Nhiều kinh nghiệm trong triển khai đường Vành đai 4

Bên cạnh một số cơ chế đặc thù, dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô còn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của nhân dân, nên đã bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng đề ra.

Dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án gồm 7 dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng thực hiện theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2022 – 2028.

Đáng chú ý, đi qua 7 quận, huyện của thành phố Hà Nội, dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô đang được cả hệ thống chính trị của Thành phố vào cuộc triển khai với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất.

Ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, người dân các địa phương nơi có dự án đi qua đã đồng thuận, sẵn sàng làm thủ tục bàn giao mặt bằng để dự án có thể khởi công đúng tiến độ.

Nhiều kinh nghiệm trong triển khai đường Vành đai 4
Người dân quận Hà Đông nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã đạt kết quả tích cực. Đến nay, đã di chuyển được 6.007/10.921 ngôi mộ, đạt 55%. Các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 537,270/798,043ha đất, đạt 67,32%; trong đó, huyện Sóc Sơn thu hồi được 46/48,23ha; huyện Mê Linh được 114,30/145,66ha; huyện Đan Phượng được 30,73/74,8ha; huyện Hoài Đức được 138,30/239,63ha; quận Hà Đông được 51,14/68,25ha; huyện Thanh Oai được 59,31/86,94ha; huyện Thường Tín được 97,49/134,54ha.

Qua đánh giá từ dư luận, với dự án Vành đai 4, việc tách dự án thành phần thành các dự án độc lập và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thực hiện là cách làm hay, trong đó việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần độc lập có thể triển khai ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp. Việc này bảo đảm việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước, không có tình trạng vừa thi công, vừa phải chờ mặt bằng sạch.

Việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó phê duyệt các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết cho riêng dự án như cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong hai năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua.

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP để tháo gỡ một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ như cho phép các tỉnh, thành phố triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu. Những giải pháp này đã giúp cho dự án trọng điểm được triển khai đúng tiến độ đề ra.

Đ.L
https://laodongthudo.vn/nhieu-kinh-nghiem-trong-trien-khai-duong-vanh-dai-4-157177.html