Trong cái nắng nóng như đổ lửa giữa tháng 7, chị Nguyễn Thị Phương – nhân viên tiếp thị bán hàng của một hãng dược phẩm với mức lương 7 triệu đồng/tháng cảm thấy “run tay” khi cầm thông báo đóng tiền điện tháng vừa rồi hết 900 nghìn đồng. Từ quê Thái Bình lên Hà Nội làm việc 2 năm nay, gần đây, chị Nguyễn Thị Phương thuê trọ ở một căn hộ nhỏ tại Phú Kiều, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm với giá 1,7 triệu đồng/tháng.
Nhiều người lao động phải cân nhắc kỹ khi đi chợ. |
Trước đây, chị Phương không để ý lắm đến giá điện tiêu dùng hàng tháng, bởi với mức lương 7 triệu, tằn tiện chi tiêu giữa Thủ đô chị cũng đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng mấy tháng gần đây, khi giá cả tăng cao, từ xăng xe, mớ rau, gói mỳ, quả trứng,… khiến chị Phương phải giảm chi tiêu đáng kể. Lúc này, chị mới quan tâm đến tiền điện mà mình phải trả hàng tháng.
Chị nói: “Phòng trọ nhỏ, có điều hòa, trung bình mỗi tháng tôi phải đóng khoảng hơn 200 nghìn tiền điện. Tháng hè nắng nóng thì khoảng 500-700 nghìn cho nên tôi cũng không để ý lắm. Bây giờ cái gì cũng tăng, từ ăn uống, sinh hoạt, xăng xe,… đều nhích chi phí lên khoảng 20% khiến tôi bắt đầu chú ý đến những khoản tiền phải trả. Giá điện không tăng, nhưng cộng dồn các khoản tăng khác vào thì đây là một cú sốc đối với tôi”.
Và bài toán mà chị Phương phải cân nhắc ngay đó chính là cắt giảm giờ dùng điện để giảm chi phí. Mặc dù thời tiết tháng 7 nóng cao điểm gần 40 độ, chị vẫn quyết định không bật điều hòa mà chỉ dùng quạt điện. Chị Phương cho biết, chị chỉ bật điều hòa khoảng 2 tiếng đồng hồ vào ban đêm để cho phòng mát rồi tắt đi, và dùng quạt điện. Ban ngày nắng nóng mà công việc của chị lại là làm online “tại gia” nhưng chị vẫn chấp nhận “mồ hôi nhễ nhại” để giảm chi phí.
Cũng như chị Phương, gia đình chị Hoàng Ngọc Bích thuê trọ ở một căn hộ 30m2 tại phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội cũng phải đau đầu với bài toán chi tiêu. Nhà chị có 3 người, trong đó có 1 con nhỏ, nhưng khi giá cả có phần tăng lên, chị Bích quyết định cắt giảm 2 hạng mục quan trọng trong gia đình đó là xăng và điện. Có 2 xe máy chị gửi về quê 1 xe, chỉ để lại 1 xe hai vợ chồng chở nhau đi làm cho đỡ tốn tiền xăng và đỡ tốn một suất gửi xe ở xóm trọ.
Như đã đề cập, do hệ lụy của đại dịch Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, thị trường dịch vụ, hàng hóa đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Đối với những người có thu nhập cao, tất nhiên giá cả tăng cũng có đôi chút ảnh hưởng, nhưng không thành vấn đề với họ. Song những người có thu nhập trung bình như công nhân, viên chức, người lao động, người về hưu việc giá cả tăng cao là cả một vấn đề lớn. Thời buổi “bão giá” họ phải kiêm thêm chức năng “kế toán tiêu dùng” của chính họ. |
Riêng sử dụng điện, chị Bích chỉ dám dùng điều hòa từ lúc nửa đêm chứ không bật từ tối như mọi khi. “Tôi mua thêm chiếc quạt điện công suất lớn để giảm thiểu tiền điện mỗi tháng. Tuy nhiên phòng trọ thì nhỏ lại có 3 người sinh sống nên khá chật chội, oi bức. Gia đình chúng tôi cố tiết kiệm để mua căn hộ chung cư nhưng cho đến nay giấc mơ ấy cũng tan thành mây khói khi giá nhà tăng cao và còn ở rất xa nơi làm việc của hai vợ chồng”, chị Bích buồn rầu chia sẻ.
Không chỉ có những người thuê trọ ngay trong lòng thành phố, mà ở những khu ngoại thành, nhiều công nhân lao động cũng lao đao vì chi phí tăng cao. Nhiều người đã phải thuê chung nhà trọ để giảm chi phí. Tuy không gian khá chật chội và bất tiện, nhưng đó là cách duy nhất để duy trì cuộc sống và công việc.
Còn chị Loan ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, làm tạp vụ cho một trường mầm non của tập đoàn khá nổi tiếng, trước đây khi chưa xảy ra “bão giá”, dù bấm bụng lương của chị vẫn tạm đủ chi tiêu tiền ăn, tiền học cho con, tiền thuê nhà với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng đến nay, chị không thể trụ nổi, đành phải trả nhà và đến ở nhờ người quen.
Chị Loan kể, đến tiền gửi xe máy, người cho gửi cũng biện lý do giá xăng tăng, để tăng thêm 40.000 đồng/xe, thành ra chỉ chiếc xe máy mỗi tháng cũng mất tiền gửi 240.000 đồng. Mùa này, thời tiết khắc nghiệt, đêm bật quạt, con gái không ngủ được vì nóng, mình có thể cố cũng được, nhưng con còn nhỏ, thương con bật điều hòa, cuối tháng thanh toán hóa đơn tiền triệu. Trước đây, cầm 100.000 đồng đi chợ, hai mẹ con đã có bữa cơm ngon, nay mỗi ngày đi chợ, một vài trăm ngàn chả thấm vào đâu.
“Hè năm nay, nhìn những người có điều kiện đưa con cái đi du lịch mà thấy xót cho con mình. Với tôi giờ chỉ mong các cơ quan chức năng làm thế nào để ghìm cương giá cả để những người lao động làm công ăn lương lại phải đi thuê nhà như chúng tôi bớt chút vất vả”, chị Loan cho hay.
“Thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thiếu
Cả tháng nay, anh Nguyễn Tuấn Anh – nhân viên bán hàng cho một công ty cung cấp thiết bị vi tính, trọ tại phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã phải thay đổi thói quen đi chợ. Trước đây, anh thường đến siêu thị nhỏ đầu phố để mua thức ăn vì mức chi tiêu cho 2 bữa ăn trong ngày không đáng kể. Hơn nữa, thịt, rau ở siêu thị tuy có đắt hơn một chút nhưng không phải mặc cả, lại có dán giá sẵn, tiện cho việc cân đối túi tiền khi mua hàng.
Nhiều người lao động phải thuê chung nhà trọ để giảm chi phí. |
Thế nhưng hai tháng nay anh đã chuyển hướng đi mua thực phẩm ở khu chợ, mặc dù xa hơn một chút. Hơn nữa, anh cũng chỉ đi chợ chiều vì giá chợ chiều rẻ hơn chợ sáng. “Các hàng rau, thịt buổi chiều thường rẻ hơn do tâm lý sợ ế cuối ngày. Mặc dù không tươi và ngon như buổi sáng nhưng nếu biết chọn thì vẫn mua được thực phẩm ngon và rẻ”, anh Tuấn Anh cho biết.
Là một gia đình có cửa hàng nhỏ ở phố Dịch Vọng, chị Thu Trà cũng lao đao không kém khi “bão giá”. Trước đây, chị bán hàng, chồng chị chạy xe ôm công nghệ, thu nhập của cả gia đình cũng tạm ổn ở mức 20 triệu đồng/tháng. Thế nhưng mấy tháng nay, giá cả cái gì cũng tăng, nhất là xăng, nên thu nhập giảm đáng kể. Cùng với đó, vì nuôi con nhỏ, giá sữa, giá bỉm, tã, giấy vệ sinh, thực phẩm,… lại tăng lên khiến cho kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Chị Trà cho biết, nếu như trước đây hai vợ chồng chắt bóp tiết kiệm mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng để phòng thân, thì nay không những không có tiền tích cóp mà còn âm vốn. Hàng hóa đắt lên nên người dân đến cửa hàng của chị mua đồ tạp hóa cũng giảm đi 1/3, khiến thu nhập gia đình sụt giảm. Chưa kể mấy tháng hè nắng nóng cao điểm, nhà có con nhỏ phải bật điều hòa cả ngày khiến tiền điện tăng từ 1 triệu lên 2 triệu đồng/tháng. Số tiền tích được phải mang ra dùng dù đã thắt chặt mọi chi tiêu nhưng vẫn “âm tiền”.
Trời đang trong thời điểm oi bức, những người làm nghề xe ôm trước cổng Bệnh viện Châm cứu và massage Hương Sen ướt sũng mồ hôi nhưng vẫn phải ngồi chờ khách. Tâm sự với chúng tôi, họ nói giờ xe ôm công nghệ nhiều lại gặp phải thời tiết nắng nóng, ít khách đi. Đã ít khách đi, nhưng họ vẫn phải ráng trụ lại thành phố để mưu sinh.
Trước đây, ăn một suất cơm 30 nghìn đã no, nay tăng lên 40 nghìn mà chẳng thấy thấm thía gì. Chúng tôi phải tiết kiệm từng đồng để cân đối tài chính chi tiêu trong tháng. Tương tự những người làm nghề tự do như thợ xây, giờ đi chợ cũng phải bấm bụng lựa chọn mặt hàng nào rẻ nhất thì mua. Dẫu biết đã rẻ thì chất lượng sẽ không tốt… Còn những bác về hưu, hầu như ai cũng phải lập một quyển sổ để ghi chép cho việc chi tiêu. Ví như tháng này tiền điện, tiền nước, tiền hiếu hỉ, tiền chợ, tiền thuốc hết bao nhiêu để cân đối. Nếu vượt quá ngưỡng cho phép, tháng sau phải tự cắt giảm nguồn chi khác để cân đối tài chính.
Giá xăng giảm nhưng giá tiêu dùng vẫn “neo”
Giá xăng đã giảm về mức không quá 29.675 đồng/lít, nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn chưa hạ nhiệt do phải mất một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tính toán giá đầu vào, từ đó điều chỉnh giá bán thực tế. Bởi vậy, khi giá xăng dầu giảm theo chu kỳ, giá hàng hóa khó giảm ngay theo.
Bán hàng thực phẩm tại kiot Thanh Hà Cienco, anh Bùi Anh Tuấn cho biết, giá mồng tơi chiều ngày 19/7 là 20 nghìn đồng/1kg, giá cải canh 25 nghìn đồng, giá rau dền 20 nghìn đồng, bầu 12 nghìn đồng,… so với 2 tháng trước giá các mặt hàng này đã tăng 20% đến 30% và vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Một số thực phẩm khác như cá trắm cắt khúc cũng vào khoảng 83 nghìn đồng/1kg, trứng gà omega3 5.000 đồng/quả, quýt Úc 125 nghìn đồng/1kg, dưa lưới 52 nghìn đồng. Tuy nhiên mặt hàng hoa quả, đồ ăn vặt lượng khách mua cũng giảm do hầu hết các gia đình đều cắt giảm chi tiêu không cần thiết.
Người lao động phải cân nhắc mỗi khi đi chợ vì giá cả leo thang. |
Anh Tuấn cho biết, giá thịt lợn và trứng vẫn cao trong mấy ngày qua. Theo kinh nghiệm bán hàng của anh thì giá xăng tăng kéo theo giá cả các mặt hàng cũng tăng, nhưng dù giá xăng giảm thì giá thực phẩm cũng không giảm ngay, giảm chậm hoặc thậm chí không giảm.
Nhận định về thị trường giá cả hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, giá tiêu dùng có giảm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cơ bản khi giá xăng giảm đã góp phần làm dịu đi sự tăng giá, bớt đi tâm trạng căng thẳng trong vấn đề mặc cả giá. Về lâu dài thì chắc chắn các mặt hàng tiêu dùng sẽ giảm.
Nhiều người đề xuất, giá xăng, dầu đã giảm, hàng hóa tiêu dùng không khan hiếm, Bộ Công Thương, Tài chính và các địa phương nên rà soát các quy trình sản xuất- kinh doanh để tránh tình trạng đầu cơ “té nước theo mưa” dẫn đến giá cả liên tục tăng cao. Người lao động đã trải qua những tháng ngày khó khăn do đại dịch, giờ không thể gánh thêm gánh nặng về giá! |
Hiện nay, các mặt hàng đang tăng và chưa vào đúng thời vụ thu hoạch. Khi vào vụ mùa, lượng cung tăng lên thì giá cả mới được giảm bớt; và khi nhập khẩu nhiều thì giá cả mới giảm. Tuy nhiên cả hai yếu tố trên đều chưa xảy ra, mặc dù vậy giá vàng và giá xăng giảm cũng đã làm giảm một phần nào đó lên giá tiêu dùng. Đặc biệt khi căng thẳng chính trị ở châu Âu dịu bớt thì mới có áp lực tốt để giảm giá thành thực phẩm.
“Đây là tháng có sự gia tăng theo quán tính của các mặt hàng tiêu dùng. Trong bối cảnh thu nhập hạn hẹp mà giá cả tăng, mỗi người sẽ cần có một bài toán chi tiêu của riêng mình để “liệu cơm gắp mắm”, giảm bớt nhu cầu không cần thiết. Đặc biệt, cần tham khảo giá kỹ, cũng như không dễ dàng chịu sức ép của người bán. Tóm lại, người tiêu dùng cần phải có nhiều thông tin, cũng như thật tỉnh táo khi quyết định chi tiêu”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong khuyên người dân nên giảm bớt nhu cầu không cần thiết để đảm bảo đời sống.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,70% so với tháng trước, tăng 3,15% so với tháng 12/2021 và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, trong đó 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu là nhóm giao thông tăng 16,07%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,61%.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Hà Nội cần tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn. Theo dõi chặt chẽ thị trường giá cả hàng hóa, trọng tâm là giá các mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu; giá lương thực, thực phẩm; vật liệu xây dựng và giá thức ăn chăn nuôi,… để có chính sách, giải pháp kịp thời cân đối cung – cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững và các cân đối về điện, xăng dầu, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét những tác động của giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến giá sản phẩm hàng hóa, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Được biết, trong những tháng đầu năm 2022, trước những biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược, nhất là các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới gây áp lực đối với lạm phát trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục có các biện pháp điều hành, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát mục tiêu cũng như các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tài khóa ngay từ những tháng đầu năm 2022 như giảm thuế VAT từ 10% giảm xuống còn 8% một số hàng hóa, dịch vụ; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm trực tiếp,… nhưng đến nay giá cả vẫn đứng ở mức cao./.