Không nghỉ ngơi giữa thời bình
Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện có nhiều tấm gương cựu chiến binh vượt khó, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương. Điển hình trong số đó phải kể tới cựu chiến binh – bệnh binh Vũ Xuân Chuyền ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất). Ông Chuyền cho biết, năm 2008, ông hoàn thành công tác trong quân đội trở về địa phương. Là người con của quê hương có nghề sản xuất đồ gỗ, ông Chuyền bắt nhịp lại với nghề truyền thống từ những công đoạn đầu tiên và dần dần mở được xưởng sản xuất mộc dân dụng. Bằng sự chăm chỉ và quyết tâm, đến nay, cơ sở của ông Chuyền đã phát triển, thường xuyên có 30-50 lao động là người dân địa phương, với mức lương trung bình 7-10 triệu đồng/người/tháng.
“Hằng năm, xưởng gỗ của tôi cũng đóng góp cho hoạt động từ thiện 50-100 triệu đồng, với nhiều phần quà tặng các hộ nghèo, các thương, bệnh binh, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn và quỹ phòng, chống Covid-19”, ông Chuyền chia sẻ.
Nhắc đến cựu chiến binh Lê Văn Hảo, không người dân nào trong xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) không biết đến những đóng góp của ông cho quê hương, tạo việc làm cho con em cựu chiến binh trên địa bàn huyện. Ông Hảo sinh năm 1950, tham gia quân ngũ, công tác tại Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), sau đó chuyển sang ngành Thủy lợi và đến năm 2010 thì về hưu. Về địa phương, ông Hảo cùng gia đình thành lập Công ty Đầu tư xây dựng công trình Hoàng Tiến. Ông Hảo cho biết: “Với quy mô hoạt động dần được mở rộng, hiện doanh nghiệp của tôi tiếp nhận và tạo việc làm cho 120 người lao động. Trong đó, đa phần là con em các cựu chiến binh, người dân trên địa bàn xã Tô Hiệu và huyện Thường Tín, với thu nhập từ 6,5 triệu đồng đến 11 triệu đồng/người/tháng”.
Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, cựu chiến binh Lê Văn Hảo còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… Hằng năm, ông Hảo đều trích ra số tiền 200-400 triệu đồng để ủng hộ các hoạt động này.
Một cựu nữ thanh niên xung phong vẫn “xông pha” trong thời bình, làm kinh tế giỏi là bà Bạch Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mỗ Lao (phường Mộ Lao, quận Hà Đông). Nhờ sự nhạy bén trong công việc, bà Lan đã điều hành hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, bảo đảm đời sống ổn định cho hơn 700 người lao động. “Trong năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác xã đã trích 200 triệu đồng để hỗ trợ các xã viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời duy trì đều đặn các hoạt động từ thiện khác”, bà Lan cho hay.
Nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hiệp cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có nhiều cựu chiến binh gương mẫu, vượt qua trở ngại bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế vững mạnh, giúp nhiều người có việc làm, góp phần làm giàu quê hương.
Ngoài những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong kể trên, phải nói đến tấm gương cựu chiến binh Doãn Văn Chắt (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) với mô hình kinh doanh xăng dầu; cựu chiến binh Trương Văn Dần (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) với trang trại chăn nuôi gà… “Các cựu chiến binh đã, đang có những đóng góp công sức không nhỏ cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô hôm nay”, ông Nguyễn Văn Hiệp nói.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Lê Như Đức cho biết, hiện trên địa bàn Thủ đô có hơn 270.000 cựu chiến binh tham gia vào các hoạt động của hội. Trong 5 năm qua, Hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, giúp hơn 38.000 hộ được giải quyết vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Qua đó, có nhiều hội viên phát triển sản xuất quy mô lớn, làm giàu cho quê hương. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cựu chiến binh đã tham gia vào lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương; gương mẫu, tích cực trong việc ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19, quỹ vắc xin, góp phần ngăn chặn dịch bệnh… Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức hiệu quả phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” để lan tỏa hơn nữa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đi qua chiến tranh, những cựu chiến binh đã chiến đấu, hy sinh hết mình. Trong thời bình, họ tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp công sức, tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Đây là những tấm gương đáng trân quý đối với cộng đồng trong cuộc sống hôm nay.