Những ”bảo mẫu” ở Vườn thú Hà Nội

– Là nơi bảo tồn, nuôi dưỡng hàng trăm cá thể động vật quý hiếm phục vụ nhân dân Thủ đô, du khách đến vui chơi, tham quan, trung bình hằng năm, Vườn thú Hà Nội đón khoảng 2 triệu lượt khách. Để bảo đảm sức khỏe cho đàn động vật, việc chăm sóc, phòng, chống nóng, rét cũng như dịch bệnh luôn được đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội (Vườn thú Hà Nội) đặt lên hàng đầu. Có thể nói, những cán bộ, công nhân Vườn thú Hà Nội như những “bảo mẫu” luôn hết lòng với công việc.

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội đốt củi sưởi ấm cho đàn thú móng guốc khi nhiệt độ xuống thấp.

Coi như con mình

8h ngày 10-2, vừa thấy chị Trần Thị Ngọc (công nhân Tổ chăn nuôi thú dữ, Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển động vật số 1, Vườn thú Hà Nội) bước chân vào khu chăn nuôi, trưng bày thú dữ, hai chú hổ lớn đứng bật dậy, mừng rối rít. “Đây là Bống và Bi, được giải cứu trong vụ nuôi nhốt hổ tại tỉnh Nghệ An năm 2018 và đưa đến Vườn thú Hà Nội chăm sóc khi mới 4 tháng tuổi. Lúc đó chúng mới nặng khoảng 12kg, giờ đã lên 4 tuổi, nặng trên 100kg rồi. Chăm sóc và yêu thương chúng ngay từ nhỏ nên chúng cũng dành tình cảm đặc biệt cho mình. Sáng nào cũng vậy, chúng đứng hóng mình như trẻ hóng bố, mẹ về” – chị Ngọc tươi cười kể.

8h sáng hằng ngày cũng là giờ vào ca của hơn 80 cán bộ, công nhân Phòng Kỹ thuật, Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển động vật số 1, số 2, Vườn thú Hà Nội. Họ tỏa ra các khu chăn nuôi, trưng bày thú dữ (hổ, sư tử, báo, gấu), thú tạp (cầy, vượn, voọc, các loài khỉ, nhím, cá sấu…), thú móng guốc (hươu, nai, ngựa, hoẵng, linh dương,…), voi, hà mã, các loài chim…, tất bật công việc dọn dẹp rác thải, vệ sinh chuồng trại, sân bãi của khu chăn nuôi, với hơn 700 cá thể động vật đang được nuôi dưỡng, bảo tồn tại Vườn thú Hà Nội. Sau khi “nhà cửa” sạch sẽ, các công nhân lại tất tả đẩy các xe thùng đi “lĩnh” thức ăn (thịt, rau, củ, quả, cỏ…), rồi về cân đong, chia khẩu phần, theo dõi quá trình ăn uống, vận động của từng cá thể.

Gắn bó với công việc chăm sóc thú dữ tại Vườn thú Hà Nội từ năm 1996 đến nay, anh Nguyễn Quang Phúc, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi thú dữ chia sẻ: “Công việc không quá vất vả, nhưng để làm được cần sự can đảm, chịu khó, tận tâm và đặc biệt là cần dành sự quan tâm, yêu thương với động vật”. Quả vậy, bằng sự săn sóc, dành tình cảm cho đàn động vật được giao chăm sóc, anh Phúc, chị Ngọc, cũng như nhiều công nhân khác của Vườn thú Hà Nội coi đàn động vật như những đứa con của mình, hằng ngày chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, đến nỗi biết rõ “tính nết” của từng con thú. Chỉ cần quan sát các biểu hiện của thú qua ăn uống, tâm trạng, chất thải… là biết ngay “con” khỏe hay có triệu chứng bệnh để có biện pháp xử lý, điều trị kịp thời. “Hạnh phúc nhất là mỗi ngày thấy những “đứa con” mình nuôi đều phát triển mạnh khỏe” – anh Phúc nói.

Duy trì tốt sức khỏe đàn động vật

Trưởng phòng Kỹ thuật Vườn thú Hà Nội Phạm Đình Mạnh cho biết, để đàn động vật phát triển khỏe mạnh, bên cạnh việc vệ sinh, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng theo tập tính ăn của từng loài, hằng năm, Vườn thú còn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho toàn đàn động vật.

Theo đó, vào tháng 4 hằng năm, thú nuôi được tiêm vắc xin phòng, chống các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, suy giảm bạch cầu, viêm mũi, khí quản…); 2 lần/năm được tẩy giun, sán lá. Riêng loài thú móng guốc còn được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử do vi khuẩn yếm khí 2 lần/năm. Trong khi đó, các loài chim được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, đậu gà… Để bảo đảm thú nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, Vườn thú chú trọng tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, sân bãi. Ngoài ra, trong năm, Vườn thú Hà Nội còn bổ sung vitamin, canxi, chất khoáng nhằm tăng sức đề kháng cho toàn đàn động vật.

Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Vườn thú Hà Nội sẽ “kích hoạt” phương án chống nóng, chống rét cho đàn động vật. Theo ông Phạm Đình Mạnh, mùa hè, khi thời tiết nóng trên 36 độ C, đơn vị sử dụng quạt thổi hơi nước, cung cấp đủ nước sạch tại các bể nước tắm, nước uống; sử dụng đá cây để ở các cửa chuồng chống nóng cho thú dữ; tạo không gian thoáng mát tại các chuồng trại. Mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 17 độ C, đơn vị thực hiện che chắn, hạn chế gió lùa, sử dụng điều hòa nóng, đốt củi sưởi tại các chuồng nuôi voi, hà mã, hươu sao, nai, ngựa vằn, linh dương,…; sử dụng hệ thống sưởi điện đối với khu chăn nuôi thú dữ, một số chuồng thú tạp nhằm giữ ấm, chống rét cho đàn động vật.

Chính sự công phu trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân đã giúp các cá thể động vật tại Vườn thú Hà Nội, trong đó có nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Nhờ đó, Vườn thú Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người dân Thủ đô cũng như du khách gần xa. Riêng 6 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nơi đây đã đón 45.860 lượt khách…

DẠ KHÁNH
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/826225/nhung-bao-mau-o-vuon-thu-ha-noi