Nỗ lực cống hiến vì sức khỏe cộng đồng

Với gần 27 năm cống hiến cho nghề y, lựa chọn chuyên ngành truyền nhiễm, bác sĩ Nguyễn Thái Minh (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) đã dành hết tâm huyết và năng lực của mình để góp phần cứu sống nhiều người bệnh. Đồng thời anh là người dường như không thể thiếu trong các đợt ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm của Hà Nội.

Luôn có mặt ở những điểm “nóng”

Câu chuyện của chúng tôi với bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Phó Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa diễn ra trong căn phòng nhỏ, nhân thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của anh. Cũng qua trò chuyện với anh, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết, tình yêu nghề và sự cảm thông sâu sắcvới bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm của anh.

Nỗ lực cống hiến vì sức khỏe cộng đồng
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh xuất phát là một bác sĩ quân y, cái duyên “run rủi”, năm 1997, anh chuyển ngành và bắt đầu công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Nhớ lại con đường tới với ngành truyền nhiễm, bác sĩ Minh cho biết, sau khi chuyển đến Bệnh viện, anh được tăng cường lên khoa Lây và bắt đầu gắn bó với ngành này bằng trận dịch sốt xuất huyết. Đó là vào đầu những năm 2000, thực hiện chủ trương phủ kín bác sĩ tuyến xã, anh xung phong về xã Kim Lũ, một vùng quê nghèo nhất của huyện Sóc Sơn để chăm sóc sức khỏe, đồng hành cùng bà con vùng khó. Từ trận dịch đầu tiên ấy, anh tiếp tục cùng đồng nghiệp đối phó thành công với đủ các loại dịch bệnh như dịch sởi, dịch tiêu chảy cấp, H1N1, H5N1, dịch SARS…

Chia sẻ về đặc thù của bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Minh cho biết, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là các vi sinh vật rất nhỏ bé như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng. Đây là những kẻ thù “vô hình” rất nguy hiểm, con người hoàn toàn bị động, khi mắc phải có thể gây bệnh cấp tính, chết người nhanh chóng và dễ lây nhiễm. Do đó, bệnh truyền nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến ổn định trật tự xã hội. Chính vì vậy, tâm thế của người bác sĩ ngành này cũng luôn ở một trạng thái khẩn trương, sẵn sàng với mọi tình huống có thể xảy ra.

“Khi dịch SARS xuất hiện, có giai đoạn chúng tôi nằm liền trên sân bay quốc tế Nội Bài 70 ngày đêm để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Sáng phải đi sớm, đêm khuya mới được về nên con gái nhỏ không nhớ được mặt bố. Điều đó nói lên tinh thần hết mình với công việc, mong muốn của chúng tôi là làm sao ngăn ngừa mọi nguy cơ của dịch bệnh”, bác sĩ Minh nói.

Gắn bó với Bệnh viện Đa khoa Đống Đa từ những ngày còn trẻ và trưởng thành từ đây, quá trình công tác đã để lại cho bác sĩ Minh nhiều kỷ niệm ấn tượng. Đặc biệt trong số đó là việc chữa trị bệnh nhân HIV/AIDS bởi anh là bác sĩ đầu tiên thực hiện công tác QCT (quản ký, chăm sóc, theo dõi) cho bệnh nhân nhiễm căn bệnh thế kỷ và chủ đạo trong việc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV).

Bác sĩ Minh nhớ lại, nhiều năm trước đây, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đống Đa nằm ở khu biệt lập, chủ yếu điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh nhân mắc HIV. Ở giai đoạn nặng, thân hình của người bệnh lở loét, nhiều bệnh biến chứng khiến họ bị kì thị, người nhà không nhận, kể cả vào lúc cuối đời cũng ra đi một mình. Do vậy, tất cả các khâu việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, chăm sóc toàn diện cho người bệnh hầu hết đều do bác sĩ và diều dưỡng thực hiện.

“Hồi ấy, nghe đến bệnh HIV/AIDS ai cũng xem đó là như căn bệnh tử thần và rất sợ hãi. Quả thực khi chứng kiến, hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân mới thấy góc khuất tâm hồn và thương cảm cho họ. Họ không có người thân bên cạnh, chỉ có bác sĩ và điều dưỡng là người gần gũi nhất. Cảm nhận được tấm lòng của chúng tôi, nhiều người cũng hợp tác và giúp đỡ nhiều trong quá trình chữa trị bệnh nhân có tâm lý bất mãn khác”, bác sĩ Minh kể.

Chính nhờ sự tận tâm, nền tảng và kinh nghiệm xây dựng nhiều năm, đến nay khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là một địa chỉ hàng đầu về thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm; quản lý điều trị ngoại trú cho người mắc viêm gan B, C, HIV… Đặc biệt đây cũng là nơi gửi gắm niềm tin của bệnh nhân nhiễm “H” bằng việc giúp cho nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Hạnh phúc với sứ mệnh

Thông thường, một ngày làm việc của bác sĩ Minh rất bận rộn. Công việc tại khoa Truyền nhiễm bộn bề, nhất là vào thời điểm xảy ra dịch bệnh. Trong giai đoạn bệnh Covid-19 bùng phát là khoảng thời gian không thể quên đối với những người làm việc trong ngành y, ngay cả với bác sĩ Minh cũng vậy.

Theo đó, khi dịch Covid-19 mới manh nha xuất hiện tại Việt Nam, khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã nhanh chóng thích nghi với tình hình. Ngay trong đêm ngày 7/3/2020, Khoa Truyền nhiễm đã có sự chuẩn bị “thần tốc”, sẵn sàng cho cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Toàn khoa đã giải phóng toàn bộ bệnh nhân ngay trong đêm để lấy chỗ theo dõi, cách ly cho các trường hợp nghi nhiễm. Đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng ở lại trực xuyên Tết để làm công tác chống dịch. Nhờ sự chăm sóc tận tình, bệnh nhân thực hiện cách ly tại bệnh viện luôn dành tình cảm đặc biệt cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng. Không chỉ vậy, những người hết cách ly sau khi rời viện cũng gửi cả hoa, để lại những bức thư chứa chan tình cảm tiếp thêm động lực cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch của Bệnh viện.

Bác sĩ Minh chia sẻ thêm, khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp và đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa với lực lượng nòng cốt là khoa Truyền nhiễm trong đó có bác sĩ Minh đã tham mưu cho Sở Y tế mở bệnh viện dã chiến đầu tiên của Hà Nội tại Đền Lừ (quận Hoàng Mai).

“Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, trong vòng 48 tiếng các đơn vị phối hợp đã triển khai, xây dựng xong bệnh viện dã chiến và ngay lập tức tiếp nhận chữa trị F0. Công việc nhiều và cần phải chia đội hình nên khoa đã lựa chọn 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng, chuẩn bị đủ thuốc men, vật tư trang thiết bị ra bệnh viện dã chiến làm nhiệm vụ. Mặc dù khó khăn, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nắng nóng và thiếu thốn nhưng các đồng nghiệp của tôi vẫn làm việc hết mình.Đây là đội thành lập sớm nhất nhưng lại rút quân muộn nhất”, bác sĩ Minh kể.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn chính, bác sĩ Minh và đồng nghiệp còn tham mưu, xây dựng kế hoạch cho Sở Y tế Hà Nội về phòng, chống dịch bệnh, các chương trình điều trị, phân loại tầng chữa trị bệnh nhân mắc Covid-19… Bằng những cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh viện dã chiến Đền Lừ đã chữa khỏi cho hàng trăm bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có cả những bệnh nhân trên 80 tuổi, nguy cơ cao và chưa tiêm vắc xin.

Đến nay, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, số bệnh nhân mắc bệnh giảm nhanh chóng, chủ yếu là thể nhẹ, được điều trị tại nhà, bệnh viện dã chiến Đền Lừ hoàn thành sứ mệnh và được giải thể, bác sĩ Minh quay trở về công việc chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Đối mặt với khối lượng công việc lớn như vậy, khi chúng tôi hỏi có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi?, bác sĩ Minh đáp: “Chúng tôi xác định nguy cơ dịch bệnh lúc nào cũng có thể xảy ra, hết dịch bệnh này tới dịch bệnh khác. Trách nhiệm của chúng tôi là cố gắng làm sao hoàn thành mọi nhiệm vụ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân thật tốt. Còn được làm việc là còn thấy hạnh phúc với sứ mệnh của mình”.

Bằng những cống hiến không ngừng nghỉ trong gần 30 năm làm việc, bác sĩ Nguyễn Thái Minh đã được nhận danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”; Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội “Đã có thành tích trong công tác phòng chống AIDS năm 2011”; Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về “Đã có thành tích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố năm 2017”. Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19./.

Phương Ngân
https://laodongthudo.vn/no-luc-cong-hien-vi-suc-khoe-cong-dong-139462.html