Nhớ nghề ren ở làng Bình Đà xưa

Làng tôi – làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội thuộc vùng ven đô, quốc lộ vắt qua mấy cánh đồng mùa nào cũng thơm hương lúa. Không như mọi làng khác thuần nông, làng tôi có phố – phố làng – ấy là phố Bình Đà, đông nghèn mỗi dịp Tết. Xưa, thiên hạ thường phải tìm về để được mục sở thị làng pháo danh tiếng và… tiện thì buôn một chuyến, một vài chuyến để cái Tết được đủ đầy hơn. Xa gần chỉ biết đến nghề pháo truyền thống của làng mà không biết người làng Bình Đà còn có nghề làm ren.

anh-1.jpg

anh-2.jpg
Tấm ren trang trí gợi nhắc ký ức nghề làm ren một thuở.

Theo tôi nhớ thì nghề ren về làng vào khoảng những năm khoán quản. Nếu tính người phụ nữ biết may vá, thêu thùa là người có hoa tay, hay khéo tay thì gần như đàn bà, con gái làng Bình Đà khéo tay cả. Từ người già đến trung niên, trẻ con đều biết làm ren. Có thể còn có cả đàn ông con giai cũng biết “rút ren’’.

Nếu như làm pháo luôn đi kèm những đồ nghề cồng kềnh, có phần nguy hiểm… thì làm ren ngược lại, rất an toàn. Chỉ có mỗi cái kim, cái đê tay, cái kéo bấm chỉ và mẫu. Làm ren cần phải sạch, trước hết là từ bàn tay phải luôn sạch và khô, vì thế mà thường là một tiếng phải đứng lên rửa tay một lần. Nếu làm chỉ màu kem mà đã phải ngồi riêng thì làm ren chỉ trắng tinh còn cầu kỳ hơn nhiều, khi làm hết một sợi chỉ lại phải lau tay bằng khăn sạch, ẩm. Người làm ren xưa thường chọn góc sạch, thoáng mát, trong nhà, góc sân hay dưới tán cây cho mát, vì thói quen từ thời làng xã ngày xưa chưa có điện sáng hoặc đề phòng những lúc mất điện. Nhà xưa thường lợp ngói, bụi bặm từ mái có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Người làm ren thường phải chăng tấm vải hay nilon che bụi cẩn thận, ngồi dưới gốc cây cũng phải chăng miếng vải ngăn chặn côn trùng, quả sâu, lá rụng rơi xuống tấm hàng. Nếu nhỡ tay làm hỏng nhiều khi phải đền bù tính đến dễ bằng cả tạ thóc.

Người làng thuần nông từng có lời “tị” hoặc “chê bôi” người làng Bình Đà tham công tiếc việc, hết làm pháo lại làm ren, rồi cấy hái, xen canh thì chơi vào dịp nào, tiền để đâu cho hết, rằng người Bình Đà đảm thế thì làng ngoài chẳng dám gả con về đấy… Lời chê ấy cũng là khen và mong được như người làng tôi.

Đầu tiên phải kể đến mối liên quan của 2 nghề này: Đó là, cả 2 nghề đều yêu cầu tỉ mẩn, công phu và chính xác. Người Bình Đà từ già trẻ, đàn ông đàn bà đều có đức tính ấy. Đến ngụ cư ở đất này dần dà còn biết nghề pháo nữa là người làng. Thế nhưng, pháo có vụ, Giêng Hai cấy hái xong chẳng nhẽ chơi, thế nên nhiều nhà quay sang làm ren luôn. Làm ren không có vụ nhưng đều việc quanh năm. Đôi khi hàng gấp thì còn phải chong đèn làm.

Làm ren thật sự là một nghề đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, công phu. Từ lược theo mẫu đã phải chuẩn thì mới mong có cái khung mà mạng theo. Mạng dày, mạng thưa có lẽ là dễ nhất trong các loại trên tấm ren, còn bô đê hay đánh bọ thì phải tay thợ có nghề.

Trẻ con ngay từ bé, nhất là những bé gái tầm 6 – 8 tuổi đã được mẹ hay bà dạy nghề. Thời ấy để xin được một tấm mẫu ren rất khó, nên các bà, các mẹ thường lấy tấm mẫu cũ hay giấy xi măng xin vẽ theo mẫu để dạy con. Bọn trẻ chăm và rất cố gắng để nhanh chóng được làm vào tấm hàng như người lớn.

Trẻ con theo người lớn làm, có khi sau 2 vụ hè đã biết việc, học hết cấp 1 đã mạng thạo. Cô gái nào theo học lên cấp 3 thì có vẻ nhãng việc hơn, vì bận học, bố mẹ không ép. Nhà nào eo hẹp tiền nong thì các cô gái thường phải cố làm thêm sau giờ học để dành dụm chi tiêu cho mình hay đóng tiền học thêm. Còn các cô mà không theo học lên cấp 3 thì không lâu sau đã thành tay thiện nghệ, rút ren nhanh thoăn thoắt. Vừa có tiền góp biếu bố mẹ lại vừa có tiền làm vốn riêng, các cô gái này thường rất “đắt chồng”.

Nghề ren ở làng Bình Đà phát triển suốt mấy mươi năm, có thể nói đủ để 3-4 thế hệ thạo việc và góp phần làm nên danh tiếng của làng một thuở. Sản phẩm nghề ren Bình Đà không chỉ tỏa đi các vùng trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Ngoài sản phẩm cao cấp để xuất khẩu thì còn có loại bình dân hơn sau này có thể kể đến như chỉ Cầu Bầu, làm bằng loại chỉ bóng. Khi nghề pháo mất, nghề ren cũng phần nào giúp các hộ có việc làm, có thu nhập, đỡ hụt hẫng.

Nhưng rồi, vì nhiều lý do, trong đó có lý do đứt gãy nguồn xuất khẩu, nguồn đặt hàng, việc kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuận lợi hơn nên người làng dần dà bỏ nghề ren. Thêm nữa, mức độ đô thị hóa nhanh, trẻ con trong làng đã theo học các cấp không còn bỏ học khi hết cấp 1, cấp 2 như xưa. Các thế hệ sau có nhiều cơ hội học lên cao thoát ly, kiếm việc làm có lương, có bảo hiểm, khiến nghề của làng mất dần thế hệ tiếp nối.

Những người thợ già còn làm nghề thì mắt cũng đã kém, hàng không còn chạy như những làng nghề chuyên nghiệp đang đà phát triển trên địa bàn khác trong huyện, trong vùng. Từng đó lý do khiến nghề ren của làng nay chỉ còn dĩ vãng. Ký ức đó là câu chuyện về cái đê đồng mua của bà hàng xén chợ làng đã được người thợ dùng mòn vẹt. Không có cái đê này đố mà bô đê được, đầu ngón tay đẩy trôn kim có mà thủng tay, máu chảy. Nhưng khó nhất thì vẫn phải là khâu chằng bọ, đánh bọ, khâu này phải thợ cao tay mới làm được. Nhiều người già đời làm ren mà đánh bọ vẫn xấu… Đến nay, nếu có kể lại câu chuyện ấy, may chăng chỉ có người trung niên mới hiểu chứ thế hệ trẻ nào biết được rằng chỉ với những tấm ren nhỏ to ấy, bà chúng đã chắt chiu xây được nhà cho bố lấy vợ, mẹ chúng đã có tiền ăn học để chúng trở thành con nhà thoát ly như hôm nay…

Thi thoảng, khi tôi thấy 1 tấm ren cũ, được mua từ châu Âu bày ở nhà bạn hay đâu đó, chợt nghĩ biết đâu nó đã từng được sinh ra từ những người làm ren làng tôi mấy mươi năm trước../.

Nguyễn Minh Hoa 

https://nguoihanoi.vn/nho-nghe-ren-o-lang-binh-da-xua-74709.html