Những bữa cơm từ tâm

Xuất phát từ tình thương và mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhóm từ thiện “Cơm nhân ái” đã hỗ trợ lương thực thực phẩm cho người vô gia cư, lao động nghèo xa quê, bệnh nhân tại Bệnh viện K (cơ sở 1) suốt 10 năm qua.

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhóm đã phát quà 2 ngày/ lần tại 2 địa điểm ở quận Hoàn Kiếm là số 14B Báo Khánh (phường Hàng Trống) và số 10 Phạm Ngũ Lão (phường Phan Chu Trinh). Gần đây, cứ 2 lần/ tuần nhóm lại mang những suất quà tặng đội ngũ y, bác sĩ và bệnh nhân đang cách ly ở Bệnh viện Thanh Nhàn.
Nhóm từ thiện “Cơm nhân ái” cùng những suất quà tặng đội ngũ y, bác sĩ và bệnh nhân đang cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Có bao nhiêu giúp bấy nhiêu

Những người dân sống ở gần khu vực 14B Báo Khánh và số 10 Phạm Ngũ Lão không xa lạ với cảnh bà con xếp hàng nhận gạo và thực phẩm của nhóm từ thiện “Cơm nhân ái”. Đến địa điểm này, từ xa chúng tôi đã thấy dòng chữ “Nếu khó khăn trong mùa dịch xin tặng bạn một phần quà. Nếu bạn khá bình ổn trong cuộc sống xin hãy nhường lại cho người kém may mắn hơn”. Người xếp hàng ở đây đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Như bà Nguyễn Thị Vân (88 tuổi, quê ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) thường ngày nhặt ve chai bán được khoảng 10 – 20 nghìn đồng, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, lại già yếu nên khoản thu nhập ít ỏi này gần đây bấp bênh hơn. Hay ông Nguyễn Văn Cường (65 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc) trước làm phụ hồ, gần đây công việc gặp khó khăn hơn do dịch bệnh, ông xoay xở đủ kiểu như nhặt ve chai hay mò ốc ven sông Hồng mà vẫn không đủ sống… “Cơm nhân ái” thực sự là “cứu tinh” giúp họ vượt qua những ngày khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Cát Lệ (42 tuổi), trưởng nhóm từ thiện “Cơm nhân ái” cho biết, cuộc sống của những người vô gia cư, người lao động nghèo xa quê bình thường đã rất khó khăn, nay dịch bệnh kéo dài, mọi hoạt động làm ăn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cuộc sống của họ càng khốn đốn hơn. Đợt dịch này, đối tượng nhận hỗ trợ cũng nhiều hơn, trong đó có cả những lao động làm nghề chạy “xe ôm”, xích lô… “Nói là nhóm chứ thật ra toàn bố mẹ hai bên, các chị ruột, bạn thân, tổng cộng khoảng 20 người. Chúng tôi gọi là nhóm từ thiện gia đình, mỗi người một tay, một chân. Bố mẹ chồng tôi nhận nhiệm vụ 4h sáng đi chợ mua thực phẩm, bố mẹ đẻ thì nhận thực phẩm về cùng chúng tôi nấu nướng, chế biến, sau khi hoàn thành thì cùng nhau đóng gói và chia cho mọi người. Nếu có nhiều gia đình như chúng tôi cùng làm thì những người khó khăn trong lúc này sẽ có thêm cơ hội được nhận trợ giúp. Dịch bệnh có thể kéo dài, muốn duy trì hoạt động này lâu hơn thì cần huy động nhiều người. Chúng tôi quan niệm là có bao nhiêu sẽ giúp bấy nhiêu”, chị Lệ chia sẻ.

Hạnh phúc khi được sẻ chia

Công việc hằng ngày của chị Lệ là kinh doanh miến lươn, mỳ vằn thắn, bánh cuốn, bún thang… Trong đợt dịch này, công việc kinh doanh của chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Để có tiền làm từ thiện, gần đây chị bán thêm hoa quả online nhưng công việc này mất nhiều thời gian mà lãi cũng không đáng kể. Thế nhưng, hễ nghe thấy ở đâu cần giúp đỡ là chị cùng những người thân lại cùng nhau tham gia hỗ trợ. Gần đây, một khu vực của Bệnh viện Thanh Nhàn bị phong tỏa, chị Lệ đã quyết định cùng nhóm tặng 200 suất ăn vào trưa thứ tư và 90 suất ăn vào chiều thứ sáu hằng tuần. Không chỉ hoạt động trên địa bàn Thủ đô, nhóm còn có nhiều hoạt động khác như xây trường và xây nhà tình nghĩa ở vùng sâu, vùng xa (hiện đang xây dựng trường học ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An); đào giếng nước cho bà con vùng đặc biệt khó khăn (đến nay có 4 giếng đã hoàn thành ở xã Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị); hỗ trợ bà con khó khăn ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và khu vực miền Tây Nam Bộ… Với các thành viên của nhóm, làm từ thiện mang lại cho họ niềm vui được sẻ chia.

Ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của nhóm “Cơm nhân ái”, chị Bùi Thị Hồng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, đây là việc làm hết sức thiết thực, ý nghĩa, thắp lên ngọn lửa yêu thương, là nguồn động viên tiếp thêm sức mạnh cho các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu và những người bệnh đang gồng mình chống dịch Covid-19. “Dưới tiết trời nắng nóng “Cơm nhân ái” vẫn đều đặn 1 tuần 2 lần mang đồ ăn đến bệnh viện khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Hơn nữa, đồ ăn của họ rất ngon. Khi được thưởng thức, mọi người thường hỏi tôi: Đồ ăn ở đâu mà ngon thế? Em chưa được ăn món ngon như thế này bao giờ… Để có được những món ngon như vậy các bác đã phải dậy sớm đi chợ để chọn những thực phẩm tươi ngon. Phải nói rằng, trong lúc khó khăn như thế này, chỉ một suất cơm cũng khiến người được nhận ấm lòng, thấy cách ly nhưng không cách lòng”, chị Hồng nhấn mạnh.

Hà Linh / nguoihanoi.com.vn