Những người nông dân dám nghĩ, dám làm

Những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, nhiều gương nông dân tiêu biểu, điển hình dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Nông dân tiêu biểu “dám nghĩ, dám làm”

Một trong những tấm gương điển hình phải nhắc tới là nông dân Hoàng Mạnh Ngọc ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) với “Mô hình sản xuất gà giống ứng dụng công nghệ cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”. Từng trải qua nhiều nghề như giảng viên Trường Cao đẳng Công trình đô thị; kinh doanh ô tô, song nghề chăn nuôi đã gắn bó với ông như một “mối duyên” định trước.

Những mô hình cho doanh thu tiền tỷ
Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội tham quan mô hình trồng hoa giấy tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Ông Ngọc chia sẻ, ông có lợi thế hơn nhiều nông dân khác khi thường xuyên được giới thiệu đi dự các buổi tọa đàm, tập huấn, hội thảo. Thông qua đó, ông nắm bắt được những tiến bộ mới trong chăn nuôi cũng như chính sách hỗ trợ nông dân phát triển. Đầu năm 2018, Nghị định 57 của Chính phủ được ban hành, với những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ông đã thành lập ngay Công ty Cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng.

Với phương châm không được để gà mắc bệnh, ông Ngọc là một trong những người đầu tiên ở huyện Đông Anh xây dựng trại lạnh, trại lồng nuôi gà sinh sản và dây chuyền sản xuất gà giống đều áp dụng công nghệ khép kín. Theo đó, ông đã áp dụng công nghệ vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp. Cùng với đó, hệ thống cho gà ăn, uống cũng được tự động hóa giúp ông tiết kiệm được sức người cũng như chi phí chăn nuôi.

Đặc biệt, ông cũng là người có cách làm sáng tạo trong phòng bệnh cho gà nhờ xét nghiệm máu cho gà đều đặn hàng tháng. Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà cũng đã đưa lại hiệu quả kinh tế lớn cho trang trại gà của gia đình. Với xưởng ấp rộng khoảng 2.000m2 cùng khu vực chăn nuôi gà sinh sản rộng khoảng 15.000m2 có 35.000 gà bố mẹ kết hợp cùng 7 trang trại nuôi gia công vệ tinh có 170.000 gà bố mẹ đã đưa lại doanh thu cho công ty khoảng 9 tỷ đồng/tháng. Cùng đó, công ty của ông cũng tạo công ăn, việc làm cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Cũng là một trong những mô hình điểm của Thành phố, “Mô hình chăn nuôi bò và chế biến thực phẩm, dịch vụ nông nghiệp” của nông dân Trần Văn Thắng (xã Thọ An, huyện Đan Phượng) được nhiều người biết tới. Năm 2010, anh Thắng khởi nghiệp xây dựng mô hình sản xuất với trang trại nuôi bò 1.800m2, nuôi trùn quế 720m2, và diện tích đất trồng cỏ chăn nuôi 3.600m2. Trang trại chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp của anh với 1.000 con bò, hiệu quả kinh tế thu nhập từ chăn nuôi bò mang lại lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ.

Chăn nuôi thuận lợi, đến năm 2012, anh Thắng đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò. Ban đầu anh Thắng nuôi giống bò cỏ truyền thống, nhưng từ năm 2014, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ bò thương phẩm, anh nhập các giống bò ngoại như bò 3B, bò Brahman về nuôi vỗ béo.

Anh Thắng cho biết, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, anh đã đầu tư hệ thống cho bò uống nước tự động, áp dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh Thắng giết mổ từ 10 -15 con bò, cung cấp thịt ra thị trường. Đối với các loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ khác, anh Thắng thu lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi mà trong lĩnh vực trồng trọt cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu. Anh Nguyễn Xuân Nghĩa (thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa), chủ mô hình nhà kính rộng 5.000m2 trồng rau VietGap cho biết, nhờ linh hoạt trong thay đổi cơ cấu cây trồng (vụ trồng rau, vụ trồng dưa lưới kết hợp dưa chuột) đã đưa lại doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng cho gia đình.

Theo đó, sau khi đi vào sử dụng, mô hình trồng rau, dưa trong nhà kính đã phát huy nhiều ưu điểm như: Hạn chế sâu bệnh tới 80%; năng suất cao hơn 1,5 – 2 lần so với trồng ngoài trời. Đặc biệt, nhờ đáp ứng tiêu chuẩn VietGap nên rau trồng tại nhà kính không lo về đầu ra, nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Thời điểm hiện tại, mô hình trồng rau của anh Nghĩa cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 5, 6 lao động thường xuyên.

“Thời gian tới, nếu địa phương có quỹ đất cho thuê thì tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng rau trong nhà kính. Cùng đó, gia đình tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc nhân rộng mô hình vì đây thực sự là mô hình rất hiệu quả.”- anh Nghĩa cho hay.

Phát huy tiềm năng, sức mạnh của nông dân Thủ đô

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và thành phố Hà Nội, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Thủ đô đã ra sức thi đua lập thành tích, gắn phong trào thi đua với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội; tổ chức phát động 3 phong trào thi đua và 2 cuộc vận động của Hội, trong đó trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Từ phong trào, đã xuất hiện những tấm gương nông dân tiêu biểu, điển hình dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Theo bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội, trong 5 năm (2018-2023), Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã có 1.305.420 lượt hội viên đăng ký Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có 961.681 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, nông thôn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn…

Cũng theo bà Phạm Hải Hoa, thời gian tới, với mong muốn, đoàn kết, tập hợp những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu thành một tổ chức gắn kết, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tổ chức ra mắt câu lạc bộ Sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố.

“Câu lạc bộ hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, tuân thủ pháp luật và theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố. Đây chính là cầu nối quan trọng tạo điều kiện cho các thành viên Câu lạc bộ trao đổi, phát huy các ý tưởng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; là đầu tàu tiên phong gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào do các cấp Hội Nông dân phát động, là hạt nhân liên kết, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực thi đua phát triển kinh tế trong cán bộ, hội viên, nông dân toàn Thành phố.”- bà Phạm Hải Hoa cho hay

Lương Hằng

https://laodongthudo.vn/nhung-mo-hinh-cho-doanh-thu-tien-ty-158166.html