Những miền quê khoác áo mới

 Đến với những vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, người ta có thể cảm nhận được sự “thay da đổi thịt”, sắc màu mới đến từ những tuyến đường hoa muôn màu khoe sắc, những con đường, công trình phúc lợi khang trang, sạch đẹp… Cuộc sống đổi thay theo hướng tươi đẹp hơn, người nông dân càng thêm gắn bó với quê hương, thêm yêu mảnh đất của mình.

Muôn sắc hoa vùng ngoại ô

Trên những con đường dẫn vào các thôn trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) đều được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai trồng những tuyến đường hoa, trong đó thôn Lỗ Giao là thôn được Hội chọn làm điểm.

Về thôn Lỗ Giao, đi qua con đường dài gần 1.400m (từ Cầu Sen về đầu làng thôn Lỗ Giao) hai hàng hoa ven đường đã lên xanh tốt, đua nhau khoe sắc với màu tím của hoa dạ yến thảo, màu cam, vàng, đỏ của hoa ngũ sắc, hoa dâm bụt, hoa sam, hoa cúc…

Từ ngày có con đường hoa, khung cảnh làng quê nơi đây được điểm tô thêm nét mới. Nhiều người đi qua, thấy đường hoa đẹp, tranh thủ chụp ảnh, với người dân trong thôn nhất là các cụ già và trẻ nhỏ ai nấy đều vui vẻ, tự hào.

Những miền quê khoác áo mới
Đường hoa đem đến diện mạo mới xanh – sạch – đẹp cho vùng quê nông thôn. (Ảnh: N.Hoa)

Bà Nguyễn Thị Hồng, người dân thôn Lỗ Giao vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi chứng kiến những thay đổi của quê hương. Đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch, đẹp, chưa bao giờ thôn Lỗ Giao chúng tôi có con đường hoa đẹp như thế này”.

Chia sẻ về kết quả triển khai thực hiện các hoạt động vì môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, cụ thể là mô hình đường hoa tại thôn Lỗ Giao, bà Quang Thị Ngà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng cho biết: “Nhận thức sâu sắc hiệu quả của việc xây dựng tuyến đường hoa tại địa phương, với phương châm “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp, sạch điểm sinh hoạt cộng đồng, sạch đồng ruộng…” dù bận rộn với công việc nhưng cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Lỗ Giao vẫn tích cực tham gia nhổ cỏ, chăm sóc hoa, biến những vạt cỏ dại thành đường hoa rực rỡ sắc màu. Sau 5 năm triển khai thực hiện, đường hoa nơi đây đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ tại xã Việt Hùng mà rộng khắp các thôn, xã trên địa bàn huyện Đông Anh”.

Diện mạo những con đường ở xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức) như được khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ sắc màu, theo cảm nhận của nhiều người dân nơi đây, từ khi có đường hoa họ thấy yêu xóm làng hơn, đường về nhà sau một ngày lao động mệt mỏi dường như ngắn hơn nhiều.

Bà Đinh Thị Hương chia sẻ: “Từ khi các cấp chính quyền chung tay vận động người dân tham gia trồng và chăm sóc những đường hoa thì tôi thấy mọi người có ý thức bảo vệ môi trường hơn, vui hơn là tình trạng vứt rác bừa bãi đã chấm dứt. Người dân có ý thức hơn trong việc dọn dẹp vệ sinh, biết nhắc nhở nhau chăm chút cảnh quan, môi trường sống.Đặc biệt, nhiều nơi người dân tự nguyện bỏ công sức, kinh phí để nhân rộng phong trào trồng hoa, những con đường hoa đã góp phần xóa bỏ các điểm tập kết rác”.

Rời các xã Việt Hùng (huyện Đông Anh), xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), đi dọc các tuyến đường của các địa phương khác cũng có phương châm “thêm một bông hoa, bớt một túi rác”. Cùng với việc trồng hoa, người dân nơi đây thường duy trì nề nếp dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào những ngày cố định trong tháng gắn với việc nhặt cỏ, chăm sóc đường hoa. Hoạt động tập thể lành mạnh, tô điểm cho nét đẹp văn minh đã được các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân ủng hộ, qua đó tạo môi trường sống trong lành, giúp tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết, gắn bó.

Đoàn kết xây dựng đổi mới quê hương

Không chỉ là những câu chuyện người dân các xóm, làng chung tay chăm sóc những đường hoa rực sắc màu mà nơi đây còn có những người nông dân tiên phong hiến đất làm đường. Đáng trân quý là bởi với những người nông dân ở làng quê, mảnh vườn, thước đất, hàng rào cây xanh là thứ tài sản gắn bó với mỗi gia đình, nên ai cũng yêu quý. Thế nhưng, để bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp hơn, các gia đình đều tự nguyện hiến đất để làm đường, những hộ không có đất nằm ở trục chính thì đóng góp tiền, ngày công để tham gia xây dựng đường.

Đó là câu chuyện của gia đình ông Bùi Việt Hà, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đã tháo dỡ 200m tường bao, hiến đất để đầu tư mở rộng đường giao thông nông thôn, xây mới hệ thống tiêu thoát nước của địa phương. Sau khi gia đình ông Hà tháo dỡ tường bao, hiến đất, rất nhiều hộ trong thôn đã làm theo. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 20 hộ dân trong xóm đã tham gia hiến đất, tháo dỡ tường bao, các gia đình trong xóm cũng đồng lòng đóng góp tiền để xây lại tường bao cho các gia đình đã tháo dỡ, hiến đất để mở rộng đường…

Những miền quê khoác áo mới
Cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, xanh – sạch – đẹp.

Thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) có 290 hộ, trên 1.200 người thì có tới 2/3 là người dân tộc thiểu số (Mường, Dao), tuy nhiên khi những chủ trương lớn từ cấp Thành phố, cấp huyện được đưa xuống đều nhanh chóng được người dân đồng thuận. Tại Cua Chu khi mở rộng hoặc bê tông hóa đường nội đồng, liên thôn, liên xã gần như không phải giải tỏa. Thay vào đó, người dân đều tự nguyện hiến đất làm đường. Từ những con đường đất chỉ rộng 2m, đường thôn Cua Chu nay đã rộng 3-4m, trải bê tông rộng rãi, sạch đẹp.

Tại thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), khoảng những năm 2012 – 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thôn được Nhà nước đầu tư bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Ban lãnh đạo thôn tổ chức nhiều cuộc họp, mời các gia đình trong thôn tới tham dự để giải thích, tháo gỡ băn khoăn, động viên bà con cùng chung tay xây dựng thôn xóm mình khang trang hơn.

Nhận thấy chủ trương đúng đắn, trong quá trình làm đường từ nam thanh niên đến các cụ già trên 70 tuổi cũng hào hứng giúp việc, người đẩy xe gạch, người tham gia giám sát công trình. Nhờ vậy, chỉ sau ít ngày thi công, toàn bộ các trục đường ở Đoài Khê đều hoàn thành bê tông hóa, trở thành thôn đầu tiên của xã Đan Phượng hoàn thành chỉnh trang, xây dựng đường giao thông nông thôn.

Đó chỉ là một vài con số về việc người dân đã hiến đất, xây dựng đường giao thông nông thôn. Những “con số biết nói” đó phần nào cho thấy người dân đã không tiếc đất đai của gia đình, cha ông để lại hiến cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, kiến thiết quê hương trên địa bàn. Những câu chuyện trên đã cho thấy sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, tự giác và tiên phong tham gia các phong trào dựng xây quê hương của người dân. Tinh thần đó đã góp phần cổ vũ toàn dân thi đua xây dựng nông thôn đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội.

Không chỉ là những câu chuyện người dân các xóm, làng chung tay chăm sóc những đường hoa rực sắc màu mà nơi đây còn có những người nông dân tiên phong hiến đất làm đường. Đáng trân quý là bởi với những người nông dân ở làng quê, mảnh vườn, thước đất, hàng rào cây xanh là thứ tài sản gắn bó với mỗi gia đình, nên ai cũng yêu quý. Thế nhưng, để bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp hơn, các gia đình đều tự nguyện hiến đất để làm đường, những hộ không có đất nằm ở trục chính thì đóng góp tiền, ngày công để tham gia xây dựng đường.

Nguyễn Hoa

Những miền quê khoác áo mới (laodongthudo.vn)