Cụ thể: Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý, triển khai và duy trì công tác nạo vét, vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Trên cơ sở kết quả triển khai dự án thoát nước Thành phố giai đoạn I,II, ưu tiên, tập trung đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom, tách riêng nước thải đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, trước khi xả vào nguồn nước các sông nội thành.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai, thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án Xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 725/QĐ-TTG ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Các giải pháp cụ thể: Cải tạo, nạo vét và kè sông thuộc dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội; Thành phố đã đầu tư đưa vào sử dụng các công trình: Xén giải phân cách mở rộng đường Láng, kết hợp trồng cây xanh, tuyến đường đi bộ dài gần 4km đoạn từ Cầu Yên Hòa đến Cầu Mọc tạo cảnh quan ven sông và khu vực xung quanh.
Một đoạn sông Tô Lịch, 1 trong 4 con sông nội đô (Ảnh: Tuấn Dũng) |
Các lực lượng chức năng Thành phố duy trì vệ sinh vớt rác, rau bèo trên mặt nước, mái kè ven sông; quản lý kiểm tra chống lấn chiếm lòng sông; nạo vét bùn các đoạn sông để giảm tải tích tụ bùn ô nhiễm trong môi trường nước; thực hiện duy trì cỏ trên mái kè sông; quản lý duy trì các bè thủy sinh trên sông (đoạn từ hạ lưu cống Hoàng Quốc Việt đến Cầu Mới) đảm bảo cảnh quan môi trường và hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm nước.
Tập trung nguồn lực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sử dụng vốn vay ODA (Nhật Bản) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Để cải tạo, phục hồi chất lượng nước 4 sông nội đô, đặc biệt là sông Tô Lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở, ngành và một số chuyên gia thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu triển khai xây dựng Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”…
Tại Toạ đàm Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch – Kim Ngưu – Lừ – Sét do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức cuối tháng 8/2023, các nhà quản lý, nhà khoa học và giới nghiên cứu đã trao đổi, làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp được đề cập trong dự thảo đề án.
Theo dự thảo đề án, sự hình thành và chức năng của hệ thống 4 con sông nội đô gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị của thành phố Hà Nội. Cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên; trong đó cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội. Đây là những yếu tố địa lý cơ bản định hình các xóm làng và mạng lưới giao thông của đô thị cổ.
Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị. Các cửa ô đều là cửa nước ở nơi giao hội các dòng sông, đây cũng là nơi bố trí các chợ ven đô, chợ cửa ô, do đó, trong các triều đại phong kiến, việc nạo vét sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm tránh ngập lụt, chống lấn chiếm đất đai vào lòng sông; trong mạng lưới sông hồ phía Nam, sông Sét và sông Lừ đóng vai trò nổi bật.
Nhiều giải pháp cải tạo các dòng sông đã được thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển, bao gồm xây đê, kè bờ, xây đập và cống ngăn, thậm chí cả lấp bớt một phần sông (trường hợp sông Tô Lịch). Quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hoá, đặc biệt là sức ép dân số cơ học trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô…
Thời gian qua, mặc dù Thành phố có nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô, tuy nhiên quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án còn thiếu tính chủ động, chưa tích hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả hơn từ các nguồn lực xã hội; đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa đồng bộ, thiếu tính dự báo, chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của thành phố; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và bền vững.
Để giải quyết các vấn đề trên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; Xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của Thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông; Đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.