Nhà ăn không đồng Bạch Mai nằm ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Dù thời gian mở cửa phát cơm lúc 16 giờ (vào mùa hè) và 15 giờ vào mùa đông, nhưng có ngày nhiều người đã có mặt xếp hàng từ 13-14 giờ để chờ đến lượt.
Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhận suất cơm tại Nhà ăn không đồng Bạch Mai. |
Có mặt tại Nhà ăn không đồng Bạch Mai vào một buổi chiều tháng 5, chúng tôi bắt gặp rất đông người xếp hàng chờ nhận cơm miễn phí. Bà Nguyễn Thị Thanh (69 tuổi, quê Hải Dương) cùng một số bệnh nhân trong phòng chuẩn bị âu, hộp nhựa di chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai ra xếp hàng chờ nhận cơm.
Tới nơi bà thấy hàng dài người đứng chờ sẵn. Nằm trên con ngõ xe đi lại nhiều nên các bạn tình nguyện viên luôn túc trực hai đầu nhắc nhở mọi người xếp hàng ngay ngắn để không cản trở giao thông. Trong bếp những khay đồ ăn nóng hổi liên tục được nhân viên đưa ra, món ăn cũng rất phong phú và đẹp mắt.
Đợi chừng 20 phút cũng đến lượt bà Thanh nhận cơm. Đưa hộp nhựa chuẩn bị trước từ viện bà được nhân viên lấy cho một suất ăn với đầy đủ các món, nhìn thấy món chả kho yêu thích bà vui ra mặt.
Bà Thanh kể, cách đây mấy tháng bà bị đột quỵ phải nhập viện, hiện nằm điều trị tại Khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai. Nhờ có quán cơm miễn phí này bà tiết kiệm được chút chi phí để dành tiền thuốc thang.
Bà Thanh cũng chia sẻ, lúc đầu bà không biết có suất ăn miễn phí, nhờ bạn bè trong phòng mách mới ra xin thử. Bà Thanh ngạc nhiên khi suất cơm đa dạng các món, còn được đổi thực đơn liên tục, hôm ăn cháo, hôm bánh cuốn, hôm lại nấu cơm, các món ăn không trùng nhau ngày nào.“Hôm qua chúng tôi được ăn cháo sườn, hôm nay đổi thành cơm”, bà Thanh vui vẻ nói và cho biết các bạn nhân viên rất nhiệt tình, lễ phép, đồ ăn đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ nên ăn rất yên tâm.
Cầm trên tay hộp cơm nóng hổi, chị Mai Thị Lành (47 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) chia sẻ đã nhận cơm miễn phí ở đây được gần 1 tháng. Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, chị kể, cách đây hơn 1 tháng, bố chị bị bệnh tim phải chuyển ra Hà Nội để phẫu thuật, các thành viên trong gia đình thay phiên nhau ra chăm. Ngày mới vào viện, mỗi ngày chị mất 200.000 đến 300.000 đồng tiền ăn, chi phí thuốc thang, đồ dùng cá nhân cho hai bố con. Chị Lành bảo nhờ được mọi người cùng phòng bệnh mách có cơm từ thiện chị chuẩn bị âu ra xin. Hôm đầu chị ra nhận cơm cũng bị bất ngờ vì không chỉ cho bệnh nhân mà người nhà đi chăm cũng có suất. “Mỗi người đến sẽ được cho hai suất cơm với đầy đủ các món canh, rau, món mặn, có hôm cả hoa quả và sữa”, chị Lành nói và cho biết mỗi lần mang cơm về bố chị đều khen ngon, ăn hết suất.
Từ ngày có suất cơm miễn phí chị Lành tiết kiệm được một khoản tiền ăn để thêm vào tiền thuốc cho bố. Cách đây ít ngày bố chị đã được phẫu thuật thành công, đang nằm điều trị hồi sức để sớm xuất viện.
Không chỉ bà Thanh hay chị Lành, nhiều người chúng tôi gặp ở Nhà ăn không đồng Bạch Mai đều chia sẻ rằng, quá trình chữa trị bệnh tại bệnh viện, chi phí y tế tốn kém gây không ít áp lực kinh tế cho bệnh nhân và gia đình nên khi nhận được suất cơm không đồng, mọi người đều thấy vui và cảm động.
Những tấm lòng chân thành
Nhà ăn không đồng Bạch Mai đã duy trì hoạt động trong suốt hai năm qua, chia sẻ khó khăn với rất nhiều bệnh nhân nghèo. Kinh phí duy trì quán do các mạnh thường quân chung tay. Các mạnh thường quân của nhóm sẽ ủng hộ những gì mà họ có, người có tiền gửi tiền, người có rau gửi rau, người không có đồ thì đến góp sức. Không chỉ những người đi làm, nhiều bạn sinh viên cũng đến giúp đỡ.
Mỗi ngày mọi người sẽ đi chợ vào lúc sáng sớm, sau đó sơ chế nguyên liệu trước ở nhà, 13h sẽ di chuyển đến quán ăn bắt đầu nấu đảm bảo 16h sẽ có cơm cho mọi người. Thực đơn hàng ngày sẽ được thay đổi liên tục để đa dạng các món ăn, nhóm chất cho bệnh nhân và người nhà.
Các thành viên ở đây chia sẻ đây là công việc xuất phát từ cái tâm muốn làm việc thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nên bếp ăn sẽ mở duy trì cho đến khi không còn kinh phí hoạt động nữa mới đóng cửa.
Chia sẻ về cơ duyên lập nên Nhà ăn không đồng Bạch Mai, anh Bùi Văn Tú, một trong ba thành viên cốt cán thường trực của Nhà ăn cho biết, trước kia anh Tú làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, từng tham gia chống dịch Covid-19. Khi dịch bùng phát tại Hà Nội, đội của anh đã quay lại Thủ đô để tri ân, giúp đỡ những đội, nhóm đã từng giúp Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Anh cùng thành viên Nhà ăn nấu xôi, nấu cháo phát cho những người vô gia cư.
Anh Tú và những người bạn chứng kiến những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa xuống chữa bệnh không có tiền… Thấu hiểu được những vất vả đó, anh cùng các bạn lập nên Nhà ăn không đồng Bạch Mai tại ngõ 15 Phương Mai nhằm hỗ trợ bữa ăn cho những người vô gia cư, những mảnh đời khó khăn và nhất là những người bệnh đang điều trị trong các bệnh viện: Bạch Mai, Lão khoa, Việt-Pháp. “Tôi và các bạn mong muốn có thể giúp bà con một bữa ăn, bớt đi một chút áp lực về kinh tế”, anh Tú bày tỏ.
Nhà ăn hỗ trợ miễn phí người bệnh nên ngày càng có nhiều người biết đến. Dù quán đã tăng lượng thực phẩm lên nhưng cũng không đủ cho số người đến quán mỗi ngày một đông. Gần đến giờ phát cơm, dòng người nối đuôi nhau xếp hàng kéo dài đến tận đầu ngõ. Để nấu những bữa cơm với hơn 450 suất, nhóm anh Tú thường tốn khoảng vài triệu đồng mua lương thực, thực phẩm. Các thành viên của bếp phải xin rau, củ từ các tiểu thương ở chợ đầu mối, hoặc được các tiểu thương cho mua giá gốc. Thi thoảng, có một vài nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm. Những đóng góp như vậy đã phần nào giảm áp lực về chi phí duy trì hoạt động hằng ngày.
Trước đây, anh Tú đã từng là lái xe cứu thương hỗ trợ bệnh nhân về nhà, anh hiểu rất rõ hoàn cảnh khó khăn của mọi người. Vì vậy, khi có điều kiện giúp đỡ được ai, anh đều cố gắng. Niềm vui lớn nhất của những người ở Nhà ăn không đồng Bạch Mai là được hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn. Chỉ cần mọi người đều xếp hàng nhận cơm với niềm hoan hỉ là các anh đã thấy vui.
Mỗi suất cơm trao đi đều kèm với những lời dặn dò, sẻ chia tới các bệnh nhân. Đáng quý nhất đối với Nhà ăn không gì hơn ngoài những nụ cười, những lời cảm ơn. Trao đi để nhận lại. Niềm vui từ những bệnh nhân và người nhà của họ cũng chính là động lực để các thành viên tiếp tục giữ lửa cho Nhà ăn.
Hà Phong
Những suất cơm “0 đồng” lan tỏa yêu thương (laodongthudo.vn)