Nhịp sống trên những công trình

Hơi thở mùa Xuân đang len lỏi trên từng con phố và trên mỗi miền quê. Nơi đại công trường Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô cũng vậy. Tại đây, đội ngũ kỹ sư, công nhân các đơn vị đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ của công trình trọng điểm quốc gia. Xuân đang đến gần trong khí thế thi đua lao động sôi nổi, tươi mới.

Cho ngày mai kết nối

Giao thông từ xưa đến nay đều là huyết mạch của mỗi quốc gia. Muốn kinh tế, xã hội phát triển thì hệ thống đường sá đều phải đi trước, đón đầu để tạo điều kiện cho mọi ngành nghề hưng thịnh. Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là minh chứng rõ nét cho việc triển khai liên kết vùng, trong đó hạ tầng là yếu tố nền tảng để triển khai liên kết về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh…

Đối với cấp ủy, chính quyền và người dân 6 huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín), 1 quận (Hà Đông) trên địa bàn Hà Nội, tính từ năm 2008 trở lại đây, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quy mô, hội tụ nhiều yếu tố nhất.

Nhịp sống trên những công trình
Trên công trường thi công đường Vành đai 4, máy móc, nhân lực được tăng cường để chạy đua với tiến độ. Ảnh: Giang Nam

Chẳng thế mà, việc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng và vượt tiến độ đề ra mọi hạng mục của đường Vành đai 4 là nhiệm vụ “trọng tâm của trọng tâm” được đồng chí Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô chỉ rõ. Những tháng qua, khối lượng công việc đồ sộ của tuyến huyết mạch này trên địa bàn Hà Nội đã được cả hệ thống chính trị, chủ đầu tư và đơn vị thi công quyết liệt triển khai.

Có mặt tại công trường thi công Dự án mới có thể chứng kiến hết không khí lao động hết sức khẩn trương. Cả công trường lớn rộn rã tiếng máy xúc, máy lu, máy ủi. Chỗ đào nền, chỗ ủi cát, đắp đường. Đó là ở địa bàn quận Hà Đông, phần đường song hành Vành đai 4 đang được đổ cát, lu nền. Đó là địa phận huyện Hoài Đức, ngay trên mũi thi công nằm cạnh Đại lộ Thăng Long, việc thi công được triển khai hướng về đê Song Phương. Hiện tại, nền đường khu vực này đang được đẩy mạnh san lấp.

Mùa Xuân này, tất cả đang dồn sức cho việc giải phóng, xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội để hình thành nên “cung đường mùa Xuân” mạch máu kết nối vùng Thủ đô phát triển xứng tầm khu vực.

Tương tự, Dự án Vành đai 4 đoạn qua huyện Thường Tín cũng vậy. Hiện các đoạn, tuyến xây dựng được đánh giá có tốc độ triển khai khá tốt với nhiều máy móc và công nhân. Trên nhiều đoạn, khung tuyến đường đã được hình thành cơ bản… Còn ở huyện Mê Linh, Dự án Vành đai 4 cũng được thiết kế đi qua với chiều dài khoảng 11,2 km, chiếm tỷ lệ 19% toàn thành phố Hà Nội.

Vành đai 4 đi qua địa bàn 5 xã của huyện Mê Linh gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất trong khu vực huyện là khoảng 141,5 ha, liên quan đến trên 3.000 hộ dân, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng. Được biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Mê Linh đã phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với diện tích 133,1ha/141,5 ha, đạt 94,4% tổng diện tích toàn tuyến qua địa bàn. Trong đó, các xã của huyện Mê Linh là Chu Phan, Thanh Lâm, Đại Thịnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất nông nghiệp.

Đây là nền tảng để góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Đỗ Văn Sâm – Chỉ huy trưởng gói thầu số 8, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (đơn vị thi công) cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị đã huy động nhân lực, thiết bị để thi công các hạng mục như bóc lớp đất hữu cơ, đắp trả bờ bao khuôn đường, thi công cống, cọc khoan nhồi… Với 8 mũi thi công đồng loạt (4 mũi thi công đường và 4 mũi thi công cầu), đơn vị phấn đấu hết năm 2023 sẽ hoàn thành thi công khoảng 21% khối lượng dự án qua địa bàn huyện Mê Linh.

Quyết tâm đảm bảo chất lượng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, hiện tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi 726,61/791,40ha đất, đạt 91,81%. Ban đã tiếp nhận hơn 654/726,61ha mặt bằng, đạt 90,02%. Các nhà thầu thi công huy động cả nghìn công nhân triển khai đồng loạt trên 29 mũi, bao gồm 21 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu.

Nhịp sống trên những công trình

Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, Dự án thành phần 2.1 có tổng chiều dài khoảng 58,2km, đi qua địa phận 7 quận, huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín. Trên toàn tuyến đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu. Hiện Dự án đã thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cầu vượt sông, kênh mương và cầu vượt đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Đơn vị thi công phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành Dự án và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Mùa Xuân đã về mang theo niềm tin và ước vọng. Đứng trên công trường, nhìn công trình giao thông huyết mạch dần được thành hình, tôi đã thấy những giọt mồ hôi, những nụ cười của công nhân, kỹ sư đang hăng say lao động. Khó khăn còn nhiều nhưng họ đều nêu cao quyết tâm bảo đảm tiến độ đề ra, nhanh chóng đưa con đường vào sử dụng trong thời gian tới, góp phần tạo sức bật cho giao thương, phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội.

Giang Nam