Nỗ lực “phủ sóng” nhà văn hóa

 Phát triển nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng luôn là sự quan tâm của thành phố Hà Nội nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Những năm qua, Thành phố đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để nhà văn hóa được “phủ sóng” trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, việc “phủ sóng” này vẫn còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi sự sáng tạo trong cách làm để giải quyết tình trạng này.

 Vẫn còn nhiều khó khăn

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực xây dựng nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng nhằm tạo các thiết chế nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Tại khu vực ngoại thành, sau khi xây dựng nông thôn mới, về cơ bản các thôn, làng đã có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Theo ghi nhận tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Phú Xuyên, Chương Mỹ… cho thấy các thôn, làng đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, có khuôn viên sạch, đẹp. Một số địa bàn, nhà văn hóa thôn được xây dựng 2 tầng, có thư viện, phòng chơi bóng bàn. Những đơn vị còn thiếu được Thành phố quyết định cấp ngân sách xây dựng từ năm 2020.

Nỗ lực “phủ sóng” nhà văn hóa
Nhà văn hóa thôn An Hiền (trước đây là thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) còn là nơi luyện tập thể dục thể thao của người dân (Ảnh chụp thời điểm trước khi có dịch Covid-19).

Các quận mới như Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đều bố trí được quỹ đất, kinh phí để xây nhà văn hóa. Khó khăn chủ yếu nằm ở khu vực nội thành cũ, khi không thể bố trí được quỹ đất. Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vào tháng 12/2021 cho thấy, toàn thành phố có 4.123/5.406 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, thì khu vực nội thành chỉ có 1.689 công trình, đạt 31% độ “phủ sóng” trên khu vực.

Nhiều phường tại khu vực này vẫn thiếu nhà văn hóa, chưa kể, phần lớn điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ đáp ứng được việc hội họp, chưa khai thác được các hoạt động văn hóa, thể thao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do không bố trí được quỹ đất. Cụ thể, theo ghi nhận, đối với các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân… có nhiều khu dân cư, tổ dân phố vẫn đang thiếu nhà văn hóa. Nguyên nhân chính là khu vực này đất chật, người đông, thiếu quỹ đất xây dựng. Cũng vì thế, người dân phải sinh hoạt nhờ tại các địa điểm khác như các di tích, trường học, trụ sở các cơ quan, đơn vị. Thậm chí nơi góc phố, sân khu nhà tập thể cũng được tận dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

Cũng chính bởi lẽ đó, các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân bị hạn chế rất nhiều. Theo chia sẻ của nhiều người dân, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ bị bó hẹp trong những căn nhà thiếu ánh sáng, ngõ vào chật chội nên rất muốn có những không gian sinh hoạt văn hóa chung. Tuy nhiên, mong mỏi đó cũng rất khó do nhiều khu vực trong nội thành hầu hết là thiếu nhà văn hóa. Trong khi đó trên địa bàn không có quỹ đất, không có đất xen kẹt.

Góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần

Dù khó khăn trong việc tìm quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng việc đầu tư phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân vẫn đang được các quận, huyện quan tâm. Trong đó, nhiều địa phương đã “tăng tốc” xây dựng được các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng phát triển cả về “chất” và “lượng”.

Để hoàn thiện thiết chế cơ sở, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị của từng người dân, từng khu phố, cụm dân cư. Theo kế hoạch, Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên (tính trên tổng số phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố). Để đạt chuẩn, thì 100% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Điển hình, tại thôn An Hiền (trước đây là thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) lâu nay được biết đến là điểm sáng của phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong khuôn viên nhà văn hóa còn có một thư viện sách khang trang, rộng rãi, góp phần tạo nên một quần thể vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao bổ ích. Theo ông Trần Quang Huy – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Hiền, với 2.000 cuốn sách, thư viện là kho tri thức mà người dân An Hiền luôn nâng niu, trân trọng gìn giữ.

Xác định tri thức là điều quan trọng để thay đổi nhận thức, hành vi trong xây dựng nếp sống văn hóa nên năm 2015 người dân thôn quyết tâm xây dựng thư viện từ nguồn vốn xã hội hóa hơn 200 triệu đồng. Khi chưa có dịch Covid-19, thư viện mở cửa vào hai buổi chiều trong tuần, thu hút đông đảo bạn đọc ở mọi lứa tuổi. “Xã hội hiện đại, con người có nhiều mối quan tâm nhưng có thể nói thư viện đã thành công trong việc thu hút người dân và đặc biệt là các em nhỏ đến với sự đọc, từ đó bồi đắp kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, pháp luật… “, ông Huy cho biết.

Tương tự, tại nhà văn hóa tại Tiểu khu Phú Thịnh (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên) không chỉ là nơi hội họp của người dân mà còn là nơi tập luyện của thành viên các câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh… và tổ chức thi đấu thể thao. Bà Phùng Thị Yên – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận Tiểu khu Phú Thịnh cho biết, Tiểu khu Phú Thịnh có địa bàn rộng nhất trong thị trấn. Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, nhà văn hóa các thôn trở thành địa điểm họp của Tổ Covid-19 cộng đồng, nơi tiếp nhận ủng hộ tiền và vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. “Từ khi có nhà văn hóa khang trang, tất cả các hoạt động của thôn đều diễn ra ở đây. Nhân dân rất phấn khởi”, bà Phùng Thị Yên cho biết.

Nói về vai trò quan trọng của nhà sinh hoạt cộng đồng trong việc kết nối người dân cũng như tuyên truyền các chính sách của Đảng và các cấp chính quyền, từ năm 2012, ông Lại Xuân Doãn – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư số 10, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) đã đề nghị với các cấp chính quyền và người dân chung tay sửa sang, cải tạo nhà văn hóa. Đến năm 2019, nhờ sự đầu tư của các cấp chính quyền, nhà sinh hoạt cộng đồng đã được cải tạo, mở rộng, xây dựng khang trang. Nhà sinh hoạt rộng 80m2, 3 tầng với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ hội họp, tổ chức các phong trào thi đua…

“Nhờ có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang mà người dân chúng tôi được gắn kết hơn. Khi chung sống với Covid-19 trong tình hình mới, chúng tôi thực hiện hội họp vẫn giãn cách đầy đủ. Tầng 1, tầng 2 nhà văn hóa có kết nối camera, màn hình tivi đầy đủ để các cuộc họp diễn ra nghiêm túc, triển khai các phương án an toàn…”, ông Doãn chia sẻ./.

Kim Tiến
https://laodongthudo.vn/no-luc-phu-song-nha-van-hoa-137120.html