Nghề khảm trai là một nghề thủ công từ xưa đã khá phát triển ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Mặc dù trải qua biết bao thăng trầm, có lúc tưởng như bị mai một, nhưng chính những người nghệ nhân, người thợ tâm huyết đã và đang gìn giữ, phát huy nghề truyền thống cho đến ngày nay. Trong đó, có nghệ nhân Phạm Văn Bắc (thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ) vẫn đang hằng ngày say mê giữ lửa nghề truyền thống.
Ông Phạm Văn Bắc đã gắn bó với nghề khảm trai hơn 40 năm. Ảnh: K.Tiến |
Sinh ra ở cái nôi của nghề khảm trai, ông Phạm Văn Bắc được tiếp cận với nghề ngay từ khi còn nhỏ. Lúc rảnh rỗi, sau những buổi học văn hóa, ông lại về xưởng khảm của gia đình để học nghề. Đến năm 13 tuổi, ông đã bắt đầu ý thức được việc phải học và đi theo nghề một cách nghiêm túc. Ngay từ thời bao cấp, ông Bắc đã được nhận lương, nhận gạo hợp tác xã hỗ trợ để học nghề khảm trai. “Khi mới bắt đầu học nghề, tôi cũng trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhiều lúc đã muốn bỏ cuộc, bởi các công đoạn khảm trai đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Trong đó, phải chú ý đến các công đoạn về chọn gỗ thế nào để đạt tiêu chuẩn, chọn nguyên liệu trai, ốc thế nào để tạo nên một sản phẩm tốt… Sau này tôi nhận ra rằng, muốn thành nghề trước hết phải rèn tính kiên trì, nhẫn nại”, ông Bắc chia sẻ.
Đến khoảng năm 15 tuổi, ông Bắc đã thạo nghề, tuy nhiên, thời đó, đồ khảm chưa được người tiêu dùng ưa chuộng nên ông phải làm thêm cả việc khác để có tiền trang trải cuộc sống. Đến năm 18 tuổi, ông đi bộ đội, sau khi hoàn thành nghĩa vụ lại trở về quê lập nghiệp. Thời gian đầu, ông nhận khảm những bộ bàn ghế, giường, tủ… nhưng công việc ít, số tiền kiếm được không đáng là bao buộc phải tìm nhiều hướng đi mới. Chính lòng yêu nghề mà gia đình ông cũng như nhiều hộ trong làng đã mở mang và phát triển mạnh, giữ được những giá trị làng nghề cho đến ngày nay.
Theo ông Bắc, sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ thể hiện tính độc đáo, trí tuệ của những người thợ thủ công, đồng thời phản ánh tính thời đại và tính hữu dụng cũng như thẩm mỹ của nó. Ngày nay, khảm Chuyên Mỹ đang tiếp tục phát huy tiềm năng của mình, xứng đáng là nơi lưu giữ nghệ thuật khảm trai truyền thống; sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, quý đem đến cho đời sống văn hóa tinh thần cho nhiều người.
“Trên thị trường có rất nhiều chất liệu để tạo nên sản phẩm, do vậy, mỗi nghệ nhân làng Chuyên Mỹ đều nắm rõ được các thể loại, chất liệu. Nếu không nắm rõ về chất liệu vỏ trai, vỏ ốc thì rất dễ nhầm lẫn, bởi vỏ con trai màu sắc không có sự phản quang, còn vỏ ốc thì sẽ có nhiều màu phản quang. Để có những sản phẩm tốt, tôi thường làm trên chất liệu gỗ trắc vàốc Singapore để đủ màu phát quang, toàn những chỗ tinh xảo đưa vào đồ gỗ. Các mặt hàng tương đối phong phú, đáp ứng cho những người có đam mê về đồ gỗ, đam mê về đồ cổ”, ông Bắc cho biết.
Góp phần bảo tồn nghề truyền thống
Về Chuyên Mỹ hôm nay, dọc trục đường các làng trong xã đều tràn ngập cửa hàng bán đồ khảm trai ốc, đủ các hình loại. Có làng thì tách biệt hẳn, chỉ mua bán vật liệu trai ốc, chuyên cung cấp cho các xưởng làm tranh. Có làng chuyên làm tranh cỡ to. Có làng lại khảm tranh nhỏ hay đồ dân dụng. Đường làng đã thành “phố hàng”. Nhà nào cũng bày hàng bán, nào là tranh thư pháp, tranh tích cổ, tranh tứ bình; hoặc các sản phẩm thường dùng trong sinh hoạt như hộp phấn, khay, bình, lọ, hay kể cả những hộp đựng tăm, thuốc lá, các vi dít, dây đeo cổ… Tất cả đều khảm hình ảnh hoa lá, tre trúc, chim muông bằng trai ốc tùy theo sở thích của người tiêu dùng, với giá cả hết sức đa dạng.
Theo ông Bắc, nghề khảm trai khó hơn mọi nghề, bởi không phải 1 người thợ có thể làm ra được một sản phẩm mà lúc nào cũng phải liên quan đến bộ 5 người. Tức là phải làm theo thang dây chuyền, chẳng hạn người làm thợ cưa, cắt, người đục, hoàn thiện, thợ hỏa… Đặc biệt, để các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, người thợ phải tìm được những loại gỗ có đường vân đẹp để làm mặt như: Gỗ gụ, gỗ trắc… và chọn nguyên liệu phù hợp với nội dung muốn thể hiện trong bức khảm. Đơn cử như khi khảm chân dung, người thợ nên sử dụng những mảnh ốc đỏ làm chủ đạo để nhân vật được nổi bật; còn bức phong cảnh nên chọn những nguyên liệu tối màu và điểm thêm mảnh ốc xanh, ốc đỏ… để tạo điểm nhấn.
Các sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ có giá trị cao. Ảnh:K.Tiến |
Sự phát triển làng nghề trong xã Chuyên Mỹ hơn 30 năm qua khá rầm rộ. Hàng xuất khẩu đi các nước và khắp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Đến nay, đa phần người dân trong xã mưu sinh bằng nghề khảm trai, ốc. Lực lượng lao động, kể cả những công nhân ở các địa phương đến làm thuê ngày càng đông. Số nghệ nhân có tay nghề vững vàng, có tên tuổi trong làng ngày một nhiều. Thanh niên trong xã Chuyên Mỹ đều không đi đâu xa. Họ học khảm, học khắc ngay tại làng, làm giàu bằng chính nghề cha ông truyền lại. Hơn thế nữa, lớp trẻ còn giỏi vận dụng công nghệ thông tin, thiết kế mẫu khảm mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, ngày càng phong phú.
Là một nghệ nhân, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, ông Phạm Văn Bắc cũng đã truyền nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Năm 2022, khi Thành phố mở 1 lớp dạy nghề khảm trai, ông cũng là 1 trong số các nghệ nhân đứng lớp, trực tiếp truyền nghề. “Mặc dù lực lượng lao động đông, số người theo nghề ngày càng nhiều, tuy nhiên, khoảng 5-7 năm trở lại đây, các lớp học nghề có vẻ đi xuống, không còn nhiều như xưa. Hiện nay, 10 người học thì chỉ có 3-5 người yêu nghề, gắn bó được với nghề. Muốn theo nghề, người thợ phải có chút năng khiếu về hội họa, niềm đam mê, sự sáng tạo và kinh nghiệm. Tôi hi vọng rằng các các cấp chính quyền sẽ tiếp tục tạo điều kiện, mở thêm các lớp dạy nghề để chúng tôi tiếp tục duy trì và phát triển”, ông Bắc trăn trở.
Theo truyền thuyết, nghề khảm bắt nguồn từ Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) do ông Trương Công Thành, một vị tướng dưới thời Lý truyền dạy cho dân làng Chuôn Ngọ. Rồi từ đó, nghề khảm trai tiếp tục phát triển thêm khảm sơn mài và được lan truyền rộng ra nhiều làng trong xã Chuyên Mỹ cùng một số vùng khác, đem lại sinh kế và vinh hoa phú quý cho muôn đời. Nhớ tới công đức của cụ, người dân Chuyên Mỹ tôn cụ là Thành Hoàng Làng, Đức Tổ nghề khảm trai và lập đền thờ; hàng năm thường tổ chức lễ vào ngày 9/8 (âm lịch) và dịp đầu Xuân (mùng 9 tháng Giêng). |
Kim Tiến