Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Chiều 10/8, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở”.

Kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Thành phố và ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Sở Tư pháp; Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn, các hoà giải viên tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương khẳng định, công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đ.H)

Theo bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đã đi vào nề nếp, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được khẳng định và được Nhân dân ghi nhận.

Tính đến tháng 6/2022, toàn Thành phố có 4.925 tổ hòa giải với tổng số 32.234 hòa giải viên. Hàng năm, 80% số lượng hòa giải viên ở cơ sở được các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.

Tuy nhiên, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp cũng cho hay, công tác hòa giải cũng còn những hạn chế. Đó là thực trạng một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hoà giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải.

“Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải còn thấp. Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở”, bà Vũ Thị Thanh Tú cho biết.

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên

Theo ông Đàm Văn Huân, sự phối hợp giữa MTTQ, cơ quan tư pháp cùng cấp từ Thành phố đến cơ sở có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp tại Hội thảo. (Ảnh: Đ.H)

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã ban hành kế hoạch hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở, chủ động tổ chức kiểm tra công tác MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở tại một số đơn vị trên địa bàn.

Theo ông Huân, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư. Cấp uỷ các địa phương dành sự quan tâm tới công tác hoà giải ở cơ sở chưa đồng đều, sự hỗ trợ của ngân sách còn bất cập.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hoà giải, ông Đàm Văn Huân kiến nghị, cần kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, lựa chọn những người tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng cộng đồng, có uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống và kiến thức pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; kiến nghị sửa đổi Luật Hoà giải ở cơ sở, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.

Thảo luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ, quận Bắc Từ Liêm đã lấy 2 phường xảy ra nhiều tranh chấp nhất để tổ chức tập huấn cho các hoà giải viên. Hiện, 2 phường đã đạt được kết quả cao về hoà giải thành. Ông Chiến khẳng định, hoà giải viên cần được tập huấn thường xuyên, bởi bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hoà giải viên có nhiều lợi ích. Thứ nhất, bởi bản thân hoà giải viên được trang bị kiến thức pháp luật. Thứ hai, hoà giải viên vừa tham gia hoà giải nhưng cũng là tuyên truyền viên pháp luật.

Khẳng định cơ quan báo chí không thể thiếu được trong công tác tuyên truyền, lan toả công tác hoà giải ở cơ sở, ông Chiến cho hay, việc phát ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (PL&XH) miễn phí tới các tổ hoà giải rất quan trọng, có lợi ích trong thông tin pháp luật nói chung, vinh danh gương tốt về hoà giải viên nói riêng.

Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hoà giải ở cơ sở. (Ảnh: Đ.H)

Cho rằng ấn phẩm Pháp luật và Xã hội đã cung cấp kiến thức pháp luật, cung cấp kỹ năng hoà giải cho hoà giải viên và lan toả gương hoà giải viên tốt, rất hữu ích cho hoà giải viên cơ sở, bà Trần Minh Hồng, Phó trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm mong muốn tiếp tục ấn phẩm Pháp luật và Xã hội tiếp tục được cấp miễn phí cho các tổ hoà giải.

Ông Bùi Công Lực, công chức, tư pháp hộ tịch phường Phú Lương, quận Hà Đông cho hay, các hoà giải viên rất phấn khởi, vì ngoài báo chí mạng còn có ấn phẩm Pháp luật và Xã hội để nghiên cứu, là một phần tiếp cận thông tin chính thống của Nhà nước, nắm bắt chủ trương của Đảng. Ấn phẩm với những thông tin hữu ích, thực tế là những bài học kinh nghiệm cho hoà giải viên để tích luỹ vốn kiến thức pháp luật, kinh nghiệm hoà giải.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, thực hiện Đề án “nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Hà Nội, Sở Tư pháp Thành phố đã chỉ đạo Báo Pháp luật và Xã hội (nay là ấn phẩm Pháp luật và Xã hội) cấp phát báo miễn phí đến 100% tổ hòa giải trên địa bàn Thành phố. 6 tháng đầu năm 2022, đã cấp phát gần 500.000 tờ cho 4.957 tổ hoà giải.

“Ý thức nhiệm vụ Thành phố giao, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội xác định truyên truyền về công tác hoà giải là việc làm thường xuyên. Thời gian qua, ấn phẩm đăng tải hơn 15 nghìn tin, bài về công tác hoà giải và tuyên truyền các bộ luật, luật, các quy định… Báo Kinh tế và Đô thị tiếp tục kiến nghị Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố tổ chức những sự kiện vinh danh hoà giải viên; mở các chuyên mục có tương tác trực tiếp với hoà giải viên; ví như ra mắt chuyên mục “Hoà giải viên viết” để hoà giải viên cơ sở có thể chia sẻ kinh nghiệm, là diễn đàn trao đổi nghiệp vụ”, ông Nguyễn Xuân Khánh nói.

Kết luận Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Sở Tư pháp tổng hợp, đưa vào báo cáo tổng kết để án và sẽ kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục thực hiện đề án trong giai đoạn mới với những cải tiến, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phát huy hiệu quả của công tác hoà giải ở cơ sở.

H.L

Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở (laodongthudo.vn)