Nỗ lực vì mục tiêu chuẩn văn minh đô thị

Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 14/11/2023 triển khai thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Để được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị cùng người dân trong việc tham gia xây dựng cảnh quan đô thị được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Hữu Thắng – Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên cho biết, xác định việc xây dựng đô thị văn minh không phải là việc của ngày một ngày hai, trong nhiều năm qua cùng với việc phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh được quận tiếp tục triển khai và hướng dẫn các phường duy trì thực hiện. Đến nay, trên địa bàn quận đã có 62/90 tuyến đường, tuyến phố đã được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị, 6/14 phường đã được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.
Nỗ lực vì mục tiêu chuẩn văn minh đô thị
Quận Long Biên tham gia Hội thi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Trong tháng 11 vừa qua, quận Long Biên đã hướng dẫn phường Việt Hưng, phường Giang Biên xây dựng hồ sơ theo quy định. Quận Long Biên cũng đã thành lập hội đồng thẩm định và đánh giá việc thực hiện công tác này trong 2 năm qua đã được triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả nổi bật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 2 phường đã tổ chức xin ý kiến người dân và 100% người dân trên địa bàn hài lòng và đồng tình với chủ trương và kết quả xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh.

“Có được những kết quả như trên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Thành phố, chỉ đạo trực tiếp của Quận ủy – Hội đồng nhân dân quận, công tác xây dựng đô thị văn minh được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả, bộ mặt đô thị của quận ngày càng văn minh, hiện đại, Long Biên trở thành quận đáng sống với nhiều công trình văn hóa như công viên, vườn hoa, các thiết chế văn hóa được quan tâm, hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ, ý thực chấp hành giao thống, vệ sinh môi trường của người dân ngày càng được nâng cao”, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên đánh giá.

Còn tại quận Ba Đình, ngay sau khi Thành phố có Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 22/2/2022 về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, Ủy ban nhân dân quận đã triển khai xây dựng phường Điện Biên, Kim Mã, Quán Thánh thành phường điểm về kỷ cương và văn minh đô thị. Đối với nhóm tiêu chí về xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị được cho là khó nhất khi thực hiện. Các tiêu chí về công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; không sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, gây cản trở giao thông; tỷ lệ cây xanh, chiếu sáng đô thị; vệ sinh môi trường… đã được cấp ủy, chính quyền từ quận đến cơ sở ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo triển khai quyết liệt; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội.

Đến nay, trên địa bàn quận Ba Đình, việc triển khai thực hiện 9 tiêu chí trên tất cả các lĩnh vực để đạt phường đạt chuẩn đô thị văn minh được Ủy ban nhân dân các phường thực hiện nghiêm túc. Kinh nghiệm chính được rút ra trong xây dựng chuẩn văn minh đô thị đó là các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch phải rõ tiêu chí, sát thực tiễn. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động.

Việc triển khai xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh sẽ mang lại những lợi ích thiết thực về phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết của nhân dân toàn Thành phố trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là Hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho rằng, để có được kết quả đó đòi hỏi các cơ quan ban, ngành địa phương cần, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng toàn thể nhân dân Thành phố cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh là mục tiêu xuyên suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh tại địa phương và bố trí nguồn lực để thực hiện. Thường xuyên phối hợp rà soát, cập nhật các hướng dẫn đánh giá tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn thành phố; tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiệp vụ; định kỳ hàng quý trong đánh giá công tác cần sơ kết, tổng kết; nhân rộng các mô hình hiệu quả trong triển khai thực hiện xây đô thị văn minh hiệu quả…

Đồng thời, cần có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, thị trấn với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên trong việc triển khai thực hiện đánh giá, công nhận, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp. Gắn việc kiểm tra việc thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh gắn với lồng ghép nội dung kiểm tra Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; với các cuộc vận động, các phong trào khác như Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…theo phương châm lồng ghép chặt chẽ, có mục tiêu kế hoạch cụ thể, rõ ràng trong từng thời gian.

Phương Bùi

Nỗ lực vì mục tiêu chuẩn văn minh đô thị (laodongthudo.vn)