Từ những dự án “xanh”…
Hà Nội đang thiếu sân chơi cho trẻ em, khiến nhiều em nhỏ phải tìm đến những điểm chơi không an toàn như vỉa hè, lòng đường hoặc vùi đầu vào trò chơi điện tử. Thấu hiểu điều đó, năm 2014, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) ra đời với mong muốn “làm được điều gì đó cho Thủ đô”. Theo chị Chu Kim Đức, đồng sáng lập, Giám đốc TPG thì TPG hướng đến xây dựng sân chơi bình đẳng trong không gian công cộng. Từ các vật liệu tái chế, vật liệu rẻ tiền, nhóm sẽ biến chúng thành đồ chơi ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi như xích đu, cầu trượt, cầu bập bênh, thú nhún…
“TPG xây dựng sân chơi cộng đồng đầu tiên tại bãi giữa sông Hồng và lập tức nhận được phản hồi tích cực. Để sân chơi cộng đồng được biết đến rộng rãi hơn, chúng tôi thường xuyên tổ chức những hoạt động Playday (Ngày vui chơi) cho cộng đồng, sân chơi di động Playstreet ở phố cổ Hà Nội, sân chơi “công viên lốp” tại Công viên Yên Sở… Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức cuộc thi “Xanh hóa không gian – An lành cuộc sống” để tìm kiếm sáng kiến phủ xanh cộng đồng, giảm thiểu rác thải. Chúng tôi hy vọng nỗ lực của mình sẽ giúp cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, chị Chu Kim Đức nhấn mạnh.
… đến những sân chơi “hai trong một”
Đến sân chơi “Nỏ thần” tại Tổ dân phố số 3, thị trấn Đông Anh, tôi không khỏi ngạc nhiên trước ý tưởng xây dựng một sân chơi ý nghĩa, thiết thực mang đặc trưng của mảnh đất Đông Anh – nơi phát tích truyền thuyết Nỏ thần. Đây cũng là công trình nằm trong Dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ. Theo nghệ sĩ thị giác Ưu Đàm: “Hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ bị phân thành 4 phần, rải quanh sân chơi, ẩn hiện giống hình ảnh từng đoạn thành Cổ Loa trong hiện tại biểu trưng cho sự hiện diện của lịch sử. Khi các em nhỏ chơi đùa và chạm vào móng thần trên nỏ thần, chúng tôi hy vọng lịch sử của kinh đô Âu Lạc và những bài học của nó sẽ không bị lãng quên. Mong rằng việc chơi và nhận thức về lịch sử bi hùng của vùng đất này sẽ tạo ra những công dân tài năng, những người có thể bảo vệ quê hương và hệ sinh thái của trái đất khi cần”.
Được biết đây là công trình thứ 5 mà TPG thực hiện tại huyện Đông Anh. Trước đó, TPG đã triển khai xây dựng sân chơi ở các xã Hải Bối, Võng La, Kim Chung, Kim Nỗ cho con em công nhân nhập cư, và tới đây sẽ xây dựng công trình tại Tổ dân phố số 46, thị trấn Đông Anh. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh: “Để sân chơi phát huy hiệu quả, chúng tôi mong muốn Tổ dân phố số 3, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em. Tại đây sẽ có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, sân chơi tri thức để các em không những được vui chơi mà còn được học những bài học về đạo đức, truyền thống lịch sử, bảo vệ môi trường…”.
Cũng chung nhận định đó, bà Đặng Thị Phương Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 3, thị trấn Đông Anh đánh giá: “Đây là sân chơi cộng đồng thân thiện, bổ ích, là nơi giải trí an toàn, lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Nhưng hơn hết, đó còn là sân chơi mang tính giáo dục, có ý nghĩa, giá trị lịch sử sâu sắc bởi hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ cũng như thành Cổ Loa được tái hiện, được “sống lại” một cách sinh động, hấp dẫn”. Còn anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Phó Giám đốc TPG chia sẻ: “Khi huyện Đông Anh trở thành quận, sân chơi này sẽ là “trái tim” của quận và còn gì tuyệt vời hơn khi “trái tim” chứa đựng câu chuyện lịch sử được hiện thực hóa bằng kết cấu vật lý. Lịch sử với những người trẻ vốn chỉ có trong sách vở, nhưng khi được “kể” bằng những trò chơi thì câu chuyện ấy thân thiện, gần gũi hơn với các em. Việt Nam là đất nước có nhiều câu chuyện lịch sử, vì vậy, tôi hy vọng sân chơi “Nỏ thần” sẽ là khởi đầu, là sự gợi ý cho các nghệ sĩ trên khắp đất nước có thể sáng tạo những sân chơi dựa theo lịch sử của từng vùng đất, để từ đó giúp trẻ em thành phố vừa học vừa chơi bổ ích và lý thú”.
HNM/nguoihanoi.com.vn