Nhiều giải pháp vượt đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Trước những tác động của đại dịch Covid-19, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Cụ thể, huyện tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 gắn với thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng các mô hình nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp”.

Hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng hạ tầng và phấn đấu đi vào hoạt động một số cụm công nghiệp đã được phê duyệt; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thành lập các cụm công nghiệp; phấn đấu hoàn thành xây dựng 2 xã Hát Môn, Võng Xuyên đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Nhiều giải pháp vượt đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Huyện Phúc Thọ đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”

Tăng cường quản lý đất đai, môi trường; tăng thu ngân sách, quản lý chặt chẽ ngân sách, thực hiện tiết kiệm chi. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, coi trọng công tác văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế, dân số, khoa học công nghệ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết đơn thư và xử lý vi phạm đất đai; đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương – an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Thời gian tới, huyện Phúc Thọ xác định tập trung thực hiện tốt 11 nhiệm vụ cụ thể gồm: Quyết tâm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19. Không lơ là, chủ quan; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiện toàn và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Quyết liệt chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung. Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp đi vào hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tư nhân; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng nâng cao tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch gây đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn huyện vẫn ổn định. Tốc độ giá trị sản xuất năm 2021 đạt 13.383 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 6,3%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 5%, công nghiệp xây dựng tăng 8,3 %; Nông lâm thủy sản tăng 4,2%. Cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn ngành nông nghiệp chiếm 20,6%, Công nghiệp – xây dựng cơ bản chiếm 46% và dịch vụ chiếm 33,4%.

Tập trung hoàn thành quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn các xã trên địa bàn huyện; quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công. Tổ chức thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2030; xử lý đất xen kẹt.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đấu giá đất theo khu; ưu tiên các nguồn lực để tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy nguồn lực tài chính từ đất. Tiếp tục thực hiện xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại các xã, thị trấn, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới về đất đai.

Tập trung cao khai thác các nguồn thu đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời. Quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Duy trì và từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc còn tồn đọng lâu năm; giải quyết các kiến nghị của nhân dân tại hội nghị đối thoại và các kỳ tiếp xúc cử tri.

Huyện cũng sẽ tập trung triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Phúc Thọ đến năm 2025”; Đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân Phúc Thọ”; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 200 năm huyện Phúc Thọ. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường củng cố quốc phòng địa phương…

Năm 2022, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn, thách thức, từ thực tế đó, các cấp, các ngành của huyện sẽ tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Phương Huế – Mạnh Quân
https://laodongthudo.vn/nhieu-giai-phap-vuot-dai-dich-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-135828.html