Những người “níu giữ” mùa Xuân

Mùa Xuân về luôn đem lại niềm hân hoan cho mỗi người con đất Việt nói chung và những người thợ thủ công nói riêng. Vào dịp này, nhu cầu về hàng hóa tăng cao, nhất là đối với các mặt hàng thủ công mĩ nghệ gắn liền với phong tục, tập quán quê hương. Thợ thủ công chính là những người “giữ lửa” làng nghề, đón đợi Tết trong sự náo nức.

Rộn ràng vụ Xuân

Những ngày cuối năm, làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) càng trở nên bận rộn vì lượng hàng hóa phải trả cho khách tăng cao gấp nhiều lần. Hiện nay, cả xã Sơn Đồng còn hơn 400 hộ giữ nghề, với khoảng 4.000 lao động làm nghề thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân.

Sự tài năng của nghệ nhân còn được thể hiện qua việc khách đặt hàng có thể mong muốn làm bất cứ pho tượng thờ nào mà không cần mẫu có sẵn. Để làm được những điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.

Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau bao ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ là tiếng thơm, không chỉ vang danh khắp mọi miền mà còn vang xa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng không chỉ phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…

Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Thạch – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, khi bắt tay vào công việc, người thợ Sơn Đồng luôn có đức tin về cõi thiện, thành kính hướng Phật, hay hiểu xa hơn đó chính là tinh thần trách nhiệm của người làm nghề gìn giữ và phát huy nghề của ông cha. Tuy trong quá trình chế tác có những nét chung, nhưng mỗi người nghệ nhân lại có bí quyết riêng để sản phẩm có những sắc thái độc đáo.

Làng nghề Sơn Đồng có từ lâu đời nên các nghệ nhân nơi đây cũng trải qua nhiều thế hệ và ngày nay chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, con em trong làng. Không những chỉ kế thừa truyền thống cha ông để lại, các lớp thợ trẻ ngày nay không ngừng mày mò, sáng tạo, đổi mới sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng…

Những năm gần đây, nhiều lớp thanh niên của làng nghề Sơn Đồng đã đến các thành phố lớn để mở xưởng, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm điêu khắc, mỹ nghệ của làng nghề. Qua đó giúp cho thương hiệu đồ thờ, tượng gỗ, sản phẩm mỹ nghệ của Sơn Đồng vốn đã nổi tiếng nay còn được nhiều người biết đến hơn, đồng thời góp phần phục dựng và bảo tồn rất nhiều công trình văn hóa tâm linh trên khắp mọi miền Tổ quốc…

Làng Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, có nghề làm hương nổi tiếng cũng rộn ràng hơn mỗi khi Tết đến, Xuân về. Quảng Phú Cầu lưu giữ nghề làm hương đã hơn một thế kỷ, nhộn nhịp suốt năm nhưng sôi động hơn cả là vào những ngày cận Tết.

Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên dừng chân tại khu vực cổng làng, bạn đã có thể cảm nhận nhịp sống tất bật, hối hả của người dân nơi đây. Men theo những con đường mòn quanh co dẫn vào làng, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe, thô sơ hay hiện đại cũng đều có, lần lượt nối đuôi nhau vận chuyển những bó hương đem đi bán khắp nơi.

Với một sản phẩm truyền thống mang cả yếu tố tâm linh, những người làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn tỉ mỉ, kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Vầu dùng làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được những người thợ tuyển chọn, sàng lọc kỹ càng. Hương của làng nghề Quảng Phú Cầu không lẫn vào đâu – thơm lâu, bền màu, đẹp mắt bởi người làm nghề có bí quyết riêng trong việc pha chế các nguyên liệu thảo mộc.

Trong một nén hương có 20 – 36 vị thảo mộc xay và trộn đều, tạo mùi hương khác nhau tùy bí quyết từng cơ sở, tùy từng loại hương để người làm nghề lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Hơn một thế kỷ, từ nghề phụ để tận dụng thời gian lúc nông nhàn, giờ đây làm hương đã trở thành nghề chính, mang lại thu nhập cao cho hầu hết các hộ dân nơi đây.

Nhắc đến những làng nghề, không thể không nhắc đến làng bánh chưng Tranh Khúc mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nằm cách trung tâm Thành phố khoảng hơn 20km, bánh chưng ở Tranh Khúc nổi tiếng với màu sắc đặc trưng, hương vị thơm, hấp dẫn mà bí quyết chỉ có người trong làng mới biết, người ngoài khó mà “học lỏm” được.

Thôn Tranh Khúc có 252 hộ dân thì gần 200 hộ có nghề làm bánh chưng. Trong năm, bánh chưng được gói vào những ngày 13, 14 và 29, 30 Âm lịch để người dân cúng ngày Rằm và mùng Một. Vào tháng Chạp thì ngày nào cũng hối hả, công suất tăng gấp hàng chục lần. Mới chớm bước vào làng, chúng ta sẽ ngửi thấy mùi đỗ xanh được đồ lên thơm phức, rồi đến cả không khí vui vẻ tiếng nói cười trong từng gia đình.

Ghé vào một gia đình trong làng Tranh Khúc, được chứng kiến đầy đủ các công đoạn gói bánh, mới thấy sự chuyên nghiệp trong từng công đoạn. Thông thường mỗi lô bánh có ít nhất 6 – 7 người cùng làm: 2 người gói bánh, 2 người nắm đỗ, 1 người vo gạo, đồ đỗ, luộc bánh, 1 người róc lá dong, 1 người buộc lạt.

Tuy mỗi người một công việc như vậy nhưng ai cũng biết gói một cái bánh chưng hoàn chỉnh, chỉ là việc chia nhỏ công việc ra như vậy sẽ tiện và nhanh hơn. Chính vì vậy chuyện mỗi ngày, mỗi nhà làm hàng nghìn chiếc bánh chưng không hiếm. Mỗi khi Tết đến, xe chở nguyên liệu làm bánh, người ra vào mua bán liên tục, làng Tranh Khúc thêm nhộn nhịp, đầy sức sống.

Chất lượng, thương hiệu vươn lên theo năm tháng, bánh chưng Tranh Khúc chinh phục được thực khách trong và ngoài nước. Chả vậy mà mỗi dịp Tết Nguyên đán, làng nghề đã đưa ra thị trường từ 1,6 đến 2 triệu chiếc bánh chưng. Làm ăn khấm khá, người dân càng thêm gắn bó với nghề truyền thống ông cha để lại.

Nỗ lực thích ứng

Vài năm trở lại đây, do bước đầu kết hợp truyền thống với công nghệ hiện đại, sản phẩm của làng nghề đã tinh xảo, năng suất lao động được nâng cao. Các công đoạn sản xuất vốn sử dụng lao động trước đây như xay nghiền bột ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; khoan, bào, cưa, xẻ ở làng nghề chế biến lâm sản; kéo bễ quạt lò ở các làng nghề cơ kim khí, nghiền trộn đất ở làng nghề gốm… nay đã thay thế bằng máy móc cơ khí, năng suất lao động được nâng cao.

Mặc dù có một số công đoạn được sử dụng bằng máy móc thiết bị song đối với ngành nghề thủ công truyền thống như: gốm sứ, mây tre đan, làm nón, gỗ mỹ nghệ, công đoạn sản xuất chính vẫn phải làm bằng tay, không thể áp dụng máy móc cơ giới toàn bộ cho quy trình sản xuất, vì vậy sản phẩm làng nghề vẫn giữ được nét độc đáo riêng.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, làng nghề Hà Nội cũng có nhiều khó khăn hạn chế. Mặc dù Chính phủ và Thành phố trong thời gian qua đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng thực tế có tới 80% các làng nghề, các chủ làng nghề không tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi đó.

Chính vì vậy, với bất cứ một làng nghề truyền thống, giữ được nghề trong cơn lốc đô thị hóa là vấn đề không đơn giản. Sự tồn tại và phát triển của mỗi làng nghề truyền thống đều phải xuất phát từ sự chuyển đổi mạnh mẽ để bắt nhịp với nhu cầu thị trường.

Theo ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Sơn Đồng, làm nghề trước mắt là từ cái tâm của mình. Chúng tôi luôn nhắc nhở những người làm nghề, dù tiền là quý nhưng chữ tín còn quý hơn rất nhiều. Bởi chữ tín phải xây dựng, đắp bồi trong rất nhiều năm và phải mất rất nhiều công sức, tâm huyết. Đó chính là đưa đến cho làng nghề sự phát triển bền vững.

“Chính quyền xã cũng đang tiếp tục đề nghị với các cấp để thực hiện dự án phát triển làng nghề truyền thống, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nhiều hơn nữa cho người dân địa phương. Đặc biệt, xã cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động cho các hộ sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP, chương trình mỗi xã một sản phẩm để thương hiệu làng nghề Sơn Đồng càng nổi tiếng hơn nữa”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Đồng chia sẻ.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất, Quảng Phú Cầu có 6 thôn đều là làng nghề, người dân nơi đây không chỉ bán hàng cho thương lái mà đã tìm đến các phương thức kinh doanh của thời đại công nghệ. Các cơ sở sản xuất đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh…

Nhiều sản phẩm đặc trưng của làng nghề như hương vòng, hương nén… đã được chứng nhận của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP ) hạng 3 sao, 4 sao và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Đặc biệt, nhằm phát huy giá trị sản phẩm mang đậm văn hóa tâm linh, bằng tư duy mới mẻ của người trẻ và để làng nghề phát triển theo xu hướng mới, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, nhiều thanh niên Quảng Phú Cầu đã mạnh dạn bàn với lớp người đi trước việc phát triển, quảng bá làng nghề truyền thống đến mọi người bằng việc gắn với du lịch, dịch vụ, đó là tạo ra những điểm check in, chụp ảnh tại làng nghề thông qua việc trang trí, bày biện, tạo không gian chụp ảnh đẹp, lạ, hấp dẫn với những bó chân hương nhiều màu sắc, rực rỡ, tạo hình bản đồ đất nước, hình sao…

Phát triển du lịch làng nghề đang là hướng đi mới được Quảng Phú Cầu xây dựng, không chỉ để quảng bá giới thiệu làng nghề mà còn giúp tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Qua đánh giá việc làm này đã thực sự thu hút du khách trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm…

Cũng nhờ cách tiếp cận mới, bên cạnh phát triển làng nghề người dân quan tâm hơn đến vấn đề môi trường. Hiện nay, một số cơ sở sản xuất tăm hương đã tích cực thu gom vật liệu thừa để ép, bán lại cho các cơ sở sản xuất than củi, một số ít hộ cũng đã đầu tư công nghệ sấy nguyên liệu bằng hơi nước…

Nguồn lực về làng nghề Hà Nội là rất lớn trên cả hai phương diện: Kinh tế và văn hóa, chính vì vậy, phát triển làng nghề, nghề truyền thống cũng là một chỉ tiêu được đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”.

Cùng với đó, những vấn đề về chính sách, bảo tồn làng nghề, thúc đẩy đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường… không để làng nghề “đơn độc” trong quá trình phát huy tiềm năng, lợi thế để bảo tồn, phát triển.

Xuân này, hãy ghé thăm các làng nghề để tham quan, tìm hiểu về nét truyền thống của ông cha và hiểu sâu hơn nữa về “Hà Nội – mảnh đất trăm nghề”.

Nguồn lực về làng nghề Hà Nội là rất lớn trên cả hai phương diện: Kinh tế và văn hóa. Chính vì vậy, phát triển làng nghề, nghề truyền thống cũng là một chỉ tiêu được đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”.

Tuấn Dũng

Những người “níu giữ” mùa Xuân (laodongthudo.vn)