Những cán bộ “nhiều vai”

Tại Hà Nội, những năm qua, việc triển khai thực hiện chủ trương Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố, hoặc Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng ban công tác Mặt trận, thông qua quy trình nhân sự “Dân tin – Đảng cử” đã phát huy hiệu quả. Theo đó, đã có nhiều hiệu quả từ sự đổi mới về tư duy, thống nhất trong hành động của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, thể hiện niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngay từ cơ sở.

Yêu cầu từ thực tiễn

Ở khu dân cư, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản, khu phố, Trưởng ban công tác Mặt trận là những người gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của các cấp ủy đảng, chính quyền. Những năm qua, việc những cán bộ ở cơ sở đóng “nhiều vai” đã và đang phát huy được hiệu quả, nâng cao năng lực, vai trò, tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết ở địa phương.

Những năm qua, thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội” và Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23/11/2018 về “Thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII)”, trên địa bàn Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai.

Khi Đảng gần dân - Kỳ 1: Những cán bộ “nhiều vai”
Ở khu dân cư, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản, khu phố, Trưởng ban công tác Mặt trận là những người gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Theo Kế hoạch số 109-KH/TU, Thành ủy Hà Nội phấn đấu khắc phục tình trạng thôn, Tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng trong năm 2019; đồng thời phấn đấu đến năm 2023, có từ 95% Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố trở lên là đảng viên và ít nhất 50% thôn, Tổ dân phố thực hiện mô hình Bí thư Chi bộ thôn, Tổ dân phố đồng thời là Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố.

Thành phố cũng đã rà soát sắp xếp các thôn, Tổ dân phố theo quy định gắn với hoàn thiện hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư đồng bộ theo mô hình của Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.

Thực tế cho thấy việc nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận đã giúp tinh gọn bộ máy, giảm được các chức danh bán chuyên trách ở cơ sở và công việc tập trung tại một đầu mối dễ cho việc triển khai, thực hiện. Nhờ lựa chọn được những người có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, năng động, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với nhiệm vụ và có uy tín cao trong nhân dân nên đã phát huy được hiệu quả công tác.

Hiệu quả được khẳng định

Được “Dân tin, Đảng cử”, đã nhiều năm nay, bà Vũ Thị Thanh Bình đảm nhiệm vai trò là Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 11 kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 27 (phường Láng Thượng, quận Đống Đa). Để làm tròn vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố ở địa bàn dân cư có yêu cầu cao về tình hình chính trị, phát triển thương mại dịch vụ, theo bà Bình, phải thật sự là người của Đảng, của dân, là trung tâm đoàn kết.

“Những công việc ở cơ sở thì đa hình, đa dạng, không kể giờ giấc, bất cứ lúc nào việc đến là phải giải quyết. Người dân tin tưởng mình lên thì mình phải đáp lại lòng tin giải quyết thỏa đáng việc của dân. Không để xảy ra những vướng mắc giữa hàng xóm với nhau rồi giữa khu dân cư này với khu dân cư khác. Từ khi tôi làm đến nay là chưa có một vấn đề gì cấp trên phê bình. Nói chung công việc giải quyết ổn thỏa”, bà Vũ Thị Thanh Bình cho biết.

Khi Đảng gần dân - Kỳ 1: Những cán bộ “nhiều vai”
Để làm tròn vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố ở địa bàn dân cư có yêu cầu cao về tình hình chính trị, phát triển thương mại dịch vụ, theo bà Bình, phải thật sự là người của Đảng, của dân, là trung tâm đoàn kết.

Trong đó, bà Bình đặc biệt quan tâm tới triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bà tập trung tuyên truyền, vận động bà con khu dân cư giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tuyến đường xanh – sạch, tạo nếp sống văn minh, không gian sạch đẹp.

Từ nhiều năm nay, vào mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, bà Vũ Thị Thanh Bình thường cùng các cán bộ khu dân cư tới từng gia đình vận động nhân dân quét dọn ngõ, phố, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay, phong trào vệ sinh môi trường đã lan tỏa sâu rộng, trở thành nền nếp trong khu dân cư, ngày càng nhiều người dân tự giác dọn vệ sinh hằng ngày quanh nhà, quanh ngõ, phố nơi mình sinh sống.

Trước thực tế một số hộ kinh doanh hàng ăn đun nấu bằng bếp than tổ ong, gây ô nhiễm môi trường, nhiều năm trước, bà Bình tích cực tuyên truyền, vận động, chỉ rõ tác hại của việc sử dụng loại bếp này. Đến nay, việc đun nấu bằng bếp than tổ ong tại địa bàn cơ bản chấm dứt.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh, bà Bình cùng các đoàn thể của khu dân cư đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng, sửa sang lại Nhà văn hóa. Nhiều năm trước, Khu dân cư 11 đã có Nhà văn hóa song xuống cấp, không thuận tiện cho hoạt động của người dân, các đoàn thể…

Nhận thấy việc cải tạo, sửa chữa Nhà văn hóa là nhu cầu bức thiết của nhân dân, bà Bình đã bàn với cấp ủy, cán bộ khu dân cư, thống nhất chủ trương, sau đó vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn đóng góp được hơn 200 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp và mua sắm thiết bị cho Nhà văn hóa. Sau một thời gian sửa chữa, giữa năm 2017, Nhà văn hóa Khu dân cư 11 với diện tích gần 100m2 đã hoàn thành, hệ thống trang thiết bị cũng được đầu tư, giúp người dân có nơi sinh hoạt ổn định, tạo sự đoàn kết, gắn bó.

Khi Đảng gần dân - Kỳ 1: Những cán bộ “nhiều vai”
Việc xây dựng nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường sạch, đẹp luôn được người dân Khu dân cư 11 phường Láng Thượng chú trọng.

Tương tự, tại Tổ dân phố số 7 (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), những năm qua, ông Quách Ngọc Phong làm Bí thư Chi bộ, sau này, thực hiện Đề án 06 của Thành ủy Hà Nội về việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội, ông kiêm thêm chức danh Trưởng ban công tác Mặt trận của Tổ dân phố.

Bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường, ông Phong đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Ban công tác Mặt trận với 9 thành viên tích cực cùng các ban, ngành tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận các cấp phát động.

Tổ dân phố số 7 phường Phú Thượng có 300 hộ gia đình, 1.200 nhân khẩu. Địa bàn không có hộ nghèo, cận nghèo, không có tệ nạn xã hội, bà con sống đoàn kết tình cảm là điều kiện thuận lợi cho Ban công tác Mặt trận trong việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thấm nhuần phương châm: “Người cán bộ Mặt trận phải óc nghĩ, tai nghe, mắt trông, chân đi, miệng nói tay làm”, ông Phong luôn có mặt ở từng ngõ phố để nắm tình hình nhân dân. Sâu sát với bà con nên Tổ dân phố số 7 đã thành công khi tuyên truyền, vận động nhân dân đóng các loại quỹ được trên 50 triệu đồng; đóng góp gần 30 triệu đồng cho tổ dân phố mua âm ly loa đài, 19 triệu đồng tôn tạo sân chơi, mua 3 máy thể thao ngoài trời, làm 6 cổng chào văn hóa tại các ngõ; xây dựng thành công 3 tuyến ngõ văn minh đô thị, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Tổ dân phố số 7 có 99,9% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 100% đám tang thực hiện hỏa táng… Ban công tác Mặt trận khu dân cư cùng tổ hòa giải đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, kết hợp với tổ dân vận vận động bà con tham gia các mô hình dân vận khéo, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân.

 

Kim Tiến

Khi Đảng gần dân – Kỳ 1: Những cán bộ “nhiều vai” (laodongthudo.vn)