Những cung đường khang trang, hiện đại, giúp giao thông Hà Nội thông thuận, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế. Ảnh: Giang Nam |
Một nỗi khổ khác là người làng trồng cây hay nuôi con gì đều khó bán. Làng có bãi sông, đất phù sa tươi tốt nên trồng cây gì cũng lên mơn mởn. Thế nhưng, cũng chính cung đường gập ghềnh ấy khiến lối mưu sinh của người làng trở nên khó khăn. Khoai, ngô, sắn bố mẹ tôi trồng ra chẳng mấy khi thương lái đến thu mua được. Trong xóm, nhà ai có con gà hay đôi lợn đến kỳ xuất chuồng, dù “đánh tiếng” khắp nơi nhưng mãi thương lái mới đến. Đến nơi họ cũng cố hạ tận nửa giá, vì tất thảy phải tính vào công vận chuyển khó khăn. Sự vô lý đến ngậm ngùi ấy xuất phát từ chuyện đường đi lối lại.
Thế rồi, làng tôi hợp nhất về Hà Nội. Bộ mặt làng quê ngoại thành như được “thay áo mới”. Điều dễ nhận diện trước tiên là mạng lưới giao thông nông thôn rộng mở. Quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, liên thôn giăng mắc ngang dọc. Lòng đường được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, tu bổ tinh tươm. Nhiều trục huyết mạch thênh thang, phẳng phiu, xe bon bon vun vút.
Đường xá thông thuận, người làng tôi nuôi trồng nông sản xuất bán đều dễ dàng. Kinh tế trong làng, ngoài xã vì thế mà cũng phát triển, nhà cao tầng đua nhau mọc san sát. Nhìn làng thay đổi, tôi chợt nhiệm ra rằng, giao thông là mạch máu của nền kinh tế; muốn kinh tế phát triển thì điều cốt yếu phải đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó giao thông phải được đầu tư xây dựng.
Đường thênh thang, rộng lớn, mở ra không gian cho sự phát triển, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch giàu – nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đường mở tới đâu, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển tới đó. Câu nói cửa miệng “đường đi đến đâu thì người dân, địa phương nơi đó phát triển” có lẽ đúng với làng tôi và nhiều làng quê khác.
2. Những ngày giáp Tết, tôi tham gia sự kiện khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La – Xuân Mai. Khỏi phải nói tôi cũng nhận thấy niềm vui của những người dân huyện Chương Mỹ về một tương lai sáng, với cung đường rộng mở đã và đang ngày một đến gần. Chứng kiến lễ khởi công, ông Trần Công Nam (66 tuổi) vui vẻ bảo với tôi, chỉ ít thời gian nữa không gian đi lại trên đường sẽ tốt hơn. Đường xá thông thuận, việc giao lưu hàng hóa cũng vì thế mà dễ dàng.
Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội, nó còn là tuyến đường cắt với Quốc lộ 21B, đường mòn Hồ Chí Minh (Quốc lộ 21A); song song nhưng kết nối chặt chẽ với Đại lộ Thăng Long, tạo nên một vòng cung đi tránh khu vực trung tâm, phân giải áp lực giao thông cho nội đô Hà Nội.
Vai trò của đoạn tuyến Quốc lộ 6 là cực kỳ quan trọng với khu vực Tây – Nam Hà Nội. Tuy nhiên, lòng đường hiện trạng của đoạn tuyến mới chỉ đủ chỗ cho hai làn ô tô ngược chiều, xe máy, xe đạp phải luồn lách tìm kẽ hở lưu thông; vỉa hè trên tuyến không đồng bộ. Cùng đó, mặt đường đã xuống cấp nặng nề trên nhiều đoạn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời làm chậm sự phát triển của các địa phương dọc tuyến đường.
Vì thế, dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Đồng thời, tuyến đường sẽ tăng cường liên kết, giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và nước bạn Lào.
Việc đầu tư xây dựng, cải tạo Quốc lộ 6 chỉ là một trong số ít các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Hà Nội. Thực tế, trong những năm qua, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông. Các công trình kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
3. Xác định giao thông mở tới đâu thì cơ hội khơi thông hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ, kinh tế – xã hội sẽ phát triển tới đó, do vậy, việc ưu tiên, kêu gọi đầu tư nguồn lực cho hạ tầng giao thông là giải pháp hàng đầu. Hà Nội hiện đang triển khai quy hoạch 7 tuyến đường Vành đai, trong đó 5 tuyến Vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến Vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).
Nhìn từ trục Vành đai 4 đang được Hà Nội quyết liệt triển khai có thể thấy, khi trục giao thông này được hiện thực hóa sẽ góp phần mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất phía Tây Hà Nội; phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh; góp phần hoàn thiện hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô, kết nối xuyên suốt đến 10 địa phương phía Bắc. Đây cũng là động lực cho sự hình thành các đô thị vệ tinh, kéo cư dân từ nội đô ra các khu vực xung quanh, giúp giảm áp lực cho lõi đô thị.
Mùa Xuân này, đi trên những cung đường mới, tôi càng thêm tin tưởng, tự hào vào sự phát triển của Thủ đô. Thời gian tới, Hà Nội sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều cung đường tiếp tục được mở mới, tạo nền tảng để Thành phố phát triển giàu đẹp, hiện đại. |