Mặc dù thuộc hai loại hình khác nhau (văn học và nhiếp ảnh) nhưng cả hai đề cử này đều mang những giá trị lịch sử, tư liệu, nghệ thuật và thấm đậm tình yêu Hà Nội.
Hàng Bột và những hồi ức chất chứa bao thương nhớ
Gắn bó với phố Hàng Bột từ những ngày thơ bé, với tác giả Hồ Công Thiết, con phố này tuy nhỏ nhưng mang đủ đầy nét đặc trưng của Hà Nội, từ yếu tố lịch sử, địa lý, con người đều như một Hà Nội thu nhỏ được chắt lọc mà nên. Và trong “Hà Nội chuyện chuyện “tầm phào” mà nhớ” (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành năm 2023) tác giả đã đưa bạn đọc khám phá một Hà Nội thu nhỏ ấy qua những những hồi ức chất chứa bao thương nhớ.
Men theo dọc vỉa hè, từng cửa ngõ đến tận từng hiên nhà ở phố Hàng Bột từ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến thời bao cấp, ngòi bút ông tái hiện lại vô vàn những câu chuyện độc đáo và thú vị về đời sống bình dân thời ấy. Có những gánh gồng mưu sinh đã một thời trở thành nét văn hóa đặc thù đất Kẻ Chợ. Có những món ăn, thức uống đặc biệt đến độ vài chục năm sau vẫn còn đọng lại cả mùi lẫn vị trong ký ức con người.
Sống động hơn cả là ký ức về những trò chơi xưa của trẻ con phố Hàng Bột. Tất cả được tác giả lưu giữ bằng hai chữ “tầm phào” – như cách ông vẫn gọi vui về những câu chuyện vụn vặt thời thơ ấu của mình. Nhưng chính những “tầm phào” ấy nhưng lại là hồn cốt của đời sống Hà Nội, là thứ khiến người ta nhớ nhất trong dòng chảy sinh hoạt thời bao cấp.
Lật giở cuốn sách, dễ dàng có thể lấy ra như một ví dụ đặc trưng cho đời sống Hà Nội một thời: thế hệ người lớn tuổi luôn kỹ càng, trau chuốt trong cách làm nghề và tinh tế nhưng hào sảng trong cách sống; lớp thanh niên xông xáo, thức thời đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm với bao gánh nghề lập nghiệp và mưu sinh; đến cả lớp con trẻ hồn nhiên, tinh nghịch trong những trò chơi dân gian, trò chơi tập thể giản dị nhưng có sức hút dữ dội.
Qua chất văn tỉ mỉ của tác giả Hồ Công Thiết, phố Hàng Bột hiện lên chân thực đến độ tưởng như sờ được, nếm được và hòa mình vào được cái bầu không khí đương thời. Từ món ăn, cách nấu đến nghề sửa xe, làm thủy tinh, tưởng như ông chính là “kẻ đa tài” đã từng kinh qua hết các ngón nghề trên hè phố Hàng Bột ấy mà gom nhặt được kiến thức sát sao như vậy. Ông kể lại những câu chuyện tản mạn, nhưng trong mỗi câu chuyện đều có độ nén rất cao về văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán và cả góc nhìn, cảm xúc của con người.
Bao quát hơn, tập sách cho bạn đọc có một hình dung toàn diện về cơ cấu xã hội – đời sống của một con phố ở Hà Nội. Đó là lối kiến trúc đặc trưng với vỉa hè rộng kéo theo không gian tích hợp sinh hoạt và buôn bán tạo nên trăm nghề mưu sinh phong phú. Những khu nhà tập thể kiểu cũ luôn nhộn nhịp bầu không khí nghĩa tình gần gũi, thân thiết. Tất cả được toát lên từ những mẩu chuyện be bé, vu vơ từ ký ức của một tâm hồn đã yêu con phố này đến mê man từng nóc nhà, say sưa từng ngõ hẻm.
Tác giả Hồ Công Thiết từng là cầu thủ bóng đá của đội Công an Hà Nội và Phó giám đốc Công ty Thương mại và Lữ hành Bắc Sơn. Ông là “cây bút” lão thành xuất hiện thường xuyên trên các báo, từng có các tác phẩm đã xuất bản: “Kim Sơn – Điệp viên lãng tử”, “Tản mạn Bóng đá Hà thành”, “Chuyện người Hà Nội” – tập 1, 2, 3 (đồng tác giả), “Thăng Long văn Việt” (đồng tác giả), “Chuyện làng quê” – tập 1 (đồng tác giả). Cuốn sách “Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” là tác phẩm cuối đời của tác giả Hồ Công Thiết.
Tại lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, anh Hồ Minh Tuấn xúc động khi nhắc tới cuốn sách cuối cùng của bố mình: “Những ngày cuối cùng, bố tôi vẫn thường hỏi: Sách in xong chưa?”. Câu hỏi của bố khiến cho tôi cảm nhận được những tâm huyết, những chất chứa trong lòng bố về con phố Hàng Bột. Rất tiếc là sau 35 ngày bố tôi mất, cuốn sách mới xuất bản. Cuốn sách mà bố để lại thực sự là những tâm tư, tình cảm đặc biệt dành cho con phố Hàng Bột, nơi bố tôi sinh ra, lớn lên nói riêng, cũng như thể hiện tình yêu dành cho Hà Nội nói chung”.
Theo nhận xét của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, những câu chuyện mà tác giả khiêm tốn cho là “tầm phào” ở quanh ông trên phố Hàng Bột chính là một phần của lịch sử, văn hóa Hà Nội. Càng nhiều những ký ức như thế được ghi lại thì bức tranh lịch sử văn hóa và tâm hồn người Hà Nội sẽ hiện lên càng rõ nét. Cuốn sách dù không đồ sộ nhưng chứa đựng một chiều kích sâu rộng về văn hóa – đời sống – con người ở phố Hàng Bột qua góc nhìn mộc mạc, bình dị đầy bất ngờ của tác giả. Đấy cũng là lý do mà tác phẩm này được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn trao giải.
Cảm xúc về một Hà Nội vắt qua 2 thế kỷ
William Crawford sinh năm 1949 là một trong những nhiếp ảnh gia phương Tây đầu tiên đến Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh và quay trở lại rất nhiều lần sau đó. Đều đặn trong ba thập kỷ từ năm 1985, ông đã chụp ảnh Thủ đô Hà Nội, tập trung vào kiến trúc thuộc địa và bản địa, các chi tiết đô thị, cảnh quan và chân dung thân mật của người dân trong không gian nhà riêng, trên đường phố và khu vực nông thôn rìa thành phố.
Cuốn sách ảnh về Hà Nội có tên “Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting” (Hà Nội 1985 – 2015: Những năm tháng bị lãng quên) cũng chính là minh chứng rõ nét cho sự gắn kết và tình yêu với Hà Nội của William Crawford trong suốt chặng đường 30 năm. Cuốn sách tổng hợp những bức ảnh màu đầy gợi mở kèm bài hồi ký của chính tác giả về trải nghiệm và con người nơi đây, đưa tới góc nhìn trực quan về sự phát triển của thành phố và cư dân, đặc biệt là khu vực với bề dày lịch sử mang tên 36 phố phường. Cách đây không lâu (từ 26/4 – 20/5/2023) một triển lãm cùng tên với cuốn sách của ông cũng đã được tổ chức tại không gian Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội trong khuôn khổ của Biennale Nhiếp ảnh Quốc tế Photo Hanoi’23.
Triển lãm Hà Nội 1985 – 2015, những năm tháng bị lãng quên giới thiệu tới công chúng 18 bức ảnh đường phố được William Crawford chụp trong khoảng thời gian từ 1985 đến 2015. Mỗi bức ảnh tựa như một cuốn nhật ký của dòng chảy thời gian, cho thấy quá trình đổi thay của đất nước từ một nền kinh tế bao cấp với hàng hóa và dịch vụ hạn chế, vươn lên thành một trong những nền kinh tế thành công nhất ở Đông Nam Á. Và đặc biệt, những khoảnh khắc bình dị về cuộc sống đời thường Hà Nội như: quầy bán báo trên phố Hàng Bông, quán nước trên phố Lý Thái Tổ, quán ăn nhỏ trên phố Mã Mây, rồi góc phố Hàng Dầu, Tạ Hiện, Hàng Gai… được William Crawford ghi lại đã góp phần tái hiện lại hình ảnh Hà Nội một thời.
“Tôi tin tôi là nhiếp ảnh gia đầu tiên, cho dù là phương Tây hay Việt Nam, chụp ảnh Hà Nội qua các thời kỳ như một nghiên cứu và ghi chép”, William Crawford từng chia sẻ. Với ông, Hà Nội là mối quan tâm đặc biệt, ông muốn ghi lại những gì diễn ra trong nội tại của thành phố. Dẫu nhận ra sự quyến rũ của Hà Nội cũng đã vơi đi phần nào theo năm tháng và trước sự chuyển động của xã hội nhưng ông vẫn bày tỏ tình yêu Hà Nội theo cách của mình.
Anh Crawford Junior – con trai của nhiếp ảnh gia William Crawford, người đã rất tâm huyết giúp bố thực hiện triển lãm “Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting” cho hay cha mình luôn cảm thấy rất vinh dự được chào đón ở Hà Nội và tham gia vào hành trình nghệ thuật luôn tiếp diễn ở nơi đây. Đó là lý do tại sao giải thưởng Bùi Xuân Phái có ý nghĩa đặc biệt lớn đối với gia đình anh./.
Thụy Phương
Những hồi ức và khoảnh khắc thấm đậm tình yêu Hà Nội (nguoihanoi.vn)