Từ bao đời nay, người dân Áng Phao luôn tự hào về nghề mộc truyền thống, làm nhà gỗ và đồ gỗ dân dụng mà cha ông để lại. Năm 2005, làng nghề mộc Áng Phao vinh dự nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội. Ở đây, nghề mộc chia theo 2 hướng chính: Xây dựng, phục chế và làm mới các kiến trúc truyền thống như hương án, hoành phi, câu đối, cửa võng…
Trải qua bao thăng trầm, nghề mộc Áng Phao đang thực sự chuyển mình với nhiều cơ sở sản xuất tại nhà. Trong đó, có thể nhắc tới cơ sở sản xuất chế biến gỗ của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết. Ông đã có hơn 40 năm làm nghề, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2020 với nghề nghề chế tác, tu bổ công trình văn hoá nhà cổ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết (bên trái) hướng dẫn thợ trẻ. |
Ấn tượng đầu tiên của mọi người về ông là sự mộc mạc, giản dị, luôn chứa đựng cái tâm, cái tài của người làm nghề. Ông được trời phú ban cho đôi bàn tay khéo léo và khối kiến thức về kiến trúc rất sâu sắc. Mỗi sản phẩm qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết không chỉ mang giá trị sử dụng mà được “thổi hồn”, trở thành những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật độc đáo.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết, để làm ra một sản phẩm đẹp, hoa văn tinh xảo khiến người tiêu dùng lựa chọn, đưa vào sử dụng thì ngay từ khâu đầu tiên lựa gỗ đến khâu cuối cùng là sơn thành phẩm đều yêu cầu người thợ phải làm việc hết sức nghiêm túc và có con mắt lành nghề. “Trước tiên là khâu chọn gỗ, phải chọn gỗ săn, chắc, phù hợp với từng sản phẩm vì như vậy sẽ tạo độ bền sản phẩm. Tiếp theo là pha gỗ theo những kích thước, kích cỡ quy định rồi mới tạo mẫu vẽ trên gỗ. Sau khi hoàn thành xong mẫu vẽ, gỗ được đưa vào vanh lại, cắt bỏ bớt phần dư thừa rồi mới đưa vào đục. Và đến công đoạn cuối cùng là sơn, tạo mầu cho sản phẩm.
Ở bước cuối này, người thợ phải đảm bảo sơn đủ 7 lớp sơn: Ba lớp sơn lót, một lớp sơn cầm, một lớp thiếp bạc và hai lớp sơn làm màu, có như vậy màu mới bóng, đạt chuẩn. Và thợ nghề cánh này thường sản xuất mới hay phục chế lại tượng, cửa võng, hoành phi, câu đối ở các đình, chùa…”, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết cho hay.
Xưởng mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết. |
Bởi sự cầu kỳ, chỉn chu như vậy, những sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây tạo ra rất đa dạng và phong phú với đường nét kỹ thuật, chạm khắc tinh xảo đã có chỗ đứng trên thị thường, tạo được tiếng vang xa. Đàn ông làng Áng Phao hầu như không mấy ai là không biết làm nghề mộc. Họ yêu và rất tự hào về nghề mộc truyền thống của quê hương. Những người lao động trước đây đi làm xa nhưng hiện nay nhiều người đã trở về địa phương, về làng để sống với nghề.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại. Ngày nay, công việc của những người thợ mộc Áng Phao bớt trở nên nặng nhọc và năng suất được cao hơn. Thế nhưng không vì thế mà sản phẩm mất đi giá trị. Những đường nét đục chạm trên đồ thờ cúng hay trên những sập gụ, tủ chè vẫn còn đó, nguyên giá trị và ngày càng tinh xảo hơn bởi bàn tay của người thợ Áng Phao.
Từ người thợ mộc làng với tình yêu nghề, gắn bó với nghề đã trở thành những nghệ nhân tài hoa tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo trên gỗ mang hơi thở cuộc sống, hồn cốt, văn hóa của quê hương, dân tộc.
Cha truyền con nối
Việc gìn giữ và phát triển sản phẩm truyền thống không chỉ là điều mong muốn, tâm niệm mà còn là nhiệm vụ của mỗi thế hệ người dân làng nghề, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Theo bước cha, hiện nay con trai nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết là Nguyễn Văn Chiến dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của cha, cũng có tay nghề vững, không thua kém các bậc tiền bối trong làng.
Trước đó, anh Nguyễn Văn Chiến đã theo học chuyên ngành Bảo tồn – Bảo tàng tại Đại học Văn hoá và trực tiếp công tác theo chuyên ngành học một thời gian. Kết hợp lượng kiến thức chuyên sâu đã học với kinh nghiệm làm nghề của gia đình, anh Chiến đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động sản xuất, đảm bảo tính truyền thống và vẫn phát huy được các công năng hiện đại của sản phẩm. Đặc biệt, anh rất chú trọng tới việc phục hồi một số sản phẩm đã thất truyền hoặc ít được sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Chiến đam mê giữ lửa nghề. |
Anh Chiến chia sẻ: “Cũng có lúc làng nghề thăng trầm, nhưng cha truyền con nối, các thế hệ người dân nơi đây không ngừng nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của làng để rồi có sự khởi sắc như hôm nay. Trước cơ chế thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng học hỏi, tìm tòi, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường để từ đó có những cách thức mới trong phát triển nghề truyền thống”.
Là xưởng mộc lớn trong làng, lại chuyên làm những mặt hàng tinh xảo nên nhiều thanh niên trong và ngoài xã đã tìm đến gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết để học nghề miễn phí. Đây là cơ sở sản xuất lớn nhất trong thôn, vừa đào tạo nghề, vừa tạo nhiều việc làm thu nhập cao cho lao động trong thôn, xã và các vùng lân cận.
Hiện nay, cơ sở gia đình anh thường xuyên tạo việc làm cho 45 lao động, thu nhập bình quân từ 9-10 triệu đồng/tháng. Có thể nói, nghề này đã đem đời sống khá giả cho nhiều gia đình, và đây cũng là nguồn thu nhập lớn cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho lao động trên địa bàn xã.
Không chỉ quan tâm đến đời sống của đội ngũ công nhân của gia đình với mức lương để họ có được cuộc sống ổn định mà anh Chiến luôn quan tâm, chỉ bảo tận tình, định hướng cho các bạn trẻ có tay nghề cao, giữ gìn làng nghề truyền thống của địa phương, để làng nghề không bị mai một.
Dù còn trẻ nhưng anh Nguyễn Văn Chiến cũng như thế hệ trẻ của Áng Phao luôn trân trọng nghề, ý thức được “ngọn lửa” đam mê để đêm ngày cần mẫn, giữ gìn bản sắc văn hóa, diện mạo, cốt cách của làng mộc quê hương.