Nhiều nguy cơ tại chợ dân sinh
Trong đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội liên tiếp ghi nhận hàng chục ca dương tính SARS-CoV-2/ngày, có ngày lên tới hơn 100 trường hợp. Đáng chú ý, hàng loạt các ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến những chợ dân sinh ở Hà Nội mới đây đã cho thấy nguy cơ lây nhiễm lớn tại các chợ, nếu công tác phòng, chống dịch Covid-19 không được thực hiện nghiêm túc.
Ngay trong sáng nay (11/8), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thanh Trì đã thông báo tìm người liên quan đến chợ Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì trong các ngày từ 25/7 đến 31/7. Cũng trong những ngày đầu tháng 8, theo thông báo từ Sở Y tế Hà Nội, trường hợp N.T.C, nữ, sinh năm 1981, địa chỉ tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì được test nhanh sàng lọc tại Trạm Y tế Ngọc Hồi nghi ngờ dương tính, lấy mẫu PCR cho kết quả dương tính. Chị C là người bán hàng tôm, cá thường xuyên lấy hàng tại chợ Tam Hiệp và Long Biên.
Hiện nay, việc kiểm soát người ra, vào được Ban quản lý các chợ thực hiện nghiêm túc |
Trước đó, nhiều trường hợp lây nhiễm xuất hiện tại cộng đồng, liên quan đến các chợ đầu mối, chợ dân sinh cũng đã gây nhiều lo lắng cho người dân. Điển hình như các trường hợp ca bệnh dương tính SARS-CoV-2 là người bán rau tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm; người bán hoa tươi ở chợ Bùng, huyện Thạch Thất; người bán trứng ở chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ), quận Hoàng Mai; người bán hải sản tại chợ Phúc Xá, quận Ba Đình…
Hiện Hà Nội có gần 10 chợ đầu mối lớn nhỏ và hàng trăm chợ dân sinh. Hoạt động của các chợ dân sinh, chợ đầu mối này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm các nhu cầu của đời sống người dân. Tuy nhiên, các chợ này luôn là những tụ điểm rất đông người, diễn ra các hoạt động mua bán nhộn nhịp, nhiều người tiếp xúc, qua lại. Do đó, nếu không có sự quản lý sâu sát, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc thường xuyên của lực lượng chức năng, sẽ rất dễ xuất hiện nguồn bệnh, trở thành những nơi có nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh Covid-19.
Trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, chợ, siêu thị… là những khu vực nguy cơ cao bị dịch “tấn công”. Bởi vì khi dịch đã xuất hiện trong cộng đồng, chợ, siêu thị vẫn có số người ra vào lớn. Do vậy, cần nghiên cứu để có các biện pháp phòng, chống dịch tốt hơn nữa.
“Bởi lẽ, các khu chợ là nơi giao lưu nhiều; là nơi người dân tứ xứ tập trung để giao thương. Đông người đến chợ như vậy, đồng nghĩa với việc khó thực hiện, tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch. Do vậy, nên hạn chế việc đi chợ của người dân trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội. Trừ trường hợp không có tủ lạnh để bảo quản thức ăn thì đi nhiều, còn lại, mỗi gia đình chỉ nên đi chợ 2 lần/tuần”, ông Phu khuyến cáo.
Xây dựng mô hình kinh doanh an toàn
Liên quan đến việc phòng, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với các chợ dân sinh, chợ đầu mối tại Hà Nội, cũng đã có những cách làm hiệu quả. Hiện các quận, huyện của Hà Nội đã phát phiếu đi chợ cho người dân trên địa bàn; các tiểu thương tại chợ Bách Khoa (phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng) và chợ dân sinh nằm trên phố Nguyễn Thiện Thuật (phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm) đã kẻ vạch giãn cách, quây nilon giữa các quầy hàng để giữ khoảng cách…
Tại các chợ dân sinh, người dân vào chợ mua hàng được kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang thường xuyên; dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ ở khu vực các ki-ốt nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Dung (một người bán hàng tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Những tấm chắn nilon trong suốt không chỉ ngăn giữa tiểu thương với người mua, mà còn giữ khoảng cách giữa tiểu thương với tiểu thương. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tự trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi bán hàng, qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.
Nhiều chợ đã quây nilon giữa các quầy hàng để giữ khoảng cách an toàn |
Nói về các nguy cơ tại các chợ dân sinh, ông Chu Đức Thuận, Trưởng ban quản lý chợ quận Bắc Từ Liêm cho biết, hiện nay, trung bình lượng người ra vào các chợ trên địa bàn phục vụ các nhu cầu thiết yếu vẫn còn rất đông. Mặc dù các cơ quan chức năng phối hợp với Ban quản lý chợ đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều biện pháp nhưng nỗi lo vẫn còn rất lớn.
Ông Thuận lấy ví dụ, tại chợ Xuân Đỉnh 2 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) hiện nay có gần 150 -160 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đang được phép hoạt động tại chợ. Hằng ngày vẫn có khoảng 2.600 – 2.700 lượt người vào chợ mua hàng. “Để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chúng tôi thực hiện phương án phân luồng. Buổi sáng chúng tôi mở 2 cổng vào và ra 1 cổng. Tại tất cả các cổng vào đều được khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn. Cập nhật thông tin người vào chợ 30 phút/lần báo cáo lên quận”, ông Thuận cho hay.
Hiện nay, chợ Xuân Đỉnh 2 đang là mô hình chợ “xanh”, an toàn với Covid-19. Hàng ngày, Ban quản lý chợ đều cập nhật thường xuyên thông tin, chỉ thị từ Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, liên tục phát loa tuyên tuyền. Bên cạnh việc quản lý người mua hàng theo phiếu thì chợ cũng liên tục cập nhật sự biến động số lượng người vào chợ hằng ngày để theo dõi, duy trì “vùng xanh” an toàn.” Công tác vệ sinh môi trường 1 tuần/lần, vừa rửa chợ và phun khử trùng tiêu độc.
“Việc thực hiện mô hình chợ “xanh”, an toàn với Covid-19 giúp người dân an tâm hơn trong việc mua, bán thực phẩm. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng thuận tiện trong việc kiểm tra, quản lý, truy vết khi cần thiết”, ông Thuận chia sẻ.
Việc sát khuẩn, đo nhiệt độ được các chợ tuân thủ nguyên túc |
Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch tại các chợ dân sinh trên địa bàn, Ông Trần Trung Tuyển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, bên cạnh việc phát phiếu đi chợ cho người dân, thời gian qua, UBND phường cũng đã rà soát việc thành lập mô hình chợ “xanh”, an toàn với Covid-19; phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho những người tham gia công tác, bán hàng tại chợ…
Bên cạnh đó, phường cũng yêu cầu Ban quản lý các chợ thành lập Tổ an toàn Covid-19 để đôn đốc việc thực hiện phòng dịch; rà soát nắm rõ danh sách, nơi ở của các hộ đang kinh doanh, trong trường hợp các hộ đến từ các vùng dịch phải kịp thời có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Nhiều điểm họp chợ tạm tại các ngõ, ngách trên địa bàn đã được xóa bỏ.
“Chúng tôi chỉ đạo Ban quản lý các chợ tập trung công tác tuyên truyền các giải pháp phòng dịch để nâng cao ý thức phòng dịch của người dân, coi đó là yếu tố cốt lõi. Ngoài ra, các chợ đều xây dựng phương án phòng dịch để thực hiện linh hoạt tùy diễn biến dịch bệnh”, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh chia sẻ.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn phòng, chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn; dừng hoạt động ngay đối với những chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định; tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hằng tuần; tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các quy định phòng, chống dịch khi đến và mua bán tại các chợ. |