn Phát trên Đường Lâm, cá nhân tôi đã chứng kiến những vị khách nước ngoài say sưa ngắm những chú mèo độc bản cả giờ đồng hồ. Họ ngạc nhiên và cũng rất đỗi tò mò khi không hiểu vì sao và làm cách nào mà người nghệ nhân dùng cách làm truyền thống lại tạo nên sự khác biệt của sơn mài Việt Nam với sơn mài nước khác hay đến vậy. Anh khéo léo kết hợp giữa điêu khắc và sơn mài, dung hòa nó trong một chỉnh thể đầy mới lạ. Các sản phẩm của anh dù đặt trong cả bộ sưu tập hay tách riêng rẽ từng cá thể thì đều tồn tại sống động, không bị đóng khuôn trên mặt phẳng như tranh, hộp, bình, lọ.

Tìm hiểu về Phát, tôi thấy rằng, anh có nhiều suy nghĩ về nghề nghiệp thực sự đáng quý. Sự đáng quý nằm ở chỗ, ngoài việc theo đuổi đam mê, cá nhân anh đã khéo léo lồng ghép với việc truyền nghề. Anh đứng lớp truyền nghề cho một số người dân địa phương hoàn toàn miễn phí. Tại Đường Lâm, anh mong muốn cùng bà con giữ được làng nghề cổ, để du khách đến đây có một nơi tham quan, tìm hiểu về nghề điêu khắc sơn mài, hoặc trải nghiệm trực tiếp.

Hơn hết, bản thân anh mong muốn giúp cho những thế hệ trẻ có thể nắm được cách làm sơn mài, lịch sử của nghề sơn mài, qua đó mọi người thêm hiểu, thêm yêu văn hóa, đời sống của người Việt để thêm trân quý, nâng niu nghề thủ công truyền thống của cha ông. Mong muốn đưa các giá trị Việt vươn xa thế giới.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã và đang có nhiều đóng góp cho nền Mỹ thuật cũng như thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Năm 2011, Nguyễn Tấn Phát nhận được giải thưởng về “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Hà Nội”. Giải nhất Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014. Năm 2017, 36 tuổi, Nguyễn Tấn Phát đã được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Thủ đô được vinh danh trong năm. Bên cạnh đó, cá nhân anh đã được dành tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen từ Sở Công thương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội…

Đinh Luyện

https://laodongthudo.vn/nguoi-mang-son-mai-buoc-qua-canh-cua-hep-152843.html