Tôi tình cờ quen anh Phạm Văn Hiếu trong một lần chứng kiến anh cùng nhóm bạn của mình cần mẫn vá những “ổ gà” la liệt trên trục đường qua thôn Yên Phú đoạn dẫn đến Trường THPT Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín). Khi ấy là khoảng 22h, đường vắng lặng, trên trục đường chỉ còn ánh đèn pin loang loáng cùng tiếng búa, tiếng dầm nện xuống lòng đường. Anh Phạm Văn Hiếu bảo tôi, sở dĩ phải làm vào thời điểm khuya muộn vì lúc ấy lượng xe cộ mới giảm bớt, giúp công việc vá đường được nhanh và thuận lợi hơn. Thứ nữa, phải dùng búa đập nát và dàn đều hỗn hợp gồm đá và nhựa đường, sau đó đem tới những vị trí cần vá, khi đường được là phẳng, không bị lún có như vậy mới tạm gọi là hoàn thành công việc. |
Nhắc lại hành trình “chữa lành” những con đường của mình, anh Phạm Văn Hiếu kể, năm 2010, trong một lần đi làm bản thân đã chứng kiến vụ ngã xe trên đường, nguyên nhân bởi người đi đường chẳng may lạc xe vào ổ gà vũng nước. Cách đó ít ngày, chính anh cũng bị ngã khi đi vào ổ gà. Bản thân chứng kiến và trực tiếp thấy được những nguy hiểm tiềm ẩn từ cung đường hư hỏng, anh Hiếu nảy ra ý định vá lại chúng. Những ngày đầu dấn thân vào việc này với anh cũng có những khó khăn nhất định. Ban đầu, anh Hiếu bỏ tiền mua và mang theo cát, sỏi, xi-măng đến để vá đường. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn những chỗ vá đã bị sụt lún và hư hại. Để tìm ra căn nguyên, anh đến các công trường thi công và quan sát đội thợ làm đường. Dần anh nhận ra, để thi công đường, người ta sử dụng hỗn hợp nhựa đường và đá dăm. Thế là anh lại tự bỏ tiền túi ra để mua nhưng là mua nhựa đường và đá dăm. Cũng có khi, trong lúc đi làm Hiếu thấy đơn vị thi công đường còn thừa nguyên vật liệu, anh cũng tìm cách liên hệ để xin về. Những ổ gà sau khi được vá lại đã phẳng phiu và không bị hư hại như khi dùng cát sỏi. |
Anh Phạm Văn Hiếu chia sẻ, hiện anh tìm được một cơ sở chuyên cung cấp những vật liệu vá đường trên khu vực cảng Khuyến Lương (quận Hoàng Mai). Ban đầu, thấy Hiếu có ý định mua vật liệu làm đường, vị lãnh đạo doanh nghiệp còn tưởng anh là tư nhân tìm đến để mua lẻ, phục vụ thi công những hạng mục nhỏ. Họ cũng tỏ ra dè chừng. Thật may, khi được Hiếu giải thích, khi biết những việc làm ý nghĩa của anh thì người lãnh đạo đơn vị nọ đã vui vẻ và đồng ý làm việc tiếp với chàng thanh niên nhân hậu. Đáng mừng hơn, họ còn không nỡ lấy tiền anh. Với những điểm đường cần vá ở tỉnh xa, họ còn cho người chở trực tiếp vật liệu đến cho Hiếu. Nhắc đến những kỷ niệm trên hành trình thầm lặng của mình, anh Phạm Văn Hiếu bộc bạch, có lần khi đang miệt mài lấy chậu tát nước tại một “ổ gà” khá lớn để chuẩn bị vá thì thấy không ít người tò mò vây đến. Họ hỏi han và còn báo cả chính quyền vì tưởng anh làm việc khuất tất. Mãi khi được Hiếu giải thích, người dân mới hiểu việc làm nhiều ý nghĩa của anh. Không ngần ngại, họ cũng nhiệt tình hỗ trợ anh hoàn thành công việc tốt đẹp thầm lặng này. Lại có lần, khi Hiếu và cả nhóm bạn đang mải miết làm việc, một chiếc xe tải chạy qua thấy mọi người kỳ cụi làm thao tác đầm và là phẳng mặt đường, người lái xe đã đi chậm và đưa xe vào đúng điểm mới vá, giúp Hiếu bớt đi không ít công sức. Quanh câu chuyện vá đường, anh Hiếu kể, bản thân cũng nhờ việc này mà gặp được người kết tóc xe duyên với mình. Trong lần tham gia cùng vá đường, anh đã gặp một cô gái hiền lương, mê làm việc thiện giống mình tên là Lê Thị Phượng. Dù đêm tối nhưng người con gái nọ không quản ngại khó khăn vẫn theo anh đi sửa chữa những cung đường hỏng. Mỗi chuyến đi lại vun bồi thêm tình cảm, nhờ những việc tốt thầm lặng Hiếu đã tìm được cho mình hạnh phúc riêng. Hiếu bộc bạch với tôi, do thấu hiểu việc nghĩa mà chồng làm nên vợ thông cảm được cho anh. Anh bảo, chị đã quen với cảnh hằng đêm đợi chồng đi vá đường về mới đi ngủ. Cũng không ít lần, anh và chị cùng đưa con đi vá đường để con có thêm trải nghiệm cuộc sống và thấy được niềm vui khi được giúp đỡ mọi người. |
Thông thường, khi một cá nhân tâm niệm làm việc gì đó, họ đều sẽ có mục đích riêng để hướng đến. Thế nhưng, với Phạm Văn Hiếu lại khác, anh làm những việc thiện tất cả đều xuất phát từ tâm. Hiếu bảo với tôi, anh tuổi Canh Ngọ (sinh năm 1990 – PV) nên vất vả đủ đường. Thế nhưng, vất vả hay lận đận là số phận định đoạt, còn thiện lương là do bản tâm. Bởi khi giúp người, làm những việc có ích cho cộng đồng Hiếu luôn thấy vui. Chẳng thế mà, suốt nhiều năm tình nguyện vá đường, Hiếu chẳng khoe khoang với ai cũng chẳng có một tấm hình nào trên trang cá nhân Facebook, bởi việc làm của Hiếu xuất phát từ tấm lòng, không vì thành tích hay hư danh. Hiếu độc hành trên hành trình “chữa lành” những con đường để cảm thấy được nhẹ lòng, thanh thản. Khi tôi hỏi Hiếu đã vá được bao nhiêu đoạn đường, anh nói chẳng nhớ nổi vì không liệt kê hay đánh dấu những đoạn đường mình đã vá mà chỉ biết cứ đâu đường hỏng sẽ cố gắng vá sớm nhất. Trung bình cứ một tháng là anh đi vá đường 2 – 5 lần. Địa bàn Hiếu và những người bạn của mình thường thực hiện việc tốt thầm lặng này là khu vực phía Nam thành phố Hà Nội rồi dần dần đã lan ra cả Thành phố và một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Hòa Bình… |
Đáng mừng hơn cả, hiện những nghĩa cử, những việc làm thiện tâm từ anh Hiếu đã truyền cảm hứng cho không ít người. Có nhiều người trẻ đã tìm đến anh để “lập nhóm”, cùng hỗ trợ nhau vá đường và làm những việc thiện nguyện. Em Lê Văn Minh (sinh năm 2000) cho biết, trong một lần trò chuyện và được nghe những câu chuyện tử tế về việc vá đường của anh Hiếu, Lê Văn Minh đã tìm cách liên hệ và tham gia. Thế rồi cũng từ đó đến nay, bất cứ khi nào nhóm có lịch, Minh cũng đi theo và rong ruổi khắp các ngõ phố của Thủ đô để vá đường. Cứ thế, dù mùa đông hay mùa hạ, từ 20 đến 23 giờ, trên những cung đường xuống cấp luôn có những chú ong đêm cần mẫn chữa lành, để mỗi sớm mai mọi người có thể đi lại được êm thuận. Là một trong những thủ lĩnh tinh thần của nhóm vá đường, ít ai biết rằng, Hiếu còn được biết đến là một người luôn tiên phong trong hoạt động hiến máu tình nguyện. Phạm Văn Hiếu kể, bắt đầu từ năm 2010 anh đã tham gia hiến máu. Hiếu hiến nhiều. Cho đến thời điểm này anh vẫn không nhớ rõ chính xác bản thân đã bao nhiêu lần hiến máu, chỉ biết rằng cứ hễ đủ thời gian, anh lại có mặt ở viện hoặc tại địa phương để tham gia hoạt động thiện nguyện này. Nói chuyện này, Phạm Văn Hiếu bảo tôi, sang tuần nhóm của anh sẽ có một buổi hiến máu quy mô lớn. Ngoài ra, do đặc thù công việc là thường xuyên di chuyển trên đường, trên đường đi giao hàng, cứ gặp tai nạn giao thông là Phạm Văn Hiếu lại dừng lại hỗ trợ nạn nhân đưa họ vào cơ sở y tế. Anh bảo, không nhớ đã đưa bao nhiêu nạn nhân vào bệnh viện, gần nhất anh đã đưa một người bị ngã xe trên đoạn đường gom cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vào bệnh viện. Tôi hỏi anh có sợ bị người nhà nghi hôi của hay nghĩ là người gây ra tai nạn không? Anh cười hiền nói, nếu sợ thì tôi đã không dừng lại giúp họ. Hiếu tâm sự với tôi, ít ngày nữa, ngoài việc vá đường, hiến máu, vận động làm thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời éo le, khó khăn… cá nhân anh sẽ tích cực tham gia vào việc trồng cây xanh. Anh nghĩ đơn giản rằng, khi một cái cây được trồng xuống cũng sẽ làm đường làng, ngõ xóm trở nên xanh hơn, thế hệ tương lai sẽ là những người được hưởng lợi. |
Nhìn cách Hiếu nói, xem Hiếu làm, tôi thấy tinh thần cống hiến vô tư của Hiếu thực sự là nhân tố tích cực giúp “truyền lửa”, gieo sự thiện tâm trong thế hệ trẻ. Hiếu bảo với tôi, những việc thiện hiện tại anh đang làm và tương lai cũng tiếp tục làm những điều thiện lành ấy. Nhìn nét chân chất trên gương mặt của Hiếu, tôi tin anh sẽ làm được, đúng như câu “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Với những đóng góp của mình, năm 2023, Phạm Văn Hiếu vinh dự được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng. Anh cũng là một trong những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được huyện Thường Tín vinh danh năm 2023. ———————- Nội dung: Phạm Thảo – Thiết kế: P.Thắng |