Nhân lên truyền thống hiếu học, lan tỏa văn hóa đọc tại Thủ đô

Gần một năm nay, thư viện Mạnh An nằm cạnh sông Hồng đỏ nặng phù sa và đặt theo tên bậc hiền tài Nguyễn Như Đổ, là điểm đến của nhiều em học sinh. Nguồn sách phong phú cùng không gian rộng, xanh mát bởi cây quả và hoa, thư viện này đã thu hút nhiều người đến đọc sách, góp phần thúc đẩy phong trào học tập suốt đời và văn hóa đọc tại Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Mạnh An là thư viện cộng đồng được thành lập từ tháng 10/2022 bởi thầy giáo Phạm Văn Ngát (hiện công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì) cùng sự hỗ trợ của Công ty Sách và thiết bị trường học Hà Nội. Nằm ngay cạnh sông Hồng, thư viện Mạnh An (thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) ẩn sau những nếp nhà, nhưng nơi đây có lúc “quá tải” vì người đến đọc sách, mượn sách.

img_0084.jpg
Góc sách về Bác Hồ tại thư viện Mạnh An.

Tiếp nối truyền thống hiếu học của danh nhân Nguyễn Như Đổ

Từ con đường đê rồi tới cổng làng Đại Lan, đi thẳng gần một cây số về phía sông Hồng, hỏi một em nhỏ tại địa phương để đến thư viện Mạnh An, chúng tôi được em nhỏ này dẫn đến tận nơi. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến thư viện cộng đồng đầu tiên ở xã Duyên Hà là không gian thoáng mát, có tầm nhìn hướng ra sông Hồng.

Anh Phạm Văn Hiếu – quản lý thư viện cho biết, thư viện được đặt theo tên danh nhân Nguyễn Như Đổ (1424-1526) người làng Đại Lan Châu, huyện Thanh Đàm, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Danh nhân Nguyễn Như Đỗ có tên chữ Mạnh An, hiệu Khiêm Trai.

thu-vien-manh-an-3-.jpg
Các em học sinh tại Duyên Hà đến đọc sách và chụp ảnh cùng mô hình cột mốc đảo Trường Sa tại Thư viện.

Ông nổi tiếng là người học cao, hiểu rộng, đỗ đạt và có nhiều cống hiến cho đất nước. Nguyễn Như Đổ là cái tên có trong bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” và được khắc trên tấm bia đá đầu tiên dựng năm 1484 đặt tại đình bia bên phải trong vườn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám. Năm Đại Bảo thứ 3 (1442) dưới thời Lê Thái Tông, triều đình tổ chức khoa thi Hội đầu tiên của thời Lê Sơ, chàng trai Nguyễn Như Đổ vào kinh ứng thí. Khoa thi đặc biệt này có 450 người dự, được các bậc hiền tài như: Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tử Tấn chấm, lấy 33 người trúng cách, Nguyễn Như Đổ đỗ Hội nguyên. Khi vào thi đình, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, là người mở đầu Bảng nhãn của triều Lê, khi vừa 18 tuổi.

Ngoài những đóng góp trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, Nguyễn Như Đổ còn là nhà giáo dục có tài. Năm 1463, ông được cử làm độc quyển trong kỳ thi Đình. Sau đó, ông còn được cử làm Đề điệu (chủ khảo) trong hai kỳ thi đình năm 1466 và 1469. Năm 1486, cùng với việc sửa chữa lại Văn Miếu, Nguyễn Như Đổ nhận chức Tế tửu Quốc Tử Giám trong nhiều năm. Là hiệu trưởng trường đại học đầu tiên, ông có điều kiện chăm lo việc học cho học sinh ưu tú trong cả nước. Sử cũ còn ghi một số bản điều trần của Nguyễn Như Đổ về cải cách trong khảo xét, tuyển lựa học trò được Lê Thánh Tông ưng thuận.

Đầu thế kỷ XIX, Phan Huy Chú soạn bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, trong mục Nhân vật chí đã viết về Nguyễn Như Đổ: “Ông, lúc trẻ thi đỗ khôi nguyên, khi lớn thì làm quan to được lên cõi thọ trăm tuổi, trải qua 8 triều, cũng là sự ít có trong hoạn đồ”. Nguyễn Như Đổ được đánh giá là 1 trong 4 người “phò tá có công tài đức thời Lê Sơ”, ông vừa là nhà chính trị, ngoại giao vừa là nhà quân sự, nhà giáo dục với tài năng hiếm có.

thu-vien-manh-an-1-.jpg
Thư viện Mạnh An thu hút nhiều em học sinh đến đọc, mượn sách.

Mong muốn tiếp nối truyền thống và khơi dậy tinh thần hiếu học của bậc kỳ tài Nguyễn Như Đổ, cũng như góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, đặc biệt tạo không gian cho các em nhỏ tiếp cận thêm những cuốn sách hay, sách quý, thư viện Mạnh An ra đời, mở ra cánh cửa tri thức, điểm đến bổ ích với người dân, các em nhỏ trong vùng.

Không gian văn hóa đọc lý tưởng, độc đáo

Thư viện Mạnh An có diện tích hơn 500m2, nhìn ra sông Hồng, vị trí cao ráo, thoáng mát và đặc biệt đảm bảo không gian yên tĩnh cho người đọc. Trong khuôn viên cây bóng mát xen các loại cây hoa nở rực rỡ quanh năm, thư viện Mạnh An nằm lọt giữa khung cảnh thơ mộng, khơi gợi cảm hứng đọc và mong muốn quay lại cho độc giả.

img_0077.jpg
Cô giáo Lê Thị Thuấn cùng các em học sinh Trường THCS Duyên Hà là “khách quen” của Thư viện Mạnh An.

Bao quanh thư viện là vườn cây rau màu, cây ăn trái, ruộng ngô. Trải dài tít tầm mắt là khu vực bãi bồi được người dân địa phương canh tác các loại cây ăn quả, cây hoa, cây theo mùa khi nước cạn. Còn khi nước lên, từ thư viện nhìn ra là vùng nước sông Hồng mở rộng mênh mông sát chân thư viện. Người dân đến đây có thể đọc các đầu sách được sắp xếp khoa học hoặc “check in” như một chuyến đi du lịch vùng ven Hà Nội.

Đại diện Ban quản lý thư viện Mạnh An cho biết, hiện không gian văn hóa đọc này có khoảng 1.500 bản sách và đầu báo, tạp chí gồm các loại sách về khoa học tự nhiên – kỹ thuật – xã hội, sách thiếu nhi và các loại sách tra cứu: Bách khoa toàn thư, từ điển, bộ sưu tập chuyên đề, niên giám, tài liệu địa chí, tài liệu thống kê, sổ tay, cẩm nang và sách địa chí,… Đặc biệt, thư viện Mạnh An còn có phiên bản điện tử cung cấp hàng ngàn đầu sách cho mọi người tìm đọc.

img_0104.jpg
Thư viện Mạnh An có diện tích hơn 500m2, nhìn ra sông Hồng, đảm bảo không gian yên tĩnh cho người đọc.

Với cách bài trí hấp dẫn, sinh động, phòng đọc thiếu nhi nổi bật nhất tại thư viện Mạnh An. Phòng đọc này sách được sắp xếp theo môn loại. Đến đây các em như được cùng sống với một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, thơ mộng, vừa đọc những cuốn sách vui nhộn, ngộ nghĩnh để giải trí, vừa bổ sung thêm nhiều kiến thức hữu ích. Thư viện còn có phòng truy cập internet miễn phí riêng để phục vụ nhu cầu giải trí cùng nhiều hoạt động khác theo nhu cầu của độc giả. Đây là nơi sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, đặc biệt là ngôi trường thứ hai cho các em.

Kể từ khi đi vào hoạt động, thư viện Mạnh An đã đón tiếp nhiều độc giả, nhất là các em học sinh và thế hệ trẻ. Vừa qua, trước khi vào năm học mới, nhiều em học sinh Trường THCS Duyên Hà đã đến thư viện Mạnh An để tổ chức hoạt động ngoại khóa. Tại đây, các em học sinh và giáo viên được tiếp cận nhiều cuốn sách “hiếm có khó tìm” mà mọi người yêu thích. Là khách quen của thư viện, cô giáo Lê Thị Thuấn (bộ môn văn học) – Trường THCS Duyên Hà, chia sẻ: “Khi có thời gian, tôi thường đến thư viện Mạnh An đọc sách, tìm hiểu thêm các tác phẩm văn học để mở rộng, cập nhật kiến thức chuyên môn để phục vụ nhu cầu giảng dạy”, cô giáo Lê Thị Thuấn (bộ môn văn học) – Trường THCS Duyên Hà, chia sẻ.

thu-vien-manh-an-5-.jpg
Không gian văn hóa đọc mang tên danh nhân Nguyễn Như Đổ ngày một thu hút đông đảo các em học sinh, thế hệ trẻ.

“Khi đến với thư viện, nhiều phụ huynh thấy mô hình hay và độc đáo nên đem sách đến để đóng góp cho thư viện. Chúng tôi sẽ không ngừng cập nhật thêm những cuốn sách hay, đặc sắc để phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của mọi người. Ngoài ra, có thể thư viện sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm, chương trình tìm hiểu cuốn sách, tác phẩm mà các em yêu thích để khơi dậy niềm đam mê, hứng thú với sách trong thế hệ trẻ”, đại diện Ban quản lý thư viện Mạnh An, chia sẻ.

Có thể nói, thư viện Mạnh An không chỉ lan toả văn hoá đọc trong giới trẻ mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới ở địa phương. Với vị trí nên thơ, không gian rộng rãi, nếu được quan tâm đầu tư và khai thác hiệu quả, thư viện Mạnh An có thể trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch cộng đồng ven sông Hồng tại Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

Phạm Hoa- Vũ Đăng

https://nguoihanoi.vn/nhan-len-truyen-thong-hieu-hoc-lan-toa-van-hoa-doc-tai-thu-do-76154.html