Nhà máy Xe lửa Gia Lâm: Tiềm năng tái thiết thích ứng, hình thành nền công nghiệp sáng tạo Hà Nội

Tiến sĩ, Kiến trúc sư (KTS) Đinh Thị Hải Yến nhận định, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) có nhiều tiềm năng và yếu tố để chuyển đổi, tái thiết thích ứng thành không gian văn hóa sáng tạo, phát huy giá trị di sản công nghiệp Thủ đô Hà Nội.

xem-1.jpg

Các bạn trẻ tham quan “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng Nóng” – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 vừa khép lại với những thành công ngoài mong đợi. Đặc biệt, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là nơi tổ chức các hoạt động chính của cộng đồng thiết kế sáng tạo, đem đến cho người dân và du khách những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Lễ hội được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một dấu ấn, đã góp phần “đánh thức” di sản công nghiệp của Hà Nội vốn từ lâu đã “ngủ quên” ngay cạnh Trung tâm Thủ đô.

Từ sự kiện lần này, nhiều chuyên gia và công chúng đặt ra câu hỏi: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có thể tái thiết để trở thành không gian văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, không gian cho đội ngũ văn nghệ sĩ thiết kế sáng tạo, phát huy giá trị di sản để thúc đẩy công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển hay không? Bởi nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều công trình công nghiệp cũ tương tự như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã được chuyển đổi, tái thiết thành các bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí…, góp phần phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh của đất nước họ tới bạn bè thế giới.

a7(1).jpg
Phân Xưởng Nóng 1B Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được thiết kế thành không gian triển lãm, biểu diễn nghệ thuật; từ đó thu hút đông đảo người dân và du khách.

KTS Đinh Thị Hải Yến cho biết, Theo Hiến chương Nizhny Tagil, “Di sản công nghiệp là những phần còn lại của văn hóa công nghiệp có giá trị lịch sử, công nghệ, xã hội, kiến trúc hoặc khoa học…, bao gồm các toà nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp (như nhà ở, nơi thờ phụng, các thực hành nghi lễ tôn giáo, các cơ sở đào tạo… cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó).

Đặc biệt, các chuyên gia nhận định, tại Việt Nam khái niệm “di sản công nghiệp” chỉ mới manh nha và không ít các công trình công nghiệp cũ có giá trị đã bị bỏ qua, phá dỡ và chuyển đổi thành các công trình hỗn hợp chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cao tầng gầy chất thải cho đồ thị. Với riêng Hà Nội, mặc dù đã có nhiều chủ trương, quyết sách liên quan đến việc di dời các cơ sở công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm, song thực tế tri triển khai còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Minh chứng là có đến 90/185 công trình công nghiệp cũ của Hà Nội đã bị phá hủy, chuyển đổi.

Đối với câu hỏi trên, Tiến sĩ – KTS Đinh Thị Hải Yến cho rằng, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có rất nhiều yếu tố theo tiêu chí quốc tế để tái thiết thành các công trình khác như thế giới đã có.

Theo Quyết định số 6115/QĐ-UBND ngày 21/11/2014 của UBND Thành phố Hà Nội, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị N10 Hà Nội, quận Long Biên và huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/2000, khu đất xây dựng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được định hướng là đất công trình công cộng, trên đó có bố trí công trình văn hóa, bảo tàng tại chính vị trí các nhà xưởng cũ. Trong phân khu đô thị trục không gian dọc theo tuyến Nguyễn Văn Cừ và công trình Bảo tàng Đường sắt là điểm nhấn trọng tâm.

Báo cáo bản vẽ quy hoạch công trình TOD/2015 của dự án nghiên cứu phát triển Đường sắt Đô thị (ESET) gắn kết với phát triển đô thị ở Hà Nội – JICA & HPC. Định hướng Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong tương lai là một cơ sở nền tảng để đồ án phát triển song song với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị, đó cũng là cơ sở để chỉ ra vị trí quan trong chiến lược của đồ án trong tầm nhìn về sự chuyển đổi của Hà Nội trong thời đại mới.

Cách tốt nhất để đảm bảo vai trò liên tục của di sản công nghiệp trong cấu trúc không gian đô thị trong tương lai là thông qua tái sử dụng thích ứng. Các công trình công nghiệp cũ sau khi chuyển đổi thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí,…

Tiến sĩ – KTS Đinh Thị Hải Yến

kts-yen(1).jpg

“Tiềm năng chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm rất lớn. Nhà máy có không gian lớn trống có thể ngăn chia tự do cho những nhu cầu sử dụng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng biến đổi theo thời gian, có không gian cho những sự kiện đông người. Nhà máy với kiến trúc có giá trị di sản (tính văn hóa), hình thút không gian, cấu trúc, chỉ tiết, vật liệu khác biệt với không gian dân dụng thông thường giúp khơi gợi những ý tưởng mới mẻ, đánh thức tiềm năng sáng tạo. Điều đó phản ánh nhà máy có tính văn hóa, mới lạ, kích thích trí tưởng tượng tạo không khí sáng tạo, đáp ứng nhu cầu về tạo dấu ấn cá nhân mới mẻ của người sáng tạo”, KTS Đinh Thị Hải Yến, nhận định.

Ngoài ra, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có kiến trúc đẹp, khung công trình, hạ tầng kỹ thuật, chi tiết công nghiệp sẵn có để tận dụng ngay trong sử dụng và trang trí mà không tốn nhiều chi phí. Với những gì đang có và hiện hữu, chúng ta có thể thiết lập, sửa chữa, trang trí nhanh, dễ dàng tiết kiệm chi phí, giá thuê rẻ phù hợp với những nhóm cá nhân đang bắt đầu những thử nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp.

Đồng thời, nhà máy này nằm tại vị trí trung tâm đô thị, trung tâm khu dân cư, rất dễ kết nối với công chúng dễ dàng đem những sản phẩm sáng tạo đến với cộng đồng để thúc đẩy giáo dục và trải nghiệm sáng tạo, giúp hình thành nền văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Về “Tái sử dụng thích ứng”, KTS Đinh Thị Hải Yến cho biết, theo Shen và Langston (2010), đây như một cách thổi luồng sinh khí mới vào các công trình hiện có bằng cách giữ nguyên cấu trúc và kết cấu cơ bản của công trình và thay đổi cách sử dụng nó. Theo Hiến chương Burra (2013) thì “tái sử dụng thích ứng” là bổ sung cho một địa điểm, giới thiệu các dịch vụ mới hoặc sử dụng mới, hoặc thay đổi để bảo vệ một địa điểm, tất cả đều phải có mục đích sử dụng tương thích.

UNESCO (2015) đưa ra khái niệm về “Tái sử dụng thích ứng là việc tìm kiếm mục đích sử dụng mới phù hợp với hình thức, đặc điểm, cấu trúc và tính toàn vẹn lịch sử và thường yêu cầu một số thay đổi cẩn thận đối với một địa điểm”. Ngoài ra, Bucherll và Listokin: Tái sử dụng thích ứng là một chiến lược hồi sinh khu phố sử dụng một loạt các quy trình liên kết để lập kế hoạch, kiểm kê, mua lại, quản lý và tái sử dụng thặng dư các bất động sản bị bỏ hoang

 

Trung Kiên

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm: Tiềm năng tái thiết thích ứng, hình thành nền công nghiệp sáng tạo Hà Nội (nguoihanoi.vn)