Sông Cái (sông Hồng ngày nay) và sông Đà được xem là Thủy tổ (một trong Tam tổ, bên cạnh Địa tổ là Phú Thọ, Sơn tổ là núi Ba Vì) trong tâm thức dân gian Việt Nam, vì thế trên hai con sông này diễn ra nhiều lễ hội. Và cũng chỉ có không gian rộng lớn của hai dòng sông này mới chứa hết nội dung của lễ hội.
Một trong những lễ hội cổ xưa là Lễ hội đình làng Chèm (hay Trèm, nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm). Lễ hội tổ chức trên sông Hồng không phải vì làng nằm ở bên sông mà xuất xứ từ truyền thuyết. Theo đó, đoạn sông Hồng chảy qua làng có con giải rất to và hung dữ. Vào mùa nước lũ, nó bơi từ bờ này sang bờ kia, bơi dọc xuống phía nam rồi lại lộn lên phía bắc làm đắm thuyền rồi ăn thịt người. Mẹ của Lý Ông Trọng bị con giải nuốt vào bụng. Hay tin, Lý Ông Trọng đã bơi thuyền ngược xuôi trên khúc sông tìm kiếm và ông đã chém chết con giải để cứu mẹ. Lý Ông Trọng là người anh hùng huyền thoại, ông theo An Dương Vương đánh giặc, sau đó được vua cử sang nước Tần (Trung Quốc) giúp Tần Thủy Hoàng đánh giặc Hung Nô. Ông được dân làng tôn làm thành hoàng và thờ trong đình. Nhà sử học Trần Quốc Vượng cho rằng, cùng với các truyền thuyết ở hồ Tây, truyền thuyết Lý Ông Trọng chém con giải đã sinh ra “tâm thức Hà Nội”.
Lễ hội đình làng Chèm diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Năm, tức là bắt đầu mùa mưa lũ và nước sông Hồng đã dâng cao. Trai ba làng gồm Chèm, Hoàng và Mạc chèo ba chiếc thuyền từ đình Chèm ngược lên làng Mạc (nay là phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) lại quay xuống bến Móc (chân cầu Long Biên ngày nay), khi bờ này, thoắt bên bờ kia. Có lúc, thuyền quay tròn trên sông ba vòng, tái hiện cảnh giao tranh với con giải. Sau khi “chém” được con giải, họ lấy nước sông rước về đình. Lễ hội Chèm mô tả truyền thuyết sinh ra “tâm thức Thăng Long – Hà Nội”, con người muốn tồn tại phát triển phải chiến đấu chống lại thế lực siêu nhiên, ngoại xâm.
Một lễ hội cũng liên quan đến sông diễn ra ở làng Khê Thượng thuộc xã Sơn Đà (huyện Ba Vì). Xưa, nơi đây từng là trung tâm của huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Hằng năm, từ ngày mùng 3 – 7 tháng Giêng, làng mở hội tưởng nhớ Tản Viên Sơn Thánh, người anh hùng truyền thuyết đã đánh bại Thủy Tinh, đại diện cho thế lực siêu nhiên gây mưa gió, bão lụt khủng khiếp hằng năm phá hoại mùa màng.
Phần lễ bắt đầu từ 30 Tết, ngày cuối cùng của năm với ý nghĩa tiễn đưa Ngài qua sông Đà về núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) để lễ tết bố vợ là Hùng Vương. Tối 30, sau khi lễ tại đình, các chức sắc, bô lão cùng dân làng tề tựu tại bến đò làm lễ tiễn, gọi là “trò tiễn chúa Trai”. Người lái đò mặc quần áo màu đỏ, lặng lẽ chèo chiếc đò không người từ bến Khê Thượng sang bến đò Bợ (hoặc Bộ, xã Thạch Đồng, huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phúc). Người được làng giao nhiệm vụ chèo đò phải trai giới trước đó một tuần. Con đò không người tượng trưng cho Thánh và quân sĩ hộ tống Ngài, vì thế, đò phải qua sông ba lần. Sau đó, dân làng trở về nhà chuẩn bị cơm cúng và đón giao thừa. Chiều mùng 2 Tết, người làng đã chuẩn bị kiệu, cờ trống, hương án bái vọng Ngài ở núi Nghĩa Lĩnh rồi tổ chức rước Ngài về.
Sáng mùng 3, cả làng Khê Thượng tưng bừng không khí hội với nhiều trò chơi ở sân đình như chọi gà, đấu vật, cờ tướng, tổ tôm, hát chèo. Trò đặc biệt nhất là đấu vật được gọi là đấu vật thờ Thánh, nhằm khuyến khích tinh thần thượng võ, đồng thời nhắc lại sự kiện Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh nhờ sức mạnh và lòng dũng cảm. Tinh thần thượng võ của làng Khê Thượng còn được thể hiện ở tục “Chém may” diễn ra vào ngày cuối hội (mùng 7 Tết), một tục lệ vô cùng độc đáo của riêng Khê Thượng.
Một lễ hội khác có lễ rước kiệu qua sông – con sông được xem là long mạch của kinh đô Thăng Long – là lễ hội chùa Láng (nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa). Xưa, lễ hội diễn ra trong nhiều ngày, chính hội là ngày 7 tháng Ba nhưng không phải năm nào cũng có lễ rước Thánh qua sông Tô Lịch mà tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mới tổ chức. Tham gia không chỉ có dân làng Láng mà còn có dân các làng xung quanh vì khi mở hội có tục rước bậc được xem là Tăng – Phật – Vua Từ Đạo Hạnh từ chùa Láng sang thăm mẹ ở chùa Hoa Lăng (nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) và thăm cha ở làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Lệ rước không đi trên cầu vì kiêng cha Từ Đạo Hạnh bị chết trôi sông nên trai tráng rước kiệu phải lội qua sông Tô Lịch, tại vị trí cuối làng An Hòa (nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Nơi đỡ kiệu chuyển từ sông lên bờ là ngõ Đỗ.
Theo truyền thuyết, đạo sĩ Từ Vinh, cha của Từ Đạo Hạnh bị pháp sư Đại Điên làng Dịch Vọng Tiền dùng pháp thuật chém rồi thả trôi sông Tô Lịch. Vợ đạo sĩ là Tăng Thị Loan bỏ đi tu ở chùa làng Thượng Yên Quyết (nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) nhưng lẩn tránh trong ngôi chùa Hoa Lăng giữa cánh đồng làng Dịch Vọng Tiền. Lớn lên, Từ Đạo Hạnh đi tu ở chùa Thầy (huyện Quốc Oai) học được pháp thuật đã dùng cây gậy thả trôi ngược sông Tô Lịch, nhân pháp sư Đại Điên ra cửa xem mà vụt chết để báo thù cho cha. Nay ở xóm Quan Hoa, làng An Hòa còn địa danh ngõ Vụt. Về sau, Từ Đạo Hạnh lại dùng phép đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu (em ruột vua Lý Thánh Tông), sau trở thành vua Lý Thần Tông.
Chùa Láng được xây dựng từ đời vua Lý Anh Tông thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Ngôi chùa cổ này tên chữ là Chiêu Thiên tự. Hậu cung có tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây sơn bên ngoài. Trong truyền thuyết có nói đến pháp thuật của Từ Đạo Hạnh tức là ảnh hưởng của Đạo giáo vào Việt Nam. Lễ hội chùa Láng cũng gián tiếp đề cao lòng dung chấp những tư tưởng khác biệt, do vậy đạo Phật, đạo Giáo và Nho giáo cùng tồn tại, như các nhà nghiên cứu gọi là “tam giáo đồng nguyên”. Đây cũng là lễ hội của tinh thần đoàn kết lòng tôn kính tiền nhân, người có công với làng nước và mang đậm màu sắc đời sống cư dân nông nghiệp.
Ngoài lễ hội gắn với truyền thuyết, Hà Nội còn có lễ hội liên quan đến gắn kết tình thân. Làng Phú Mỹ (nay thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) thờ Ả Lã Nàng Đê, một nữ tướng của Hai Bà Trưng, còn làng Kiều Mai (nay thuộc phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) thờ chàng Quốc là em ruột của Ả Lã. Hai làng này nằm hai bên sông Nhuệ. Vào ngày 10 tháng Hai hằng năm, hai làng có lễ rước giao hảo. Xưa không có cầu, đám rước phải lội qua sông. Vì sông Nhuệ đoạn chảy qua hai làng hẹp và vào tháng Hai, nước sông cạn nên đám rước dễ dàng lội qua.
Từ lâu, lễ rước qua sông Nhuệ trong Lễ hội làng Phú Mỹ và Kiều Mai đã không còn. May mắn là các lễ hội dân gian ở đình Chèm, Khê Thượng và chùa Láng vẫn giữ được hồn cốt xưa, vật chất hóa “tâm thức Hà Nội” và là tài sản quý trong kho tàng văn hóa Hà Nội.
Nguyễn Vũ Thủy Tiên