Dường như những con sông, triền đê thường giống nhau khi đều khoác lên mình vẻ hoang hoải của quê hương. Triền đê là cả một bức tranh thiên nhiên sống động. Nhưng cảnh thực đẹp hơn tranh bởi ta cảm nhận được mùi ngai ngái phù sa, tiếng rì rào cơn gió qua những cánh đồng và các lớp ảnh cổ xưa đồng hiện.
Vẫn còn nguyên đó các “mốc giới” hoa gạo thẳng vút lên trời xanh, khô cành cạch lúc trái mùa. Cứ đến trạm bơm là sẽ có cây hoa gạo án ngữ như người khổng lồ chơ vơ giữa khoảng không. Hoa gạo chỉ nở tháng Ba, đám trẻ mục đồng thi nhau tết hoa thành từng chuỗi quàng lên cổ trâu, xếp hình trái tim, rồi gọi đứa mình thích ra để cùng ngắm, ngập ngừng thỏ thẻ. Tôi có cảm giác như cách tỏ tình đó chân thật biết bao so với những màn tiệc tùng xa hoa ở nơi phố thị chật chội, nhẫn cưới tiền tỷ làm đôi mắt dễ bị choáng ngợp mà con tim chẳng hề thổn thức. Những triền đê tâm tình, lần hồi những gì trong trắng, thanh khiết nhất. Đâu đó còn thấp thỏm nón mẹ, bóng bà hái rau, hay những dải miến dong như tấm gương le lói trước mặt trời ửng nắng.
Đi qua những đền, đình, chùa miếu dọc triền đê là tâm hồn bỗng nhẹ tênh, tiếng gió xào xạc bên tai. Phải chăng, ngàn đời xưa ông cha ta đã chọn dọc các con sông làm nơi sinh sống đầu tiên, để nay linh khí vẫn còn nguyên đó, bóng hình người xưa còn thấp thoáng đâu đây. Khuất sâu thẳm, cây đa già tỏa bóng, lùm cây leo um tùm, hoa lá tô điểm, ngọn hương ngút ngàn bay lên trên mái đình rêu phong. Tự hỏi lòng rằng có nhiều nơi thanh tịnh, linh thiêng và trong lành trên các triền đê mà sao ít người tìm đến, sao phải cất công đến chốn xa xôi cầu xin tài lộc làm chi…
Thong dong trên đê sông Nhuệ còn được hồi tưởng về cảnh giong thuyền hát chèo, hát trống quân ở khu vực Thường Tín, Phú Xuyên xưa. Nhớ về cảnh cha con Chử Đồng Tử bán cá dưới gốc đa sông Hồng, mịt mù khói tỏa ngàn sương. Đường đê thần tiên là thế nhưng ít người lựa chọn dù có thể, để khi phải bắt buộc đi qua, tránh tắc đường, thì mới kịp òa lên bởi mùi thơm từ vựa rau gia vị Tân Minh, của lá dong xanh Tràng Cát hay cây cảnh Hồng Vân trứ danh.
Sông và đê quấn quýt đẹp đến nao lòng nhưng giờ đây quanh đó nào ít khu công nghiệp, khu chung cư rối rít mọc lên. Xe tải cày xới mặt đê. Nước trạm bơm xả bọt trắng xóa như xà phòng, tẩy đi nét hiền dịu của dòng sông, làm cá héo hon, làm trâu chán cỏ, làm chim muông bay đi. Mỗi lần nghe tin về dòng sông chết do ô nhiễm, lòng tôi lại quặn đau, phải giữ làm sao đây ngọn cỏ xanh rì?
Nào biết vẻ đẹp của đồng quê sẽ còn nguyên bản được mấy phần theo thời gian, chỉ mong rằng những vựa cây ven đê ngày càng tươi tốt, không chỉ giúp tạo thu nhập cho người dân, sinh kế ngàn đời mà còn điều hòa không khí, thổi cơn gió mát giảm nhịp ồn ã của nội đô. Ai đó đi du lịch khắp mọi miền, đừng quên “phượt” về nông thôn, về ngay những làng quê ngoại thành trên con đường đê uốn quanh như dải lụa để sà vào hương cỏ cây, để ngắm lúa chín nội đồng, để đánh thức “chú nhà quê” trong bản ngã sẽ thấy tâm hồn rộng mở và cảm giác gần gũi, bình yên.
HNM / nguoihanoi.com.vn