Nhiều kinh nghiệm thiết thực trong thực hiện phong trào thi đua văn hóa công sở và nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô

Chiều ngày 29/11, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”; Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan Thành phố, Ban Thi đua khen thưởng Thành phố tổ chức Hội nghị tọa đàm: Kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” khối các đơn vị sở, ngành của Thành phố.

Tham dự Hội nghị tọa đàm có các đồng chí: Đinh Văn Khoá, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Phạm Thị Nguyên Hạnh, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

beauty_1701243184511.jpeg
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh báo cáo đề dẫn Hội nghị

Báo cáo đề dẫn Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, với vị thế là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; các giá trị văn hóa của Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến, là hội tụ, kết tinh và lan tỏa; trở thành nguồn lực quan trọng để Hà Nội trở thành tiêu biểu cho cả nước và khu vực. Đứng trước những đòi hỏi từ thực tiễn, Thành phố Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới.

Về tổng thể, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Thành phố tới cơ sở ngày càng được nâng lên, nhưng trong thời gian gần đây, có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm… Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

img_1953.jpeg
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố chia sẻ tại Hội nghị

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố chia sẻ; để góp phần xây dựng văn hóa công sở và nơi công cộng, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động thực hiện các giải pháp tác động đến nhận thức, hành vi ứng xử của đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Nhiều mô hình được các cấp Hội phụ nữ triển khai tích cực, hiệu quả tại các nơi công cộng như: Mô hình chợ văn minh; Di tích lịch sử – Điểm đến an toàn, hấp dẫn; mô hình “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, mô hình “Sạch đồng ruộng”, mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh – sạch – đẹp thân thiện với môi trường”; mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”; mô hình “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện ATGT”; thực hiện “3 nhớ” khi tham gia giao thông (“Nhớ đội mũ bảo hiểm, nhớ đi đúng làn đường, nhớ không uống rượu bia”)… góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

img_1954.jpeg
Đồng chí Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội chia sẻ tại Hội nghị

Bằng những hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Hồng Dân cho biết, năm 2022, Sở Lao động Thương binh Xã hội đứng đầu khối sở ngành của Thành phố về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của Thành phố Hà Nội. Để đạt được kết quả đó bởi nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa và văn hóa công sở và 02 Bộ Quy tắc ứng xử của UBND Thành phố Hà Nội, trong thời gian qua Đảng ủy và Tập thể Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công chức, viên chức người lao động toàn ngành thực hiện 02 bộ Quy tắc nhằm nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc. Một số cách làm hiệu quả của Sở Lao động Thương binh Xã hội như: Tại các trường trung cấp tổ chức phát động mô hình xây dựng trường
học thân thiện; Không nói tục chửi thề, xúc phận danh dự nhân phẩm người khác; không đánh nhau, gây rối; Tích cực tham gia xây dựng, giữ gìn không gian xanh sạch, đẹp; môi trường trường học thân thiện, văn minh; Tổ chức các hoạt động vui tương, lành mạnh; tham gia tìm hiểu chăm sóc và phát huy giá trị lịch sử văn hóa… Còn tại các đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng xã hội; người có công và Cơ sở cai nghiện ma túy v.v…: Tổ chức mô hình cơ quan xanh sạch, nơi làm việc ngăn nắp gọn gàng: Nhổ cỏ, phát quang bụi dậm; Tăng cường trồng các loại hoa, trang trí thêm bồn chậu hoa cảnh; Bố trí các thùng rác thông minh, phân loại rác thải…

10b72d800f1fe9655ef20d7d6209deb7.jpeg
Đồng chí Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị

Với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ du khách và nhân dân, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Hồng Chi cho biết, bên cạnh 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, Trung tâm có quy định riêng dành cho khách tham quan khi đến khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Hoàng Thành Thăng Long. Hàng năm, trung tâm tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ, hướng dẫn viên để du khách luôn cảm thấy thuận lợi, thoải mái nhất.
Hội nghị toạ đàm kết thúc thành công tốt đẹp với sự đóng góp, tổng hợp, chia sẻ ý kiến bổ ích của nhiều sở ngành. Ban Chủ trì Hội nghị tiếp thu tất cả ý kiến, đề xuất, kiến nghị, giải pháp của các sở, ngành đã “hiến kế” tại Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thục hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” những năm tiếp theo.

Hội nghị tọa đàm không chỉ đặt ra những vấn đề trong công tác xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh, mà còn là dịp để trao truyền, nêu cao ý thức, trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu.

Ly Ly

Nhiều kinh nghiệm thiết thực trong thực hiện phong trào thi đua văn hóa công sở và nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô (nguoihanoi.vn)