1. Nhà văn, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình thường nói vui, ông là người Hà Nội gốc… ngoại thành vì quê ông ở làng Thụy Lôi, tên Nôm là làng Nhội, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Trong câu chuyện kể với tôi, ông cho biết: “Thụy Lôi là một làng cổ, một trong những làng in đậm truyền thuyết về An Dương Vương. Tại làng có núi Sái, trên núi có đền thờ Trấn Vũ – vị thần được thờ ở đền Quán Thánh (một trong Tứ trấn Thăng Long). Đây là làng duy nhất trên miền Bắc có tục rước vua sống từ thời An Dương Vương cho đến tận ngày nay”.
Trước khi chuyển hộ khẩu từ quê sang nội thành thì cậu bé Ngô Vĩnh Bình thuở nhỏ hay được qua sông Hồng để vào phố chơi. Hồi ấy chưa có những cây cầu nối huyện Đông Anh bên bờ tả sang nội thành bên bờ hữu. Từ làng Thụy Lôi muốn sang nội thành chỉ có hai cách. Một là đi bộ từ nhà tới bến Đông Trù đi đò qua sông Đuống sang Ngọc Thụy (huyện Gia Lâm) rồi theo đường đê để tới cầu Long Biên. Cách thứ hai là đạp xe cũng từ làng Thụy Lôi đi vòng qua cầu Đuống, tới cầu Chui rồi từ đấy đạp xe thẳng lên cầu Long Biên.
Mỗi khi có việc vào nội thành, cậu bé Ngô Vĩnh Bình thường đến nhà bà ngoại, tới nhà cô dì chú bác để thăm hỏi. Dạo ấy là những năm đầu Thủ đô mới được giải phóng, đi thăm họ hàng cũng đồng nghĩa với việc cậu được “la cà” tới nhiều con phố. Hết Cổng Đục, hết Hàng Mã, Hàng Vải. Hết Bạch Mai, Đại La rồi qua Trương Định và nhiều con phố khác… Có lẽ, những lần “vào phố” đó đã để lại cho cậu bé Ngô Vĩnh Bình nhiều ấn tượng, in sâu vào trong tâm trí và cũng từ những điều giản dị đó mà Ngô Vĩnh Bình bắt đầu một tình yêu với Hà Nội.
2. Hồi học phổ thông ở trường làng, Ngô Vĩnh Bình sớm bộc lộ năng khiếu văn học. Ngay từ khi vào cấp 2 Ngô Vĩnh Bình đã được chọn vào học “chuyên văn” như cách nói bây giờ, ông được chọn vào lớp đặc biệt của thành phố. Đó là năm 1967, ông học ngay tại huyện nhà, bởi tuy là lớp đặc biệt của thành phố nhưng cơ sở được học tại Trường cấp 2 Mai Lâm. Ông là học sinh giỏi văn của huyện Đông Anh từ dạo đó.
Ấy vậy mà khi thi đại học, cậu học sinh giỏi văn lại chọn khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để theo học. Năm 1975, ông ra trường và được phân công về làm việc tại Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Những tưởng cứ “tà tà” như thế sẽ có một nhà sử học chuyên về Dân tộc học, thế nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979) xảy ra, Ngô Vĩnh Bình nhập ngũ và con đường binh nghiệp bắt đầu từ đấy.
Chiến tranh kết thúc, sau một thời gian ngắn học tập quân sự thì Trung úy Ngô Vĩnh Bình chính thức “đầu quân” cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông ở “Nhà số 4 phố Nhà binh” từ dạo đó. Phố Lý Nam Đế hay phố Phan Đình Phùng trở thành chốn đi về hằng ngày của ông. Cộng với những năm tháng sống cùng gia đình, khi thì ở khu tập thể Công đoàn trên phố Trần Bình Trọng hay khu tập thể K95 ngoài bãi Phúc Xá, lúc lại về khu tập thể Huỳnh Thúc Kháng, rồi ở tập thể Lý Nam Đế và hiện nay “yên ổn” trong căn nhà nhỏ nằm sâu mãi trong làng Cống Vị… đã tạo cơ hội cho ông có nhiều dịp “quan sát” Hà Nội, thậm chí là “quan sát Hà Nội bằng con mắt của một người nơi xa đến” như ông từng nói. Với cách thức đó, ông đã có “một cái nhìn về Hà Nội thấu đáo hơn và cũng vô tư hơn”.
Ngô Vĩnh Bình viết văn, làm thơ từ khá sớm. Viết báo từ khi còn là sinh viên nên ông có “thâm niên” vào loại “lão làng nghề báo”. Ngòi bút viết về Hà Nội của nhà văn, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình là ngòi bút chân thành, giản dị nhưng thấu đáo, vẹn nghĩa. Như ông đã tâm sự “Tôi có may mắn được học sử từ những người thầy “bậc nhất” về sử, đó là “Tứ trụ Lâm, Lê, Tấn, Vượng”.
Riêng mảng đề tài viết về Hà Nội, Ngô Vĩnh Bình bảo rằng: “Người nào có tình yêu về Hà Nội thì sẽ viết hay về Hà Nội”. Trong cuốn sách “Hà Nội đến… và thấy” của mình, ông đã đề cập tới nhiều người, nhiều góc phố, nhiều con đường cụ thể, như tác phẩm “Hà Nội trong mắt tôi”, “Đền Sái làng tôi”, “Bà ngoại tôi”, “Kỷ niệm đất Mai Lâm”, “Kỷ niệm về bãi Phúc Xá”. Hay như: “Hoàng Lộc – ra đi từ Trường Bưởi”, “Trần Đăng – Một lần tới Thủ đô”, “Đọc lại “Hà Nội – Lũy Hoa”. Hoặc như: “Đã ngửi thấy mùi Hà Nội”, “Nguyễn Huy Tưởng – Hà Nội”, “Hà Nội và Hà Nội”, “Hoàng Nhuận Cầm vẫn mãi hướng về “phương ấy”… Những bài viết đó cho người đọc cảm nhận mới mẻ, tinh tế và cũng rất thủy chung của những người đã đến, đã sống và cống hiến cho Hà Nội.
3. Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa ngừng nghỉ với những trăn trở cùng Hà Nội. Sau chén trà thơm, ông khoe: “Tôi vừa đi họp giao ban trang thông tin điện tử Hà Nội trí thức về”. Nhà văn, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình đảm nhiệm vai trò biên tập nên cũng bận bịu bởi bài vở gửi đến cũng kha khá, sắp tới đây trang thông tin điện tử này còn ra mắt cuốn sách “Chuyện người Hà Nội” tập 3, đâu như sách còn được phát hành ra nước ngoài…
Cứ thế, tình yêu với Hà Nội của nhà văn, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình đã đến từ những cảm nhận đầu đời qua những trang sách tới những cảm nhận “sờ nắm” được. Và, cho dù thời gian có đổi thay nhưng cảm nhận về Hà Nội vẫn vẹn nguyên, khác là khác ở chỗ câu chữ của ông “có trách nhiệm” hơn, với những mong muốn tròn đầy hơn.
Như ông đã viết: “Hà Nội mà tôi đã “gặp” lần đầu là các cô gái. Ấy là một cô Liên dịu dàng đằm thắm trong “Gánh hàng hoa”, hay một cô Lan thiếu nữ tân thời trong “Đoạn tuyệt”… trong những tiểu thuyết nổi tiếng của “Tự lực văn đoàn” mà tôi được đọc từ thời đi học… Bây giờ Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội với nhiều nhà chung cư, nút giao thông lập thể, trà đá, trà chanh thay chè chén, xì gà thay cho thuốc lá cuốn sợi vàng Lạng Sơn” (“Hà Nội trong mắt tôi”)…Nhưng sẽ còn đó một Hà Nội yêu tin đến lạ lùng, như câu thơ mới viết của nhà văn, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình: “Sáng nay, thấy một đóa sen bên nụ hoa cúc dại/ Mới hay/ Thu đã sang rồi, nhưng hạ còn ở lại/ Trong anh, trong em, trong sóng nước Tây Hồ”.
Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, nhà văn, nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình đã có nhiều tác phẩm gây ấn tượng với bạn đọc như “Nẻo vào văn học” (tiểu luận phê bình văn học, NXB Văn học – 1993); “Trần Đăng – con người và tác phẩm” (NXB Quân đội nhân dân – 1996); “Một chặng đường văn” (tiểu luận phê bình văn học, NXB Quân đội nhân dân – 1999), “Chuyện thơ, chuyện đời” (tiểu luận phê bình văn học, NXB Văn học – 2003), “Hoa đào năm ngoái (tiểu luận phê bình – NXB Văn học – 2009); “Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới” (bút ký, NXB Hội Nhà văn – 2014); “Hà Nội đến… và thấy” (tản văn, NXB Hà Nội, 2011)… Ông được trao nhiều giải thưởng: Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng các năm: Năm 1994 với tác phẩm “Nẻo vào văn học”, năm 2004 với “Chuyện thơ, chuyện đời”, năm 2015 với “Trăng và súng”…; Giải thưởng báo chí Bộ Quốc phòng với tác phẩm “Nửa thế kỷ nhà văn áo lính”.
Nguyễn Trọng Văn
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/827424/nha-van-nha-ly-luan-phe-binh-ngo-vinh-binh-dam-sau-mot-tinh-yeu-ha-noi