Những chuyển biến tích cực trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đầu năm

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm hay đốt hình nhân thế mạng, năm nay nhiều đền, chùa ở thành phố Hà Nội thay đổi bằng hình thức cầu an…

Để không còn những hủ tục

Ngày 30/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024. Thực hiện công điện, nhiều đền, chùa trên địa bàn Hà Nội đã nói “không” với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tràn lan, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Ghi nhận tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) chiều ngày 22/2, nhà chùa thông báo chỉ làm lễ cầu an, cầu tài lộc đầu năm. Nhiều người dân hỏi về hình thức cúng dâng sao giải hạn bằng hình nhân thế mạng thì nhận được câu trả lời là nhà chùa chỉ thực hiện nghi lễ cầu an. Người dân đến lễ cũng thực hiện nghiêm việc không hóa vàng mã, giữ gìn sự tôn nghiêm chốn linh thiêng.

Hạn chế những biến tướng trong hoạt động tín ngưỡng đầu năm
Chùa Phúc Khánh thông báo chỉ làm lễ cầu an… đầu năm.

Bà Lê Thị Lương (quận Cầu Giấy), người dân đến lễ tại đây cho biết, bà rất đồng tình với việc bỏ dâng sao giải hạn, cúng hình nhân thế mạng, vừa lãng phí tiền của, vừa là hủ tục lạc hậu. “Lễ hội cầu an đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Lễ cầu an giúp cho người dân năm mới thoải mái về tư tưởng, yên tâm làm việc công tác. Tôi hi vọng rằng, các nhà chùa đảm bảo an ninh trật tự trong khi làm lễ, đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm”, bà Lương bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, sư thầy Thích Minh Đức – người phụ trách các công việc tại chùa Phúc Khánh cho biết, hàng năm, đến Tết Nguyên tiêu, chùa Phúc Khánh thường cử hành khóa lễ cầu an cả năm cho tất cả các gia đình, cũng như cầu nguyện cho quốc thái dân an.

“Năm nay, nhà chùa vẫn làm lễ cầu an, bắt đầu từ tối ngày mùng 6 tháng Giêng đến trước rằm tháng Giêng, cử hành nghi thức lễ cầu an cho tất cả các gia đình có nguyện vọng để đăng ký. Kể cả các gia đình có hỏi về vấn đề lễ “giải sao” thì nhà chùa cũng hướng dẫn rằng, trong tháng Giêng sẽ làm lễ cầu bình an cho tất cả phật tử, tụng kinh niệm phật, hồi hướng cho tất cả được bình an. Chùa Phúc Khánh cũng không đốt vàng mã, không giải tiền xu…”, sư thầy Thích Minh Đức chia sẻ.

Hạn chế những biến tướng trong hoạt động tín ngưỡng đầu năm
Người dân đến lễ tại chùa Phúc Khánh thực hiện nghiêm việc không hóa vàng mã, giữ gìn sự tôn nghiêm chốn linh thiêng.

Cũng theo sư thầy Thích Minh Đức, trên thực tế, có rất nhiều phật tử khi đến chùa cũng quen với cách gọi về việc cúng “sao giải hạn”. Bởi theo sư thầy, hiện nay là thời đại công nghệ 4.0, mọi người mở mạng ra là thấy năm nay là sao này, sao khác nên cũng tâm lý lo lắng, đến chùa với mong muốn “giải hạn”.

Nhà chùa cũng cố gắng giải thích cho phật tử về việc dù là sao gì thì cũng là cầu bình an. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số bác phật tử khi đến hỗ trợ chùa trong các hoạt động cũng chưa hiểu hết được, do vậy có lúc còn trả lời sai ý nhà chùa đã đưa ra.

“Vừa qua, nhà chùa cũng đã quán triệt với tất cả tăng ni, phật tử trong chùa nhằm đảm bảo thực hiện các nghi thức, tín ngưỡng đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật. Đồng thời, để đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, nhà chùa cũng đã bố trí lượng phật tử đến cầu an vừa với khuôn viên”, sư thầy Thích Minh Đức cho biết.

Nhà chùa cũng đã có thông bạch công khai về các chương trình lễ hội cầu an Xuân Giáp Thìn. Khắc phục tình trạng hàng vạn người đổ về trong một ngày như trước năm 2019, nhà chùa cũng đã chia nhỏ lễ vào các ngày từ mùng 6 tháng Giêng cho đến 14 tháng Giêng. Mỗi ngày cầu an cho khoảng 2.000 – 3.000 người, không tập trung vào một ngày như trước đây, nhằm đảm bảo an ninh trật tự.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bà Vũ Mai Khanh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) cho biết, trong những năm qua, các hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán thực sự đã có sự điều chỉnh, thay đổi rất lớn. Trước khi có Công điện số 11/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quận Đống Đa cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phường có đình, chùa, đền, cơ sở tôn giáo đều phải có chỉ đạo, định hướng hoạt động lễ hội làm sao đảm bảo an toàn, tuyệt đối không có hoạt động mê tín dị đoan.

Các cấp chính quyền từ quận, phường đều đã thể hiện rõ quan điểm và có những động thái, triển khai các phương án, giúp các nhà chùa cũng như quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về vấn đề này. Đặc biệt, UBND phường Thịnh Quang đã yêu cầu các tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân không đốt vàng mã, đồng thời tiến hành rà soát các cơ sở thờ tự.

Trong đó, chùa Phúc Khánh là nơi được người dân đến xin lộc đầu năm đông, được phường đặc biệt quan tâm, chú trọng tuyên truyền, vận động. Đến nay, chùa Phúc Khánh chỉ làm lễ cầu an, dâng sớ cho các tăng, ni, phật tử, chứ không dâng sao giải hạn, đốt hình nhân thế mạng…

Hạn chế những biến tướng trong hoạt động tín ngưỡng đầu năm
Lễ cầu an giúp cho người dân năm mới thoải mái về tư tưởng, yên tâm làm việc, công tác.

“Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng trong các ngày lễ tại chùa Phúc Khánh dịp đầu năm 2024, UBND phường đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ cụ thể. UBND phường đã yêu cầu nhà chùa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động tôn giáo, nghiêm cấm việc phát hành, tuyên truyền các loại hình văn hóa phẩm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không được cấp phép và các hoạt động mê tín dị đoan. Phường cũng phối hợp với chùa Phúc Khánh tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, khách thập phương khi tham gia các buổi lễ nâng cao tinh thần tự giác, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự”, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang nhấn mạnh.

Được biết, trước đó, tại cuộc kiểm tra công tác tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại chùa Phúc Khánh, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã đề nghị chùa Phúc Khánh tổ chức lễ cầu an và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa căn cứ số lượng tín đồ, phật tử, du khách thập phương đăng ký lễ tại chùa để sắp xếp, bố trí các khóa lễ phù hợp trong khuôn viên chùa; tổ chức các khóa lễ đầu năm bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo; phối hợp với chính quyền 2 phường (Thịnh Quang, Ngã Tư Sở) và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh, trật tự công cộng, giao thông, vệ sinh môi trường đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của nhà nước, văn bản chỉ đạo của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phật tử tích cực thực hiện nội dung chỉ đạo Công điện số 11/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 6/12/2023 của Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 15/1/2024 của UBND Thành phố về việc Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024; hướng dẫn của Ban Tôn giáo Thành phố tại văn bản số 20/BTG-NV2 ngày 16/1/2024 về triển khai công tác quản lý đối với hoạt động tôn giáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội tôn giáo năm 2024; văn bản số 207/UBND-NV ngày 25/1/2024 của UBND quận về việc triển khai công tác quản lý đối với hoạt động tôn giáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội tôn giáo năm 2024 trên địa bàn quận Đống Đa…

Có thể thấy, thời gian qua, với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp đầu xuân đã dần trở nên lành mạnh, an toàn và tiết kiệm hơn. Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì các giải pháp trên để bảo đảm nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp rằm tháng Giêng và lễ hội sau Tết…

K.Tiến