Thương binh Lê Văn Huệ vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế. Ảnh: Kim Tiến |
Trong những năm qua, mặc dù thương tật, nhưng ông Huệ và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cách đây hơn 30 năm, vợ chồng ông Huệ nhận đất, nhận rừng lên Hòa Thạch kiếm kế sinh nhai. Ông Huệ chia sẻ: Những ngày đầu mới bắt tay vào công việc, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên chúng tôi trồng chè phục vụ cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên sau đó, cây chè không còn mang lại nguồn lợi kinh tế nữa, chúng tôi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và nuôi gà đẻ, gà thịt”.
Có thời điểm, gia đình ông Huệ nuôi tới 6.500 gà đẻ trứng và trồng nhiều loại cây ăn quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thậm chí, có thời điểm nuôi, trồng hiệu quả, thu nhập lên tới 600 triệu đồng/năm. Bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế, ông Huệ cũng tham gia công tác ở thôn với vị trí Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã thôn Long Phú. Ông Huệ thường xuyên cùng cán bộ thôn đi học tập các mô hình kinh tế mới, cách nuôi trồng hiệu quả để truyền đạt lại cho bà con nông dân. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống…
Với cựu chiến binh Trần Đắc Vân (ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ), trong những năm qua, ông vẫn không ngừng vươn lên, chiến thắng hoàn cảnh bệnh tật để làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương. Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, Campuchia, trong quá trình làm nhiệm vụ, ông Vân bị thương ở chân và ở đầu, dẫn đến suy giảm khả năng lao động 81%. Song với bản chất người lính Cụ Hồ, sống và lao động là vinh quang, nên ngày trở về quê hương với sự năng động, nhạy bén, ông Vân đã mạnh dạn lựa chọn mô hình sản xuất chăn nuôi thủy sản để vực kinh tế gia đình đi lên. Ông Vân chia sẻ: “Ngày đó, những dịp đi thăm bạn bè, tôi thấy họ có nhiều mô hình nuôi cá hay quá nên cảm thấy thích thú và tìm hiểu. Điều quan trọng, với việc làm kinh tế theo hướng chăn nuôi thủy sản sẽ phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi. Vậy nên, tôi quyết liều một phen”.
Năm 2001, ông Vân được Ủy ban nhân dân xã Ngọc Hòa tạo điều kiện, giao thầu đầm cá tại khu vực đầm Cầu. Ông Vân đã cùng với gia đình bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm với diện tích gần 5ha. Nhờ ham học hỏi và tính cẩn thận, mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp của gia đình ông Vân dần phát triển vượt trội và trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi tiêu biểu trên địa bàn xã. Hiện tại khu đầm của gia đình ông đang nuôi thả nhiều loại cá như: Trắm, chép, trôi, rô phi, cá chim… Kết hợp với đó là 2 khu chăn nuôi vịt và ngan mỗi lứa với gần 5.000 con. Mỗi năm, cùng với nguồn thu từ vịt và ngan đã mang lại cho gia đình doanh thu gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và khoảng 10 lao động thời vụ. Hiện nay, gia đình ông đã có một cơ ngơi khang trang bề thế, các con đều trưởng thành và có công việc ổn định.
Phát huy phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ”, phát huy tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính trở về quê hương họ vẫn miệt mài tham gia công tác ở địa phương, nhiều người còn tự làm kinh tế vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. |
Tương tự, là một người chiến sĩ từng có nhiều năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam ác liệt, nhà giáo Nguyễn Chí Dũng (nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học – Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cũng thường xuyên nhớ lại những kí ức của một thời rực lửa với nhiều hy sinh nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Với bản lĩnh “thương binh tàn nhưng không phế”, khi hòa bình lập lại, nhà giáo Nguyễn Chí Dũng đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và khi hết tuổi công tác về sinh hoạt tại khu dân cư, đồng chí luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình…
Ngoài những cựu chiến binh kể trên, còn rất nhiều tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục làm giàu, đẹp cho quê hương, đất nước. Có thể kể đến, cựu chiến binh Doãn Văn Chắt (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) với mô hình kinh doanh xăng dầu; cựu chiến binh Trương Văn Dần (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) với mô hình trang trại chăn nuôi gà… Các cựu chiến binh đã, đang có những đóng góp công sức không nhỏ cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô hôm nay. Đặc biệt, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh luôn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng như: Trực chốt phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm trật tự đô thị… Qua đó, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thành phố Hà Nội hiện có hàng chục nghìn cựu chiến binh. Trong chiến tranh, họ là những người xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người bị thương, trở thành thương, bệnh binh, không ít người dù không bị thương nhưng lại bị nhiễm chất độc hóa học… Thế nhưng, thương tật do chiến tranh để lại vẫn không làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho quê hương của những người lính khi xưa. Họ xứng đáng là điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng trong đời thường…
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, cùng với các hoạt động thăm hỏi, tri ân thân nhân các gia đình liệt sĩ là các hoạt động tôn vinh đóng góp của các thương binh cho bản thân, gia đình và xã hội, thực hiện lời dạy của Bác đối với thương binh: “Tàn nhưng không phế”. Hình ảnh những người lính cụ Hồ vốn đã đẹp, nay lại đẹp hơn khi mang đến những tấm lòng đáng trân trọng, đồng hành sát cánh cùng người dân./.