Nhân rộng cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở

Những năm qua, công tác hòa giải trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ hòa giải thành công tăng, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Thành công đó có được là do đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã đi sâu, bám sát địa bàn để giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh.

Xây dựng khu phố đoàn kết, văn minh

Gắn bó với công việc hòa giải viên, hơn 5 năm qua, bà Hoàng Thị Minh (Tổ phó Tổ dân phố số 13, phường Bưởi, quận Tây Hồ) luôn chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, với mỗi công việc cần hòa giải bà đều đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Nhân rộng cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở
Ông Quách Ngọc Phong – Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 7, phường Phú Thượng (đứng giữa) cùng các đồng chí cán bộ tại khu dân cư luôn gần dân, sát dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chia sẻ về công việc bà đang gắn bó, dành nhiều tâm huyết, bà Minh cho hay: “Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối phố”.

Với những tâm huyết bà dành cho công việc, những năm qua, bà Minh đã vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường… góp phần gìn giữ nét đẹp trong Tổ dân phố 13, cũng nhờ đó mà Tổ dân phố luôn đoàn kết, sáng – xanh – sạch – đẹp.

Đối với những trường hợp khó khăn, nổi bật là các vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, bà cùng các thành viên trong Tổ dân phố đi thực tế, tìm hiểu trên bản đồ địa chính, đối chiếu sổ đỏ của các bên, tham khảo ý kiến chuyên môn của cán bộ địa chính để xác định vấn đề như thế nào, sau đó tiến hành họp tổ hòa giải đưa ra các phương án giải quyết cụ thể, sau đó mời các bên liên quan để tiến hành hòa giải.

Nhờ thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh đã được giải quyết kịp thời ngày tại Tổ dân phố, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 7 phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) ông Quách Ngọc Phong cùng các thành viên trong Ban tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận các cấp phát động.

Thấm nhuần phương châm: “Người cán bộ mặt trận phải tai nghe, mắt trông, chân đi, miệng nói tay làm”, ông Phong cùng Ban Công tác Mặt trận luôn có mặt ở từng ngõ phố để nắm tình hình nhân dân.

Sâu sát với bà con nên Ban Công tác Mặt trận đã thành công khi tuyên truyền, vận động nhân dân đóng các loại quỹ được trên 50 triệu đồng; đóng góp gần 30 triệu đồng cho Tổ dân phố mua âm ly, loa đài, 19 triệu đồng tôn tạo sân chơi, mua 3 máy thể thao ngoài trời, làm 6 cổng chào văn hóa tại các ngõ; xây dựng thành công 3 tuyến ngõ văn minh đô thị, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự. Ban Công tác Mặt trận khu dân cư cùng tổ hòa giải đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, kết hợp với tổ dân vận vận động bà con tham gia các mô hình dân vận khéo, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện làm tốt công tác hòa giải, phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng khu dân cư văn minh, thanh lịch. Có thể thấy, công tác hòa giải tại cơ sở đã góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết trực tiếp những vụ vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, hạn chế đơn thư vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, giữ gìn tình làng nghĩa xóm…

Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải. Các cấp, các ngành cũng tích cực phối hợp nhiều mô hình hay để tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, các biện pháp hòa giải bạo lực gia đình. Các quận, huyện, thị xã đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở.

Để công tác hòa giải ở cơ sở có hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn Thành phố đã xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư như: Câu lạc bộ “Phụ nữ và pháp luật”; Câu lạc bộ “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”; Câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông” hay nhóm “Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật”… các thành viên câu lạc bộ, nhóm nòng cốt tích cực nắm bắt tình hình dư luận trong cán bộ, hội viên, chủ động tuyên truyền pháp luật và tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Đánh giá về hiệu quả trong công tác hòa giải ngay tại cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bưởi (quận Tây Hồ) Hoàng Thanh Hải cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cấp ủy, chính quyền phường Bưởi luôn quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn. Bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”. Công tác hòa giải ở phường Bưởi thời gian qua đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính…, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

N.Hoa
https://laodongthudo.vn/nhan-rong-cach-lam-hay-trong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-158586.html